Giá thép thế giới ngày 31/10 giảm sâu, thép trong nước đi ngang sau 3 đợt điều chỉnh giá

Nhật Đức | 12:20 31/10/2022

Ngày 31/10 ghi nhận giá thép thế giới tiếp tục giảm sâu, thị trường thép trong nước còn ảm đạm, doanh nghiệp ngành thép còn nhiều khó khăn.

Giá thép thế giới ngày 31/10 giảm sâu, thép trong nước đi ngang sau 3 đợt điều chỉnh giá
Giá thép trong nước đi ngang sau 3 đợt điều chỉnh giá

Cụ thể, trên Sàn giao dịch Thượng Hải giá thép hôm nay 31/10 giao tháng 1/2023 giảm 92 nhân dân tệ xuống mức 3.499 nhân dân tệ/tấn.

Giá thép giao kỳ hạn tháng 5/2023 trên Sàn giao dịch Thượng Hải cuối tuần giảm 94 nhân dân tệ, xuống mức 3.353 nhân dân tệ/tấn.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia đạt 150,6 triệu tấn trong tháng 8, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, giá nguyên liệu sản xuất thép biến động mạnh. Cụ thể, giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc liên tục giảm từ hồi đầu quý II đến nay, với mức giảm 50% so với quý I/2022, các doanh nghiệp sản xuất thép bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn.

Hiệp hội Thép thế giới cho rằng, nhu cầu thép toàn cầu sẽ giảm 2,3% trong năm nay, điều chỉnh dự báo từ mức tăng 0,4%. Môi trường kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể, do lạm phát cao và các động thái tăng lãi suất, song song đó là sự suy thoái của Trung Quốc do chính sách Zero Covid và sự yếu kém của lĩnh vực bất động sản.

Tại Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,808 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 19,261 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường thép cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép…) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Ngoài ra, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại thời điểm 30/9 ước tính giảm 25.000 tỷ so với con số kỷ lục cuối quý 2 trước đó, xuống còn khoảng 85.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.

Doanh nghiệp thép từ lớn đến nhỏ đều báo lỗ quý III khi giá bán giảm, nhu cầu yếu. Từ các tập đoàn lớn như Hòa Phát, Nam Kim tới nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn đều báo lỗ trong quý III/2022 khi giá thép sa sút, chi phí đầu vào lên cao, VND mất giá làm tăng lỗ tỷ giá,…

Về giá thép trong nước ghi nhận đi ngang sau 3 nhịp điều chỉnh từ đầu tháng 10. Cụ thể, thép Việt Đức hiện đang bán thép thanh vằn D10 CB300 có giá trị 14,66 triệu/tấn; thép cuộn CB240 có giá 14,35 triệu/tấn.

Thương hiệu thép Việt Ý, hiện thép cuộn CB240 ở mức 14,51 triệu đồng/tấn; dòng thép thanh vằn D10 CB300 tiếp tục giữ nguyên giá 14,72 triệu đồng/tấn.

Với thương hiệu thép Việt Nhật, công ty báo giá thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 có giá lần lượt là 14,31 triệu đồng/tấn và 14,51 triệu đồng/tấn.

Thép Hòa Phát cũng báo giá 2 loại thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 ở các mức giá lần lượt là 14,5 triệu đồng/tấn và 14,6 triệu đồng/tấn

Sau đợt điều chỉnh ngày 13/10, Thương hiệu thép Kyoei bán thép CB240 có giá 14,31 triệu đồng/tấn; thép D10 CB300 có giá 14,67 triệu đồng/tấn

Được biết, thép Pomina là thương hiệu có mức giảm giá thấp nhất trong các đợt điều chình giá hồi đầu tháng 10, thép cuộn CB240 được bán với giá 15,73 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 giá bán ở mức 15,94 triệu đồng/tấn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giá thép thế giới ngày 31/10 giảm sâu, thép trong nước đi ngang sau 3 đợt điều chỉnh giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO