Tại Triển lãm Xe Việt Nam 2024 (VMS 2024), SYM đã mang tới hai mẫu xe tay lạ lẫm trưng bày tại sự kiện. Mới đây, SYM đã chính thức nhận cọc cho một trong hai mẫu xe này.
Cụ thể, SYM ngày 15/2 đã phát đi thông báo chính thức ra mắt mẫu xe tay ga Naga 150 - tên gọi tại VMS 2024 là MMBCU. Đây là mẫu xe tay ga phổ thông, được thiết kế nhắm đến nhóm khách hàng hay sử dụng xe để đi phượt. Dựa trên phần giới thiệu của hãng, SYM Naga 150 được bán ra tại Việt Nam sẽ có một số trang bị rất tốt so với các sản phẩm tương tự trên thị trường.

SYM MMBCU đã có tên gọi chính thức tại Việt nam, là Naga 150.
Một trong những điều cần nhắc tới là SYM Naga 150 sẽ được trang bị phanh ABS ở cả bánh trước và bánh sau. Đây là một trang bị khá hiếm thấy trong phân khúc xe tay ga phổ thông - các xe khác trong phân khúc thường chỉ được trang bị phanh ABS ở bánh trước.
Phanh ABS là công nghệ chống trình trạng bánh xe bị khóa chặt do lực phanh quá mạnh. Hệ thống phanh ABS có cảm biến nhận biết tình trạng quay của bánh xe, có thể can thiệp vào lực phanh để tránh tình trạng nêu trên xảy ra, từ đó giúp người lái xe kiểm soát xe tốt hơn.

SYM Naga 150 trang bị phanh ABS 2 kênh và hệ thống chống trượt TCS.
Bên cạnh ABS, SYM còn trang bị cho Naga 150 hệ thống kiểm soát lực kéo TCS.
Hệ thống kiểm soát lực kéo, hay còn gọi là Traction Control System (TCS), là một tính năng an toàn được thiết kế để ngăn chặn bánh xe bị trượt khi tăng tốc. Trên xe máy, hệ thống này giúp đảm bảo rằng có đủ ma sát giữa bánh xe và mặt đường, giúp người lái kiểm soát xe tốt hơn khi tăng tốc hoặc khi điều kiện đường trơn trượt. TCS làm giảm nguy cơ mất kiểm soát, giúp tăng cường sự an toàn khi lái xe.
Đáng chú ý, TCS rất hiếm thấy trong phân khúc xe tay ga phổ thông; các mẫu xe tương tự tại Việt Nam như Honda Air Blade, Honda Vario, Yamaha Lexi, hay Yamaha NVX, trên phiên bản cao, chỉ trang bị phanh ABS 1 kênh và không có xe nào được trang bị TCS.

Thiết kế xe được lấy cảm hứng từ rắn Mamba. Trên thân xe, các chi tiết lục giác mô phỏng da rắn.
Ngoài các trang bị về mặt công nghệ an toàn, SYM Naga 150 cũng có một trang bị được đánh giá trội hơn, đó là giảm xóc đơn Monoshock.
Monoshock là loại giảm xóc chỉ sử dụng một lò xo nhún, thường được gắn ở chính giữa phần sau của xe, kết nối trực tiếp với khung và bánh sau. Trên xe tay ga, giảm xóc Monoshock giúp cải thiện khả năng điều khiển, độ ổn định khi xe di chuyển trên đường không bằng phẳng. Monoshock được đánh giá có khả năng giảm xóc tốt hơn so với hệ thống giảm xóc đôi truyền thống. Monoshock cũng giúp giảm thiểu độ rung lắc, mang lại cảm giác lái mượt mà hơn cho người lái.

SYM Naga 150 có thiết kế hầm hố.
Trên thị trường xe tay ga Việt Nam, một số xe cũng sử dụng giảm xóc với một lò xo nhún, tiêu biểu như Honda Lead, Honda Vision, Yamaha Janus, hay Yamaha Grande. Tuy nhiên, loại giảm xóc này được gọi là giảm xóc đơn lệch tâm hoặc giảm xóc bên, vì lò xo nhún đặt lệch một bên chứ không đặt chính giữa như Monoshock. Giảm xóc đơn lệch tâm thường không được tối ưu về mặt cân bằng trọng tâm, chỉ phù hợp khi sử dụng trong đô thị.
Trong khi đó, các xe tay ga tương tự SYM Naga 150 đều đang sử dụng giảm xóc đôi.

SYM Naga 150 có thể sử dụng đèn full LED.
Hiện tại, SYM đã nhận cọc trước Naga 150; xe dự kiến chính thức mở bán từ tháng sau.
SYM cũng không công bố chi tiết mức giá của xe. Trong một minigame dành cho người đặt cọc sớm, SYM đưa ra khoảng giá từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng; nghĩa là mức giá của SYM Naga 150 chỉ nằm trong khoảng này.

Dung tích cốp có thể lên tới 31 lít.
Tương tự, SYM cũng chưa công bố chi tiết thông số xe. Tuy nhiên, tại VMS 2024, SYM đã đưa ra bảng thông số tham khảo một phiên bản của mẫu xe này.
Dựa trên bảng thông số đó, SYM Naga có thể được trang bị động cơ 158cc xilanh đơn, cho công suất 11,5 kW (khoảng 15,4 mã lực) tại 8.000 vòng/phút, và 15Nm tại 6.000 vòng/phút. Công suất của động cơ này có phần nhỉnh hơn so với các mẫu xe trong phân khúc đang bán tại Việt Nam.

SYM MMBCU, hay Naga 150, có thể được trang bị khóa thông minh Smartkey.
Một thông số thú vị khác cũng đáng nêu là động cơ trên SYM Naga đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Điều này có nghĩa rằng xe có thể sử dụng lâu dài trong bối cảnh Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang chuẩn bị đặt ra các khu vực phát thải thấp mà hạn chế xe có tiêu chuẩn khí thải không cao.
Tuy nhiên, SYM Naga 150 có một điều hạn chế là trọng lượng khá nặng. Xe có kích thước DxRxC lần lượt là 1.990 x 740 x 1.120 (mm), nặng 136kg - tức nặng hơn các xe tương đương từ 10kg đến khoảng 20kg.



Ngoài phiên bản động cơ 158cc vừa nêu, SYM cũng có một phiên bản sử dụng động cơ 125cc đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5+.
Hiện chưa rõ SYM bán Naga 150 theo hình thức xe lắp ráp trong nước hay nhập khẩu nguyên chiếc. Trong thông báo nhận cọc xe, SYM Naga 150 dự kiến được bán ra với 3 phiên bản màu sắc, lần lượt là Đen, Xanh Đen, và Bạc.
Được biết, xe SYM tại Việt Nam được lắp ráp tại nhà máy VMEP ở Hà Nội. VMEP được thành lập năm 1992, được xem là đơn vị chế tạo xe máy đầu tiên tại Việt Nam. VMEP do Sanyang (Đài Loan - Trung Quốc) đầu tư 100% vốn.