Một lãnh đạo Công ty thẩm định giá cũng cho biết, qua thực tế hoạt động tư vấn thẩm định giá tài sản cho một số chủ đầu tư/bên mời thầu cho thấy, nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu phải giải trình về việc vì sao đơn giá trúng thầu của các gói thầu và đơn giá sản phẩm trên thị trường lại khác nhau?
Thậm chí một số công ty thẩm định giá cũng được các cơ quan chức năng hỏi về việc vì sao giá trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá chênh lệch (cao hơn) nhiều so với giá hàng hóa nhập khẩu? Điều này dẫn đến hậu quả nhiều người cho rằng có kết quả thẩm định giá là không hợp lý, có khả năng gây thất thoát!
Vậy lí do nào khiến cho giá hàng hoá trúng thầu hoặc giá trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá lại cao hơn giá nhập khẩu?.
Hàng hoá nhập khẩu đang gánh những chi phí nào?
Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, giá hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu được Căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 25/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/4/2014 được xác định theo công thức: Giá hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu = Giá vốn nhập khẩu (GV) + Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính (nếu có) + Lợi nhuận dự kiến (nếu có) + Thuế giá trị gia tăng, thuế khác (nếu có).
Giá vốn nhập khẩu (GV) xác định theo công thức: GV = Giá mua tại cửa khẩu Việt Nam (giá CIF) + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) + Các khoản thuế, phí khác phát sinh tại khâu nhập khẩu (nếu có) + Các khoản chi bằng tiền khác theo quy định (nếu có).
Trong đó: Giá mua tại cửa khẩu Việt Nam (giá CIF) bằng (=) [Giá mua thực tế ở thị trường nước ngoài cộng (+) Các chi phí phát sinh để đưa hàng về Việt Nam (gồm chi phí bảo hiểm quốc tế, cước vận chuyển quốc tế) cộng (+) Các chi phí phải cộng khác theo quy định (nếu có) trừ (-) Các chi phí phải trừ khác theo quy định (nếu có) vào giá trị hàng nhập khẩu để tính thuế nhập khẩu theo quy định] nhân (×) Tỷ giá quy đổi ngoại tệ.
Tỷ giá quy đổi ngoại tệ được tính theo tỷ giá thực tế các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã thanh toán với Ngân hàng (nơi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giao dịch) khi vay hoặc khi mua ngoại tệ để mua hàng hóa. Trường hợp các tổ chức, cá nhân chưa thanh toán với Ngân hàng thì tính theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân đã vay hoặc mua ngoại tệ tại thời điểm định giá.
Đối với phương án giá mua tối đa, giá bán tối thiểu hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước lập phương án giá, tỷ giá ngoại tệ tính theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm định giá hoặc công bố gần nhất so với thời điểm định giá.
Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản thuế, phí khác phát sinh tại khâu nhập khẩu (nếu có) theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
Các khoản chi bằng tiền khác theo quy định (nếu có) gồm; Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính (nếu có) được xác định theo quy định tại Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTC; Thuế giá trị gia tăng, thuế khác (nếu có) theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
Như vậy, để có hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu bán trên thị trường nội địa ngoài giá vốn nhập khẩu doanh nghiệp nhập khẩu còn phải gánh thêm các loại chi phí khác như thuế, phí logictics, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính.... cùng lợi nhuận dự kiến. Đó là lí do giá bán hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa luôn có xu hướng cao hơn giá nhập khẩu.
Khi thực hiện thẩm định giá thì thẩm định viên về giá sẽ tính các chi phí hàng hoá nhập khẩu phải "gánh" để hình thành nên mức giá trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.
Tuy nhiên, trên thực tế do yếu tố thị trường, chiến lược kinh doanh… vào tùy từng thời điểm giá bán hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa cũng có thể thấp hơn giá nhập khẩu. Trong trường hợp này doanh nghiệp nhập khẩu chấp nhận bán lỗ. Do đó thẩm định viên về giá còn phải so sánh giá thực tế trên thị trường để đưa ra mức giá sát nhất.
Tôn trọng mức giá được xác lập trên thị trường
Với các quy định của pháp luật như trên, với các chủ thầu/đơn vị mời thầu và đặc biệt là các Công ty thẩm định giá, đây thực sự được xem là "nỗi oan" mang tên chênh lệch giá.
Liên quan đến vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của thẩm định viên trong quá trình thẩm định giá tài sản, chia sẻ với Markettimes, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc, Bộ phận Tư vấn và Định giá - Savills Hà Nội cho biết: thẩm định viên là người trực tiếp đi thẩm định về giá trị tài sản, trách nhiệm của thẩm định viên là kiểm tra hồ sơ pháp lý thực tế, khảo sát tài sản, kiểm tra trên thực địa… Thẩm định viên cung cấp một cái nhìn thực tế nhất của tài sản đó và khi có tài sản so sánh.
“Vừa qua, qua nhiều sự việc xảy ra liên quan đến đấu giá, dư luận đã quy trách nhiệm của thẩm định viên về giá quá lớn. Mà ở đây, thẩm định viên về giá chỉ giữ vai trò trung gian, hay là vai trò tư vấn để hai bên mua – bán đưa ra các quyết định cuối cùng và họ được hưởng mức hoa hồng tư vấn rất khiêm tốn, không tương xứng với những gì họ bỏ ra. Kết quả thẩm định giá nên được xem là bản tư vấn tham khảo để biết mức giá thị trường đang ở đâu còn lại hai bên mua - bán quyết định ở mức nào mà cảm thấy phù hợp với mong muốn và ý chí của họ” bà Nguyễn Thị Hồng Vân chia sẻ thêm.
Trong một lần trả lời Markettimes, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, dùng giá nhập khẩu để xác định mức thiệt hại chưa thực sự khoa học.
“Như chúng ta biết, giá nhập khẩu từ các cảng về phải mất rất nhiều chi phí khác như chi phí vận chuyển, lưu kho, bán hàng, nhân công… một số hàng dược phẩm đặc thù còn kho lạnh, phòng đông lạnh đạt chuẩn lưu trữ… tức là rất nhiều chi phí sau thông quan mới trở thành các gói thầu. Việc các cơ quan chức năng ấn định ngay giá nhập khẩu, từ đó trên mức nhập khẩu bao nhiêu thì thiệt hại bấy nhiêu là không thoả đáng. Bởi ngoài vấn đề sau thông quan thì doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận, mà lợi nhuận vài chục phần trăm là chuyện bình thường", Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Trương Anh Tú: Nền kinh tế của chúng ta kinh tế thị trường, mọi cung cầu về giá phải lấy thị trường làm mốc. Khi Nhà nước đánh giá hay xem xét xử lý hành chính, hình sự thì chúng ta phải hết sức tôn trọng mức giá được xác lập trên thị trường tại thời điểm đó, dù cao hay thấp, miễn nó là giá thị trường.
"Về cơ bản chúng ta chưa lấy mức giá nào làm cột mốc để đánh giá cao hay thấp, đúng hay sai. Chúng ta cần có góc nhìn khoa học về giá. Chẳng hạn như tôi thấy cơ sở y tế mua thiết bị y tế trong lúc dịch có cao hơn giá trong điều kiện xã hội bình thường nhưng lại thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các cơ sở y tế khi mở thầu, xét thầu cũng như là ký hợp đồng mua bán thuốc, thiết bị y tế. Như vậy chúng ta đứng ở giữa ngã ba đường, chúng ta lấy giá nào làm mốc căn cứ để xác định hay đánh giá xem xét có biểu hiện tiêu cực hay không. Nếu như chúng ta đánh giá trên cơ sở mặt bằng chung các hợp đồng mua bán tại thời điểm đó thì rõ ràng là khi cơ sở y tế mua thấp nhất thì cần đáng được tuyên dương. Nhưng chúng ta lại có một góc nhìn khác đánh giá rằng giá đó vẫn cao hơn giá nhập khẩu hoặc giá ở điều kiện kinh tế xã hội bình thường, nếu góc nhìn như thế rất bất lợi và chưa đảm bảo tính khoa học", Luật sư Trương Anh Tú phân tích thêm.
Cũng nói về vấn đề này, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp.HCM đã nêu thực trạng trong ngành y tế: Sau khi mua bán thuốc và trang thiết bị y tế, các cơ quan điều tra có kết luận tăng giá bán bất hợp lý, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn. Vì vậy, rất cần có quy định biên độ cụ thể về mức tăng giá để không xảy ra tình trạng tùy tiện, áp đặt trong quá trình điều tra, tránh trường hợp oan uổng hoặc không đủ dũng cảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.