Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung khẳng định tầm quan trọng chiến lược của tăng trưởng xanh đối với Việt Nam và cộng đồng quốc tế: "Tăng trưởng xanh là xu thế không thể đảo ngược, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao năng lực chống chịu trước biến đổi khí hậu".
Tại phiên thảo luận mở, nhiều đại biểu quốc tế đã đóng góp ý kiến, theo đó bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhấn mạnh vai trò then chốt của việc cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn vốn đến được đúng nơi, đúng lúc, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Bà kêu gọi tăng cường công bằng tài chính và tạo điều kiện tiếp cận tài chính xanh cho mọi quốc gia.
Các diễn giả đến từ nước ngoài đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công – tư và sự cần thiết của việc kết nối chính sách giữa các nước trong khu vực, hướng đến việc hình thành một hành lang tài chính xanh xuyên biên giới tại châu Á. Khẳng định cam kết đồng hành của các nước trong chuyển đổi xanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nước và nông nghiệp thông minh với khí hậu, tầm quan trọng của việc đầu tư dài hạn và tiếp cận tài chính với chi phí hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, khẳng định vai trò tiên phong của Thành phố trong thúc đẩy tài chính xanh. TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tăng trưởng xanh đến 2030, triển khai chính sách tài chính đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 và thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư xanh thông qua trái phiếu xanh đô thị và PPP xanh.
Tại phiên thảo luận, các diễn giả từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như IFC, HSBC, MUFG Bank và Kenya Climate Ventures đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, thách thức và đề xuất sáng kiến mới trong việc huy động tài chính xanh.
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng nhu cầu tài chính của Việt Nam để thực hiện lộ trình phát thải ròng bằng 0 đến năm 2040 ước tính lên tới 368 tỷ USD. Những hạn chế trong hệ thống tài chính hiện tại như: tín dụng xanh chiếm chưa tới 5% tổng dư nợ, thị trường trái phiếu khí hậu chưa phát triển, và kêu gọi các giải pháp như cải thiện quy định, tăng cường năng lực ngân hàng, thúc đẩy công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh dương.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng chia sẻ một loạt sáng kiến đột phá như: Cơ sở Tài chính Khí hậu Đổi mới (Innovative Finance Facility for Climate) có thể hỗ trợ lên đến 36 tỷ USD/năm cho các nước; Chương trình GSS+ Bonds hỗ trợ phát hành hơn 3,5 tỷ USD trái phiếu xanh, xã hội và bền vững; đồng thời hỗ trợ thiết lập tiêu chuẩn ASEAN về quỹ đầu tư có trách nhiệm. Những sáng kiến này đang góp phần thúc đẩy nguồn vốn trong và ngoài nước cho tài chính xanh.
Nhận định về thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, các diễn giả cũng nêu ra những rào cản trong thị trường tài chính xanh tại Việt Nam như: thiếu hệ thống phân loại rõ ràng, công bố ESG còn hạn chế và tiêu chuẩn quốc tế còn quá cao so với năng lực thị trường. Việc cải cách chính sách tài chính như ưu đãi thuế, điều chỉnh trần tín dụng, miễn hoặc giảm dự trữ bắt buộc cho tín dụng xanh, và khung pháp lý rõ ràng cho phát hành trái phiếu xanh.
Kết luận phiên thảo luận, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: "Việt Nam cam kết triển khai thực chất các cam kết xanh, đồng thời sẵn sàng chia sẻ và học hỏi để hướng tới một hệ thống tài chính toàn cầu công bằng, bền vững cho tất cả".