Bên cạnh những vấn đề đó, nhóm G20 sẽ nhóm họp, cùng với những cuộc họp của các ngân hàng trung ương Châu Á - Thái Bình Dương và kết quả doanh thu của WalMart.
Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 17-21/2/2025:
1/ CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH
Diễn biến của hai trong số những cuộc xung đột sâu sắc nhất thế giới đột nhiên trở nên vô cùng sống động, do sự can thiệp của Tổng thống Donald Trump. Hai cuộc xung đột này sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường/
Ngày 15/2/2025, Hamas đã thả 3 con tin người Israel theo kế hoạch, xua tan nỗi lo về việc thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ.
Lo ngại về thỏa thuận đổ vỡ tăng cao sau khi Hamas hôm đầu tuần vừa qua bất ngờ cáo buộc Israel vi phạm thỏa thuận và tuyên bố sẽ hoãn việc trao trả con tin. Tuyên bố khiến Israel đặt quân đội trong tình trạng cảnh giác cao độ và huy động lực lượng dự bị. Israel và Mỹ sau đó đưa ra tuyên bố, trong đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo địa ngục sẽ mở lối nếu các con tin không được thả trước trưa 15/2/2025.
Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas bắt đầu vào hôm 19/1/2025, ngay trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống, kéo dài 42 ngày. Theo đó, 33 con tin Israel được thả để đổi khoảng 1.900 tù nhân Palestine. Giới phân tích nhận định thỏa thuận này mong manh vì cả hai bên đều cáo buộc bên kia vi phạm, và bị lung lay bởi kế hoạch gây sốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tuyên bố Mỹ sẽ tiếp quản vùng Gaza bị chiến tranh tàn phá và tạo ra một "Riviera của Trung Đông" sau khi tái định cư người Palestine tới những nơi khác.
Thỏa thuận ngừng bắn này cực kỳ quan trọng và phụ thuộc vào việc Hamas có thả nhóm con tin Israel tiếp theo đúng lịch trình hay không và Jerusalem - và Tổng thống Mỹ Donald Trump - có hài lòng hay không.
Một điểm nóng thế giới quan trọng khác là cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tổng thống Donald Trump cũng đang rất ‘bận rộn’ với vấn đề này bằng các cuộc điện đàm kéo dài với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Những lo ngại về chiến tranh và các kế hoạch cho hòa bình.
2/ VÀNG- KHÔNG GÌ NGĂN CẢN ĐƯỢC GIÁ TĂNG
Có vẻ như không có nhiều thứ có thể ngăn cản được giá vàng tăng.
Mối quan hệ "nghịch đảo" vốn có với đồng USD, giá vàng giảm khi đồng tiền của Mỹ mạnh lên, dường như đã kết thúc.
Hiện nay, không chỉ các nhà đầu cơ quyết định giá vàng, mà phần lớn nhu cầu bắt nguồn từ lo ngại rằng chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump có thể làm đảo lộn thương mại toàn cầu, dòng tiền tài chính và địa chính trị. Những vấn đề này có thể xuất hiện rõ ràng tại cuộc họp G20 sẽ diễn ra vào ngày 20-21/2, một cuộc họp mà Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ vắng mặt.
Các ngân hàng trung ương đang mua vàng, một phần là để đa dạng hóa dự trữ nhằm giảm tỷ trọng của USD. Các nhà giao dịch vàng thỏi đang chuyển vàng vào các kho bạc ở New York để giảm thiểu rủi ro khi Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với kim loại quý.
Vàng đã tăng mạnh lên trên 3.000 USD trong tuần qua, tăng hơn 10% kể từ khi Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Điểm dừng tiếp theo: 4.000 USD?

Lượng vàng lưu trữ của sàn Comex.
3/ NGƯỜI TIÊU DÙNG MỸ CÓ CÒN MẠNH TAY MUA SẮM?
Báo cáo kết quả doanh thu hàng quý của Walmart công bố vào thứ Năm (20/2) sẽ làm sáng tỏ tình hình chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ khi Phố Wall lo lắng về lạm phát mạnh.
Kết quả kinh doanh của gã khổng lồ bán lẻ này có thể làm nổi bật tác động của lạm phát đối với hành vi mua sắm và cung cấp cái nhìn sâu sắc ban đầu về tác động tiềm tàng của thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ tháng 2/2025 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng, trong khi dự đoán lạm phát tăng vọt. Dữ liệu mới nhất cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tháng 1/2025 đã tăng mạnh nhất trong gần 1 năm rưỡi.
Không có gì ngạc nhiên khi thị trường giảm tỷ lệ đặt cược vào viẹc lãi suất của Mỹ sẽ tiếp tục giảm.
Các nhà bán lẻ khác của Mỹ sẽ báo cáo kết quả doanh thu trong những tuần tới, bao gồm Home Depot, TJX Cos và Target.
Nhìn chung, ước tính thu nhập của các công ty có tên trong chỉ số S&P 500 tăng trong quý 4/2024, tăng trung bình 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh trong chỉ số S&P 500 tăng trưởng 2 con số trong năm 2024.
4/ CÁC NƯỚC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG CÓ TIẾP TỤC HẠ LÃI SUẤT?
Các ngân hàng trung ương ở Châu Á - Thái Bình Dương sắp bước vào những ngày bận rộn với việc Úc, New Zealand và Indonesia sẽ đưa ra các quyết định về lãi suất.
Ngân hàng Dự trữ Úc nhìn chung được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất vào thứ Ba (18/2), mặc dù các nhà kinh tế cũng không loại trừ khả năng Úc sẽ giữ nguyên lãi suất do sức mạnh của thị trường lao động Mỹ.
Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) được dự đoán sẽ nới lỏng chính sách thêm 0,5 phần trăm, sau khi đã hạ lãi suất tới 125 điểm cơ bản trong cuộc họp gần đây nhất. Câu hỏi đặt ra bây giờ là RBNZ có thể hạ lãi suất xuống mức nào trong bối cảnh kinh tế ảm đạm?
Ở Indonesia, vấn đề còn khó khăn hơn. Sau khi bất ngờ cắt giảm lãi suất vào tháng trước, các nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng Indonesia sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp này, ngay cả khi dữ liệu lạm phát và tăng trưởng gần đây nhấn mạnh sự cần thiết phải nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
Đồng rupiah suy yếu đang khiến ngân hàng này bị mắc kẹt.

Lãi suất của một số ngân hàng trung ương châu Á.
5/ LẠM PHÁT DAI DẲNG Ở ANH?
Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE) có thể sẽ một lần nữa viết thư công khai giải thích lý do tại sao ngân hàng này không đạt được mục tiêu lạm phát, chỉ vài ngày sau khi cắt giảm lãi suất xuống 4,5%.
Một số nhà kinh tế cho rằng dữ liệu vào thứ Tư (19/2) sẽ cho thấy lạm phát của Anh tháng 1/2025 tăng cao tới 3,2%, từ mức 2,5% vào tháng 12/2024, cao hơn 1% so với mục tiêu 2% và buộc Thống đốc Andrew Bailey phải viết thư giải thích cho Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves sau cuộc họp về lãi suất vào tháng 3/2025.
BoE ước tính lạm phát tháng 1/2025 chỉ ở mức 2,8%, nhưng quý 3/2024 đã lên tới 3,7% do giá năng lượng, hóa đơn tiền nước, giá vé xe buýt và học phí trường tư tăng cao.
Dữ liệu thị trường lao động quý 4/2024 công bố vào thứ Ba (18/2) cũng sẽ được thị trường theo dõi sát. Nhà kinh tế trưởng của BoE, Huw Pill, mô tả mức tăng lương 6% gần đây của khu vực tư nhân là "có chút bất thường" và cho biết dự báo của các công ty về mức tăng lương 3,7% trong năm 2025 cũng là quá cao để có thể kiềm chế lạm phát.

Vương quốc Anh chưa yên tâm về lạm phát.
Tham khảo: Reuters