“Gạn đục, khơi trong” dòng chảy thị trường vốn

Thanh Hoa (ghi) | 14:00 11/07/2022

Thời gian qua, thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh...

Tại cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, bên cạnh những thông tin tiêu cực, những đánh giá khách quan, đa chiều cho thấy, thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả.

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán đã có những biến động mạnh, tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư. Vậy với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết nhận định của Bộ Tài chính về vấn đề này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường chứng khoán luôn đòi hỏi sự minh bạch, đúng đắn, chính xác. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan như: Vụ Tài chính ngân hàng và Các tổ chức tài chính, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Ủy ban chứng khoán nhà nước giám sát kiểm tra tránh vấn đề thao túng thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, đưa ra thông tin sai lệch, mua bán chênh lệch bất thường trong phiên, hay các hành vi thao túng khác… Tất cả các sai phạm ảnh hưởng đến thị trường đều phải bị xử phạt nghiêm minh.

Đối với những doanh nghiệp hoạt động thực hiện đúng quy định phải được ủng hộ để thị trường chứng khoán phát triển bền vững. Bởi, đây là kênh huy động vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, thị trường cổ phiếu đã có những bước phát triển rất tốt, các doanh nghiệp tham gia thị trường cổ phiếu đã thể hiện được vị trí vai trò hiệu quả thông qua kết quả sản xuất kinh doanh, thương hiệu.

Tuy nhiên, thời gian qua đã có dư luận tin đồn không tốt, hay các vấn đề bên ngoài khiến thị trường chứng khoán có lúc đã chao đảo, song hiện nay thị trường chứng khoán vẫn rất tốt. Điều này được thể hiện ở nhiều điểm như: các doanh nghiệp tham gia thị trường có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, đặc biệt, khối lượng các nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua với khối lượng lớn.

Trong mấy phiên gần đây, khối ngoại đã mua vào gần 3.000 tỷ đồng, trong khi đó từ đầu năm đến nay doanh nghiệp nước ngoài chỉ bán ra 163 triệu USD. Đây là tín hiệu tốt cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.

Với tư cách là cơ quan quản lý, chúng tôi luôn luôn ủng hộ, giám sát và theo dõi để thị trường chứng khoán phát triển minh bạch bền vững, là nơi huy động vốn của nền kinh tế.

hoducphoc-nghean1-kmjv-7792.jpg

Cần áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam hiện có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân, chiếm 93% giao dịch hàng ngày.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc


Cùng với những động thái hướng đến lành mạnh thị trường chứng khoán, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh đối với lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp. Vậy, tác động và kết quả của việc này ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã có bước phát triển nhanh để trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Nhưng, tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu cũng đã phát sinh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường cần được quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý.

Thời gian qua đã có một số sai phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ như: việc thao túng về thị trường chứng khoán, đưa thông tin sai sự thật… Song, đây chỉ là một số trường hợp cá biệt riêng lẻ, còn phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đều thực hiện đúng quy định, huy động vốn cho sản xuất kinh doanh để thúc đẩy cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, chúng tôi tin tưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục phát triển và là kênh huy động vốn quan trọng để các doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh. Từ đó, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid -19. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ hạn chế các lỗ hổng, nhược điểm để tăng cường minh bạch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

bo-truong-28-8-jpeg-1650964994-9153-3040-1650965563.jpg

 Thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc


Với mục tiêu hướng tới sự minh bạch, lành mạnh hóa thị trường vốn, cũng như từng bước lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào một thị trường hấp dẫn và bền vững, giải pháp cụ thể Bộ Tài chính đưa ra là gì?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Sau một năm triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh.

Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng siết lại việc phát hành và siết các công ty chứng khoán chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các báo cáo kiểm toán phải đảm bảo sự minh bạch; công ty kiểm toán độc lập phải có trách nhiệm cao trong việc kiểm toán đối với các báo cáo tài chính. Đồng thời, chúng tôi sẽ giám sát các vấn đề mục đích phát hành, phạm vi phát hành, các điều kiện về phát hành như thua lỗ, nợ xấu.

Nếu doanh nghiệp không đảm bảo về yêu cầu tài chính thì không được phát hành. Cùng với đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Khi sử dụng vốn hoặc hoàn tất việc sử dụng vốn phải đăng ký để đảm bảo việc huy động vốn tập trung vào phát triển dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh, mà không phải huy động vốn để cho vay lại, trả nợ hay huy động vốn để tái cơ cấu lại tài chính của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường quản lý giám sát, thanh, kiểm tra các hoạt động liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ. Từ đó, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường tính minh bạch của thị trường để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Gạn đục, khơi trong” dòng chảy thị trường vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO