Cả thế giới đang xôn xao về sự xuất hiện của nền tảng AI mới là DeepSeek bởi tính hiệu quả vượt trội so với mức độ đầu tư, nếu so với các nền tảng AI tiền nhiệm nổi tiếng lúc trước giống ChatGPT hay các nền tảng AI được phát triển bởi các bigtech.
Tuy nhiên, đó là chuyện của các nhà phát triển, còn chuyện của các DN Việt Nam là nên lựa chọn nền tảng AI nào để ứng dụng vào mảng miếng nào trong kinh doanh, để giúp DN phát triển nhanh với giá thành đầu tư ít nhất có thể và tăng tốc dẫn dắt thị trường.
AI – công cụ cạnh tranh chủ lực của nhiều Tập đoàn lớn trên thế giới ở thời điểm hiện tại
Cách đây khoảng 5 năm, chúng ta còn đang phải mò mẩm tìm hiểu về 4 công nghệ mới, gọi tắt là ABCD – bao gồm AI, Blockchain, Cloud và Data. Nhưng ở thời điểm hiện tại, với rất nhiều thành tựu mới của các nhà phát triển, 4 công nghệ này đã thực sự đi vào đời sống của từng DN cũng như người tiêu dùng – đặc biệt là AI.
Trong lĩnh vực máy tính – laptop, các nhà phát triển hàng đầu thế giới như Samsung, Dell, HP…đều chọn AI – GPU để làm lợi thế cạnh tranh nhằm thuyết phục người tiêu dùng đổi máy mới. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, hầu hết những dòng sản phẩm mới của họ đều gắn liền với 2 keyword kể trên.
Tại triển lãm công nghệ thường niên CES 2025 tổ chức tại Las Vegas, Tập đoàn HP Inc. đã ra mắt danh mục sản phẩm mới, với nhiều cải tiến đột phá nhằm thay đổi mạnh mẽ Xu hướng Làm việc và Giải trí trong Tương lai. Những giải pháp tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) mới mang đến hiệu suất, năng suất và khả năng cá nhân hóa vượt trội cho các chuyên gia, game thủ và nhà sáng tạo nội dung.
Vậy nên, theo Báo cáo tài chính vào quý III/2024, Intel cho biết họ đang dẫn dắt cuộc cách mạng AI trong lĩnh vực máy tính và đang có kế hoạch xuất xưởng hơn 100 triệu sản phẩm cho tới cuối 2025. Ngoài ra, họ cùng AWS đang hoàn tất cam kết hợp tác trị giá hàng tỷ USD trong nhiều năm tới, cả hai sẽ đồng hành trong nhiều lĩnh vực hơn, ví dụ như phát triển chip Xeon 6 tùy chỉnh mới cho AWS trên Intel 3 và chip AI mới trên Intel 18A.
Tại Việt Nam, cũng có rất nhiều DN đầu ngành ứng dụng AI và thu lại rất nhiều thành quả tích cực, như Long Châu hay Chợ Tốt.
Long Châu đang sử dụng AI cho công việc đào tạo – phát triển kiến thức chuyên ngành cho nhân sự ở các nhà thuốc hay nhắc nhở người tiêu dùng về lịch uống thuốc hay tiêm chủng thông qua các app mà họ gầy dựng.
Chuỗi FPT Long Châu ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở mức 59% so với năm 2023, đạt 25.320 tỷ đồng và chiếm 63% doanh thu toàn FRT. Trong năm 2024, Long Châu đã mở thêm 446 nhà thuốc để nâng chuỗi lên con số ấn tượng – 1.943 cửa hàng. Theo đó, FPT Long Châu vẫn tiếp tục dẫn đầu về quy mô và hiệu quả hoạt động của chuỗi nhà thuốc.
Bên cạnh đó, cuối năm 2024, Chợ Tốt đã ra mắt tính năng ‘Quét Là Bán’, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp việc dọn nhà cuối năm trở nên nhanh chóng, tiện lợi. Tính năng này nằm trong chiến dịch ‘Dọn Tết tới đâu, thanh lý tới đó’, giúp người dùng tối ưu hóa việc thanh lý đồ cũ chỉ với vài thao tác đơn giản.
Chỉ với vài thao tác đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể biến những món đồ không còn nhu cầu sử dụng thành những món hàng thanh lý hấp dẫn. Người dùng chỉ cần mở ứng dụng Chợ Tốt, chọn mục ‘Quét Là Bán’ ngay trên trang chủ, quét camera qua từng món đồ cần thanh lý và nói trực tiếp vào camera giá mong muốn. Chỉ trong vài giây, AI sẽ tự động nhận diện, phân loại và tạo tin đăng hoàn chỉnh với hình ảnh, thông tin và giá cả gợi ý.
Không cần viết mô tả hay chỉnh sửa, tính năng này giúp thanh lý tới 10 món đồ chỉ trong một lần đăng, nhanh gấp 5 lần cách rao bán truyền thống. AI còn hỗ trợ tối ưu hóa giá bán, đảm bảo người dùng vừa tiết kiệm thời gian vừa có giao dịch hiệu quả.
Ông Nguyễn Thiên Ca - Quản lý Phát triển Sản phẩm tại Chợ Tốt, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn giúp người dùng tiết kiệm thời gian và công sức, đồng thời tạo cơ hội để đồ cũ được tái sử dụng bởi những người cần hơn. Tính năng này không chỉ giúp giải phóng không gian sống mà còn góp phần xây dựng lối sống bền vững – đúng với giá trị cốt lõi mà Chợ Tốt theo đuổi”.


Chợ Tốt không chỉ ứng dụng AI vào các tính năng tiện ích mà còn tích cực tham gia các sự kiện công nghệ lớn để giới thiệu những đột phá của mình. Tại Google Cloud Summit 2023 ở Singapore, Chợ Tốt đã gây ấn tượng khi trình làng tính năng ứng dụng công nghệ GenAI vào đăng bán xe cũ.
Những lĩnh vực có thể ứng dụng AI hiệu quả nhất
Meta - một DN dẫn dắt ngành công nghệ thế giới tất nhiên không thể đứng ngoài cuộc chơi. Họ đã sớm ứng dụng AI vào nhiều dịch vụ của mình và đang dần chuyển giao nó lại cho các đối tác DN.
Nhân dịp đầu năm mới, ông Khôi Lê - Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam, Meta đã chia sẻ những xu hướng mạng xã hội nổi bật trên các nền tảng của Meta - đặc biệt là các ứng dụng AI trên các nền tảng của Meta, mà doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua trong năm 2025.
AI tạo sinh (Generative AI): AI tạo sinh đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả và sáng tạo nội dung cũng như đề xuất ý tưởng và các giải pháp mới. Trong tháng 8/2024, Meta đã ghi nhận hơn 1 triệu nhà quảng cáo trên toàn cầu sử dụng các công cụ sáng tạo quảng cáo AI, tạo ra hơn 15 triệu quảng cáo .
Tại Việt Nam, trợ lý ảo Meta AI đã chính thức được ra mắt trong tháng 12/2024. Meta AI được truy cập hoàn toàn miễn phí trên tất cả các nền tảng của Meta như Facebook, Instagram, Whatsapp, Messenger.
Meta AI đang trên đà trở thành trợ lý AI phổ biến nhất trên thế giới với gần 600 triệu người dùng hoạt động tích cực hàng tháng. Đối với doanh nghiệp, sử dụng công cụ AI trong tin nhắn Messenger sẽ là trợ thủ đắc lực trong việc chăm sóc khách hàng và gia tăng hiệu quả kinh doanh trong năm 2025.
Vậy nên, theo ông Khôi Lê, các DN Việt hãy bắt đầu tranh thủ thử nghiệm hoặc sử dụng các công cụ quảng cáo AI tạo sinh để tối ưu hiệu suất trong các chiến dịch.

Mua sắm xuyên biên giới: nhờ sự phát triển của công nghệ, người tiêu dùng hiện nay có thể dễ dàng mua sắm từ khắp nơi trên thế giới với nhiều lựa chọn đa dạng. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ít nhất 50% người tiêu dùng cho biết họ đã mua hàng xuyên biên giới trong thời gian khuyến mãi. Trên thế giới, mức tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới dự kiến sẽ tăng gấp hơn 2 lần so với thương mại điện tử trong nước .
Ngoài những yếu tố liên quan đến giá tiền, các giao dịch mua hàng xuyên biên giới được thúc đẩy bởi mong muốn sở hữu các thương hiệu chưa có sẵn trong nước và các sản phẩm chất lượng cao hơn. Tại Mỹ, 47% người tiêu dùng cho biết lạm phát là mối lo ngại hàng đầu khi mua sắm hiện nay, trong khi 37% cho biết sẽ tăng cường mua sắm xuyên biên giới trong 12 tháng tới.
Việc thiết lập hoạt động thương mại xuyên biên giới của doanh nghiệp Việt có thể bắt đầu với việc sử dụng trợ lý ảo AI và các chiến dịch Advantage+ của Meta, hỗ trợ khách hàng và tối ưu hoá chiến dịch mà không có rào cản ngôn ngữ hay múi giờ.
Nhận định về tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Khôi Lê nhận định: “Năm 2024 đã đánh dấu bước tiến vượt bậc của công nghệ AI trong các hoạt động kinh doanh và vận hành. Trong năm 2025, để củng cố lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các xu hướng mạng xã hội mới, như ứng dụng công nghệ AI, hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung và thương mại xuyên biên giới.
Việc này không chỉ mang lại cơ hội tăng trưởng mà còn cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả vận hành. Meta cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp với bộ công cụ và giải pháp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường không ngừng thay đổi”.
Còn theo ông Finbarr Moynihan - Phó chủ tịch Marketing tại MediaTek, trong bối cảnh AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi, một trong những lĩnh vực tiềm năng là hệ thống công nghiệp. AI nâng cao khả năng của máy móc, cho phép chúng cảm nhận, học hỏi, suy luận và tương tác với con người một cách tự nhiên, trực quan và hiệu quả, trở thành một trợ lý đắc lực trong công việc của con người.

Khi kết hợp AI với IoT để tạo nên trí tuệ nhân tạo tại biên (edge-AI) và liên kết thông tin chi tiết trên toàn bộ quy trình sản xuất, các nhà sản xuất có thể đạt được chất lượng sản phẩm cao hơn, đồng thời tăng cường độ an toàn, hiệu quả và tính bền vững trong sản xuất. Thực tế, một nghiên cứu gần đây của McKinsey cho thấy AI có khả năng tạo ra giá trị lên tới khoảng 1 nghìn tỷ đô la cho ngành công nghiệp toàn cầu.
Một số ứng dụng tiêu biểu đã được xác định, cho thấy các nhà sản xuất công nghiệp có thể tận dụng AI để tạo ra giá trị thông qua các công nghệ như hệ thống thị giác, chuyển giọng nói thành văn bản, kết nối nâng cao và quản lý năng lượng thông minh
Hệ thống thị giác: Hệ thống thị giác như camera hoặc LIDAR/radar cung cấp khả năng cảm biến và giám sát mạnh mẽ, khi kết hợp với AI, máy học và kết nối, có thể nhận diện khuôn mặt, không gian, sản phẩm, bộ phận và cảnh vật, ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu.
Để thuật toán hoạt động nhanh hơn và có khả năng tương tác thời gian thực với các hệ thống khác hoặc con người, cần sử dụng xử lý biên tốc độ cao cũng như định vị và lập bản đồ đồng thời (SLAM) trực quan.
Hệ thống nhận diện giọng nói: công nghệ diện giọng nói sử dụng micro luôn bật kết nối với SoC chạy phần mềm giúp máy móc phát hiện từ ngữ và âm thanh để hiểu ngôn ngữ của con người khi nói, nghe từ xa và tách biệt khỏi tiếng ồn.
Với công nghệ Xử lý Ngôn ngữ Mới (NLP), lượng lớn dữ liệu âm thanh có thể được xử lý mà không cần gửi lên đám mây, tiết kiệm chi phí lưu trữ và xử lý, đồng thời giảm lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu bằng cách giữ dữ liệu này tại biên, ngay trên thiết bị. Với hệ thống nhận diện giọng nói, người lao động có thể đưa ra lệnh, đặt câu hỏi và ghi lại quan sát cũng như các vấn đề ngay lập tức, mà không cần phải dừng xử lý máy móc hoặc tháo bỏ thiết bị bảo hộ.

Kết nối nâng cao: Để AI hỗ trợ các hệ thống sản xuất và người lao động trong thời gian thực, kết nối IoT phải có độ trễ tối thiểu để phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định tức thời, thậm chí chỉ cần trễ một hoặc hai giây từ việc gửi dữ liệu lên đám mây và chờ đợi quyết định cũng có thể gây ra những hậu quả cho doanh nghiệp. Việc xử lý nâng cao tại biên sẽ giúp xử lý khối lượng dữ liệu lớn gần hơn với nguồn gốc để giảm độ trễ lên đám mây.
Với edge AI, việc xử lý diễn ra ngay tại nơi tạo ra dữ liệu, thay vì được gửi đến trung tâm dữ liệu từ xa. Cổng công nghiệp đóng vai trò trung tâm thông minh trong việc kết nối giữa các mạng cục bộ và đám mây, xử lý dữ liệu hiệu quả và an toàn trên sàn sản xuất.
Tiêu thụ điện năng thông minh: Trong các hệ thống thông minh yêu cầu nhận diện hình ảnh, giọng nói hay các cảm biến (như micro) phải luôn hoạt động, đòi hỏi các chiến lược tiết kiệm năng lượng, đặc biệt đối với các thiết bị chạy pin. Thông thường, trong các chức năng phức tạp như nhận diện khuôn mặt, CPU có thể tiêu thụ hơn 40% lượng điện năng, góp phần vào 1% lượng khí thải nhà kính toàn cầu do điện toán người dùng cuối gây ra.
Sử dụng bộ xử lý AI chuyên dụng có thể mang lại khả năng tiết kiệm năng lượng đáng kể, vì các thuật toán AI có thể được sử dụng trong thiết kế phần cứng và phần mềm SoC để giúp giảm thiểu và tối ưu hóa mức tiêu thụ điện năng.
“Với hệ sinh thái MediaTek Genio, chúng tôi có thể hỗ trợ các DN ứng dụng AI để hoàn tất các tác vụ kể trên.
Ví dụ: MediaTek Genio cho phép Xử lý Ngôn ngữ Mới (NLP) trên thiết bị, loại bỏ nhu cầu sử dụng từ điển được hỗ trợ từ đám mây, để xử lý ngôn ngữ âm thanh (ALP) trong hệ thống nhận diện giọng nói. MediaTek Genio cũng mang đến khả năng kết nối mọi lúc mọi nơi với kết nối băng thông rộng 5G hoặc 5G RedCap, giúp các hệ thống sản xuất luôn được kết nối, ngay cả khi cần truyền tải lượng lớn dữ liệu trong kết nối nâng cao”, ông Finbarr Moynihan nêu cụ thể.