Chiều 3/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng những công trình trọng điểm quốc gia. Tại cuộc họp này, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, nhà đầu tư và là tổng thầu thi công 12/29 dự án công trình trọng điểm quốc gia, đã báo cáo Thủ tướng về khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đối với 4 dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị - chi Lăng, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn và Hà Giang – Tuyên Quang.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, việc giải phóng mặt bằng thuộc 4 dự án cao tốc trên đều triển khai chậm. Các địa phương báo cáo Thủ tướng về tỷ lệ giải phóng mặt bằng đảm bảo, nhưng thực chất nhiều vị trí vẫn còn xôi đỗ và nhiều nơi không có đường tiếp cận.
Đặc biệt, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả đề xuất với Thủ tướng rằng cần có cơ chế để các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nhanh chóng tự chủ trong việc đầu tư, sản xuất cũng như thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao như đường sắt, metro và giao thông thông minh. Trong đó, đối với các dự án quy mô lớn, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp có năng lực quản trị đã có những sản phẩm thực tiễn, đề xuất hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương có dự án đi qua.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị: "Thời gian qua, nhiều những đơn vị thi công các gói thầu lớn chưa có tiền lệ thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025. Như vậy, sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp này sẽ tồn đọng. Do đó, trong việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao cần Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng này được tiếp cận và triển khai thực hiện góp phần xây dựng phát triển đất nước".
Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề nghị Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệp của doanh nghiệp lớn nước ngoài về việc triển khai các công trình quy mô lớn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành liên quan tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao…
Sau khi lắng nghe các ý kiến, bên cạnh biểu dương tinh thần làm việc, cống hiến, đóng góp của các doanh nghiệp, Thủ tướng cũng chỉ rõ việc triển khai các dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập liên quan công tác giải phóng mặt bằng; hệ thống định mức xây dựng; các quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện; đào tạo nhân lực… mà các chủ thể liên quan cần cùng nhau cố gắng và làm tốt hơn.
Thủ tướng mong muốn, tin tưởng và kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng, trong đó có các doanh nghiệp tham gia dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của quốc gia tiếp tục phát huy tinh thần "đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình".
Người đúng đầu Chính phủ nhấn mạnh, "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp", "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", "đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn; quyết tâm rồi, quyết tâm hơn nữa; nỗ lực rồi, nỗ lực hơn nữa; quyết liệt rồi, quyết liệt hơn nữa", tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó có việc tích cực hưởng ứng phong trào 500 ngày đêm cao điểm thi đua xây dựng 3.000 km cao tốc.
Thủ tướng "chỉ đạo nóng" liên quan tới dự án gần 70 tỷ USD
Sáng 5/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tình hình triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Tại cuộc họp, sau khi lắng nghe các ý kiến của Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành thảo luận sôi nổi về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đối với phát triển đất nước..., Thủ tướng đưa ra kết luận.
Trong đó, đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu tiến hành rà soát lại suất đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư đảm bảo chính xác nhất có thể; đồng thời rà soát và đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho triển khai dự án, nhất là về huy động nguồn lực và quy trình thủ tục, các chính sách đặc thù, linh hoạt về đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng… với phương châm cơ chế thông thoáng, thủ tục rút gọn, thi công rút ngắn.
Về nguồn lực, Thủ tướng nêu rõ phải đề xuất cơ chế huy động, đa dạng hoá các nguồn lực, gồm nguồn lực đầu tư công của Trung ương, địa phương, nguồn lực từ vốn vay, phát hành trái phiếu và các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là trong xây dựng, vận hành nhà ga… Cùng với nguồn lực tài chính, cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động sức mạnh của nhân dân và doanh nghiệp, huy động tổng lực nguồn nhân lực, phương tiện của đất nước phục vụ dự án.
Về tổ chức, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác, Bộ Giao thông vận tải cần lập tổ giúp việc chuyên trách xây dựng, triển khai dự án với các nhân sự có chất lượng tốt nhất. Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo triển khai chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao năng lực quản trị, quản lý, vận hành đường sắt…
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, để triển khai chủ trương đầu tư án, phải có cách làm mới với sự quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm"; đồng thời khơi dậy và phát huy tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần dám nghĩ dám làm, vận dụng sáng tạo truyền thống nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong lịch sử dân tộc để làm công trình này.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đầu tư gần 70 tỷ USD, với tốc độ thiết kế 350 km/h, dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Tuyến đường sắt này sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Tổng vốn đầu tư được phân bổ trong 12 năm. Theo đó, mỗi năm trung bình khoảng 5,6 tỷ USD. Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là đường sắt lưỡng dụng, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh.