Dự báo một đợt tăng giá mới trên thị trường phân bón

Lê Khang | 22:23 21/04/2022

Tình hình chiến sự tại Nga - Ukraine là nguyên nhân chính đẩy giá phân bón nói riêng và các mặt hàng như dầu khí, lương thực... tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Dự báo một đợt tăng giá mới trên thị trường phân bón
Giá bán NPK sản xuất trong nước thời gian tới sẽ do các doanh nghiệp lớn Bình Điền, Phú Mỹ và Cà Mau... quyết định.

Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đã từng nhận định, cuộc chiến tại Ukraine đang đẩy thế giới đến bờ vực của khủng hoảng thực phẩm vì Nga và Ukraine sản xuất đến 6% tổng số ngũ cốc được trồng trên toàn cầu.

Đây cũng là hai quốc gia xuất khẩu đến 16% các loại ngũ cốc như lúa mì, ngô, yến mạch và lúa mạch. Ukraine cũng sản xuất 50% nguồn cung dầu hướng dương toàn của thế giới.

Phong tỏa Thượng Hải tạo áp lực lên giá phân bón

Các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ vốn rất "nhạy cảm" về vấn đề lương thực nên tiếp tục gia tăng việc thu mua lương thực vào các kho dự trữ chiến lược. Các quốc gia khác tiếp tục đưa ra chính sách cấm hoặc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế xuất khẩu lương thực, phân bón, dầu ăn như Ai Cập, Indonesia, Trung Quốc…

Trong khi đó, việc gia tăng sản lượng lương thực không thể thực hiện được trong vài tháng.

Thế giới đã, đang và sẽ đối mặt với sự khủng hoảng thực phẩm ngày càng nghiêm trọng hơn với mức giá “nhảy múa” hàng ngày. Bên cạnh đó, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng ngày càng nghiêm trọng khi Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero covid.

Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa Thượng Hải sau khi phát hiện ca nhiễm covid mới tại đây. Trong khi đó cảng Thượng Hải vốn đảm nhiệm 20% giao thương đường biển của quốc tế sẽ tiếp tục bị ùn tắc khi số lượng công nhân và lái xe rất hạn chế.

Với tình hình trên, để ổn định giá phân bón trong nước, Trung Quốc đã đưa ra thị trường nội địa 3 triệu tấn phân bón. Các nhà máy sản xuất phân bón nội địa cũng chỉ chạy cầm chừng 50% sản lượng.

Thêm vào đó là nguy cơ thiếu lương thực ngay cả với Thượng Hải sẽ khiến Trung Quốc khó có thể dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón trước thời hạn 30/6/2022. Thậm chí, một số dự báo còn cho rằng Trung Quốc có thể gia hạn tới hết năm 2022.

Hiện nay, Trung Quốc đã tăng thời gian làm thủ tục thông quan lên 90 ngày thay cho 45 ngày trước đang là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Các nhà sản xuất ở Đông Nam Á đã giao hết hàng

Theo khảo sát của MarketTimes, đến thời điểm này hầu hết các nhà sản xuất phân bón lớn ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng giao tháng 4 tới nửa đầu tháng 5/2022.

Như nhà sản xuất Pupuk Kaltim (Indonesia) vừa qua đã tổ chức thầu bán 90.000 tấn Ure hạt trong và hạt đục giao tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên thầu đã bị hủy do mức giá cao nhất được trả chỉ 890USD/tấn FOB. 

Trong khi đó nhà sản xuất Petronas (Malaysia) hiện chỉ còn giao hàng theo giá công thức cho các người mua truyền thống và chỉ còn đủ hàng giao cuối tháng 5 và tháng 6/2022.

Còn nhà sản xuất BFI (Brunei) chưa thực sự giải quyết được các rắc rối pháp lý với các người mua sau sự cố hồi tháng 3/2022 nên khả năng có hàng mới rất thấp.

Hết không gian để "mặc cả"

Theo ghi nhận trên thị trường phân bón thế giới, hiện người mua đang cố gắng mua hết những gì có thể, khi các nhà sản xuất thông báo mức giá giao tháng 5/2022 sẽ tăng vọt lên 950 USD - 1.000 USD/tấn CFR cho Kali bột và 1.200USD/tấn CFR cho Kali miểng.

Hiện sức mạnh nằm trong tay nhà sản xuất nên hầu như không có không gian để "mặc cả".

Như tại Đông Nam Á người mua đã chấp nhận mức giá 950 USD/tấn CFR cho Kali bột.

Mới đây nhà sản xuất Pupuk Kaltim (Indonesia) đã công bố thầu mua Kali bột giá 950 USD/tấn CFR cho 200.000 tấn giao hàng tới tháng 6/2022. Thái Lan tuần rồi đã xác nhận mua 15.000 tấn Kali miểng theo mức giá 1.000 USD/tấn.

Trung Quốc đang gặp khó khăn trong vấn đề nhận hàng khi trước đây hầu hết Kali được vận chuyển qua đường biển. Trung Quốc cần 10 triệu tấn Kali mỗi năm trong khi đường sắt từ Nga tới Trung Quốc chỉ có thể vận chuyển được tầm 3 triệu tấn hàng hoá mỗi năm. Con số này khó lòng tăng thêm khi hệ thống đường ray 2 bên khác nhau nên phải đổi bánh xe lửa tại biên giới.

Brazil tiếp tục giữ vững giá ở mức 1.150 USD/tấn -1.200 USD/tấn CFR và các hợp đồng mới là 1.250 USD/tấn CFR cho Kali miểng.

Giá chào mới về Việt Nam đã đạt mức 950 USD/tấn CFR Kali bột và 1.000 USD/tấn CFR Kali miểng. Các nhà sản xuất khẳng định rằng giá sẽ lên 1.100 USD/tấn CFR Kali bột và 1.300 USD/tấn CFR Kali miểng trong tháng 6/2022.

Các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam vẫn chần chừ do giá mới cao hơn giá trong nước nên thay vì nhập khẩu, các thương nhân có lượng tồn kho Kali lớn đang tích cực xuất khẩu theo mức giá 850 - 900 USD/tấn FOB (cao hơn giá bán lẻ hiện tại 1.300.000  - 2.400.000 đồng/tấn).

Vấn đề là khi nguồn hàng tồn kho trong nước cạn dần, Việt Nam sẽ bắt buộc phải nhập khẩu theo giá mới thì giá Kali trong nước sẽ tăng mạnh.

Dự báo đến Quý 3/2022 giá sẽ cán đích 20 - 22 triệu đồng/tấn cho Kali bột và 23 - 25 triệu đồng/tấn cho Kali miểng.

Với mặt hàng NPK phục vụ thị trường Việt Nam thì nguồn nhập từ Nga bị chặn, nhập khẩu từ Trung Quốc thì ách tắc vì hàng rào kỹ thuật kiểm hóa hải quan.

Việt Nam trông chờ vào dòng NPK nhập khẩu từ Hàn Quốc nhưng phía nước này lại vừa có thông báo chính thức là “chỉ có thể sản xuất NP vì nguồn Kali cạn kiệt”.

Bên cạnh một số nhà máy sản xuất NPK quy mô nhỏ tạm đóng cửa do giá nguyên liệu cao. Do đó giá bán NPK sản xuất trong nước thời gian tới sẽ do các doanh nghiệp lớn Bình Điền, Phú Mỹ và Cà Mau... quyết định. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Dự báo một đợt tăng giá mới trên thị trường phân bón
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO