Khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai quốc gia đã trở thành đối tác toàn diện từ chính trị, ngoại giao, kinh tế đến giáo dục, khoa học - công nghệ... Nhờ vậy, hợp tác thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Năm 2020, lần đầu tiên, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vượt mốc 90 tỷ USD, hiện đang hướng tới 100 tỷ USD.
Tính chung trong giai đoạn 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%.
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ tập trung vào nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Do đó, mặc dù dịch Covid-19 tác động không nhỏ nhưng xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Hoa Kỳ trong năm 2020 vẫn tăng mạnh ở mức 3 con số, đạt 12,2 tỷ USD, tăng 141,5% so với năm 2019.
Tính chung trong giai đoạn 2016 - 2020, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang thị trường này tăng bình quân 54,8%/năm.
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang thị trường Hoa Kỳ cũng tăng từ 21% năm 2016 lên 44,9% năm 2020 và trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng lên 45,2%.
Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ.
Có thể thấy, kể từ khi bình thường hoá quan hệ đến nay, quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được tiến bộ to lớn với nhiều kết quả thực chất, đáp ứng được lợi ích của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Thương mại đã trở thành một trụ cột của mối quan hệ song phương ngày càng phát triển của hai nước. Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Hoa Kỳ với thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng, tăng trưởng tích cực, chính sách thông thoáng, kết nối chặt chẽ với thị trường ASEAN và nhiều thị trường lớn trên thế giới nhờ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng cường bảo hộ thông qua các quy định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm... khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đặc biệt là việc phải đương đầu với rất nhiều các vụ kiện phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ.
Do đó các doanh nghiệp phải đảm bảo chi tiết hóa các thông số kỹ thuật từ nguyên liệu đầu vào đến hàng thành phẩm của từng mã sản phẩm.
Cần có hệ thống dữ liệu thông tin cảnh báo về phòng vệ thương mại để doanh nghiệp xuất khẩu nhận diện nguy cơ bị kiện và cách thức ứng phó cho từng vụ việc.
Cũng theo các đại biểu dự diễn đàn, hiện nay khối lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ rất lớn nhưng chủ yếu là sản phẩm thô. Do đó cần gia tăng chế biến sâu nhằm tăng giá bán và còn giúp tránh các vụ kiện.
Ngoài ra, cần có định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu.