Gặp Tổng Bí thư, đồng chủ nhân giải thưởng chính VinFuture 2024 “hiến kế” gì cho Việt Nam?

Minh Hằng | 17:21 10/12/2024

Đồng chủ nhân của giải thưởng chính VinFuture 2024, mới đây đã đóng góp “kế sách” cho Việt Nam trong lĩnh vực có giá trị gần 1.000 tỷ USD.

Gặp Tổng Bí thư, đồng chủ nhân giải thưởng chính VinFuture 2024 “hiến kế” gì cho Việt Nam?
GS Yann LeCun, đồng chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2024, hiện đang là Phó Chủ tịch và Giám đốc Khoa học Trí tuệ Nhân tạo tại Meta, đồng thời là GS Silver tại ĐH New York. Ông được mệnh danh là “Bố già AI”. Ảnh: MH/VFP

Lĩnh vực này là trí tuệ nhân tạo (AI). Theo báo cáo thường niên Global Technology lần thứ 5, Bain & Co. dự báo, thị trường AI (bao gồm các dịch vụ và phần cứng liên quan) sẽ tăng trưởng 40% - 55% mỗi năm, từ mốc 185 tỷ USD năm 2023. Đặc biệt, đến năm 2027, doanh thu của thị trường AI ước đạt khoảng 780 - 990 tỷ USD.

AI đang được coi là lĩnh vực có thể mang lại nhiều giá trị to lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí là thay đổi các ngành nghề trong tương lai. Đây cũng là đang là lĩnh vực nằm trong chiến lược phát triển trọng điểm của không ít quốc gia hiện nay.

Mới đây, tối 6/12, Giải thưởng Chính VinFuture đã vinh danh 5 nhà khoa học, bao gồm: GS Yoshua Bengio và GS Geoffrey E. Hinton (Canada), ông Jen-Hsun Huang (Jensen Huang, CEO Nvidia), GS Yann LeCun và GS Fei-Fei Li (Mỹ), vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.

giai-chinh-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng Chính cho GS Yoshua Benjo, ông Jensen Huang và GS Yann LeCun. Ảnh: VFP

Theo Hội đồng Giải thưởng VinFuture, thành tựu trên có được là nhờ những đóng góp mang tính cách mạng cho mạng nơ-ron và các thuật toán học sâu của GS Geoff E. Hinton, GS Yann LeCun và GS Yoshua Bengio, những người được mệnh danh là "Bố già AI". Bên cạnh đó, ông Jensen Huang đã tiên phong trong việc phát triển các nền tảng điện toán tăng tốc, thúc đẩy sự bùng nổ của kỷ nguyên AI hiện đại. Việc GS Fei-Fei Li tạo ra tập dữ liệu ImageNet cũng đã thúc đẩy sự tiến bộ trong hệ thống nhận diện hình ảnh, giúp huấn luyện các mô hình học sâu ở quy mô lớn.

Ngay sau lễ trao giải VinFuture 2024, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với GS Yann LeCun. Trong cuộc trao đổi, GS LeCun có nhắc đến ý kiến  của ông dành cho Việt Nam trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm vào ngày 6/12.

Chủ nhân giải VinFuture "hiến kế" gì cho phát triển AI tại Việt Nam?

yann-lecun.jpg
Tổng Bí thư bắt tay GS Yann LeCun vào chiều 6/12. Ảnh: TTXVN

"Trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm vào chiều 6/12 vừa qua, góp ý chính của tôi dành cho Việt Nam để phát triển AI là đầu tư vào nghiên cứu và giáo dục, cũng như áp dụng các nền tảng nguồn mở. Và trên thực tế, Việt Nam ở một mức độ nào đó đã đi trước nhiều quốc gia khác, vì có một luật do Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất dựa nhiều vào các nền tảng nguồn mở. Tôi nghĩ đây là chiến lược khả thi nhất, đặc biệt là đối với lĩnh vực AI", GS Yann LeCun chia sẻ.

Theo GS Yann LeCun: "Theo tôi, AI sẽ trở thành một loại cơ sở hạ tầng, một cơ sở hạ tầng truyền thông. Nó rất giống với Internet và thực tế là Internet được xây dựng trên phần mềm nguồn mở. AI cũng sẽ được xây dựng trên các nền tảng nguồn mở và không phải nền tảng độc quyền. Việt Nam nên đóng một vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào một loại mô hình biên giới lớn sẽ được đào tạo bằng tất cả dữ liệu trên thế giới, với tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, các nền văn hóa và các hệ thống giá trị.

Việc này không thể được thực hiện bởi một công ty hoặc một thực thể duy nhất ở một quốc gia duy nhất mà phải được thực hiện theo cách phân tán trên toàn thế giới. Vì vậy, theo tôi, Việt Nam cùng với Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ nên hình thành quan hệ đối tác quốc tế để đào tạo một mô hình nền tảng AI phổ quát có thể nói được tất cả các ngôn ngữ trên thế giới".

"Bố già AI" lý giải, liên quan đến AI, chúng ta phải có rất nhiều thông tin dữ liệu để đào tạo mô hình và liên quan đến trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Rõ ràng nếu muốn phát triển công nghệ AI có ý nghĩa hoặc nếu muốn đóng góp có ý nghĩa cho nghiên cứu AI, Việt Nam cần các trung tâm dữ liệu tập trung dựa trên GPU.

"Tôi biết gần đây Việt Nam đã có một số thỏa thuận được công bố với Nvidia. Đây là một sự kết hợp cần thiết. Chúng ta không thể làm gì nếu không có nó và thực tế là nó rất tốn kém. Tuy nhiên, đó là một khoản đầu tư cần thiết", GS Yann LeCun chia sẻ về hợp tác của Việt Nam và Nvidia.

Việt Nam nên phát triển trọng tâm vào đâu trong lĩnh vực AI?

gs-lecun.jpg
GS Yann LeCun phát biểu tại Lễ trao giải VinFuture 2024. Ảnh: VFP

Đây là một câu hỏi rất phức tạp. Theo GS Yann LeCun, trước mắt, về phía thượng nguồn, chúng ta có thể có những hoạt động nghiên cứu, phát triển sự nghiệp, tạo ra những công ăn việc làm hay vị trí làm việc cho những nhà nghiên cứu tại Việt Nam. Phòng nghiên cứu của Vin AI là một trong những ví dụ rất tốt ở Việt Nam. Tiếp nữa, chúng ta phải thực hiện nghiên cứu, các chương trình đào tạo tại các trường đại học cho sinh viên, đồng thời hướng dẫn cho những người dân nói chung để làm sao có thể sử dụng AI và chuyển những ý tưởng AI thành các sản phẩm hữu hình, có ích….

Ở phía hạ nguồn, Việt Nam sẽ có trợ lý AI như sử dụng các điện thoại thông minh có tích hợp AI, đeo các kính AI… để có thể giúp cho những hoạt động hàng ngày của những người dân. Tóm lại, mọi người sẽ phải dùng AI trong những công việc hàng ngày của mình.

"Tôi nghĩ rằng một trong những lý do khiến các công ty, các tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu quyết định xây dựng những trung tâm nghiên cứu cũng như kỹ thuật ở Việt Nam trong thời gian gần đây là vì có nguồn nhân tài. Đôi khi chúng ta cần phải tạo các cơ hội cho những nhân tài này. Chúng ta sẽ cần phải xây dựng các phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu… để từ đó tạo ra môi trường thúc đẩy học sinh, sinh viên học tập và làm việc trong lĩnh vực này. Nó giống như một vòng tròn. Đặc biệt, một trong những lợi thế tuyệt vời của Việt Nam là có lớp dân số trẻ", GS Yann LeCun nhấn mạnh.

tong-bi-thu-1.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng và các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế tham gia và dự Lễ trao giải VinFuture 2024. Ảnh: TTXVN

Chiều 6/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế đang ở thăm Việt Nam cũng như tham dự Lễ trao Giải thưởng VinFuture năm 2024. Tổng Bí thư hoan nghênh và nồng nhiệt chúc mừng các nhà khoa học quốc tế, nhất là các nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực AI, khoa học vật liệu, nghiên cứu môi trường và ứng dụng y tế nhân dịp được vinh danh và nhận Giải thưởng VinFuture năm 2024.

Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng, Giải thưởng VinFuture không chỉ là giải thưởng khoa học thường niên có giá trị bậc cao nhất mà còn là minh chứng cho tinh thần ham học hỏi và khát vọng vươn ra toàn cầu, tiếp thu tinh hoa nhân loại của người Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại cuộc gặp này, các nhà khoa học quốc tế cũng đã nêu ý tưởng, đề xuất đối với các vấn đề xây dựng hệ sinh thái AI, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, giao thông… nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trong các lĩnh vực công nghệ mới ở khu vực và thế giới.


(0) Bình luận
Gặp Tổng Bí thư, đồng chủ nhân giải thưởng chính VinFuture 2024 “hiến kế” gì cho Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO