“Doanh nghiệp tự đưa mình vào thế khó”

Phạm Minh thực hiện | 07:10 29/11/2022

Đây là chia sẻ của TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam với MarketTimes về câu chuyện khó khăn của thị trường vốn cho doanh nghiệp hiện nay.

“Doanh nghiệp tự đưa mình vào thế khó”
Doanh nghiệp huy động và sử dụng vốn không hiệu quả dẫn đến khó khăn thanh khoản của mình.

Theo TS. Lê Duy Bình thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh ở mức 45%/năm trong gần 5 năm gần đây, thậm chí có thể coi là tăng trưởng nóng. Nhiều doanh nghiệp huy động tới cả hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp huy động và sử dụng vốn không hiệu quả dẫn đến khó khăn thanh khoản của mình.

MarketTimes: Liên quan đến những đề xuất của các chuyên gia và các doanh nghiệp về việc nới room tín dụng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Lê Duy Bình: Việc nới room tín dụng hay không dựa trên cân đối khác như lạm phát, tỷ giá hối đoái. Trong đó cần phải xem xét, nới room tín dụng có tác động như thế nào tới nền kinh tế. Mọi ngành cần phải hết sức thận trọng nới room tín dụng, đặc biệt trọng bối cảnh lạm phát.

Bởi hiện nay các ngân hàng hiện không có tiền cho vay, thanh khoản ngân hàng khá hạn chế. Các nước như Trung Quốc, Thái Lan tín dụng chỉ tăng trưởng 6-10%, Việt Nam 14%, đây là mức tương đối cao với thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay nới room tín dụng không giải quyết được vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải thậm chí nó ảnh hưởng rất lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Tín dụng không nên duy trì quá cao, nó có tác động tổng tín dụng trên GDP sẽ không tốt cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải cho nền kinh tế và phải đảm bảo nguồn vốn đó đến được tất cả các doanhnghiệp, chứ không chỉ đến với một số doanh nghiệp nào đó.

MarketTimes: Chính vì cạn room tín dụng nên các doanh nghiệp mới không vay được dẫn đến doanh nghiệp cạn tiền và một loạt các doanh nghiệp không có vốn hoạt động, sản xuất cầm chừng, ông nghĩ sao về điều này?

TS. Lê Duy Bình: Doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh là do doanh nghiệp tự đưa mình vào thế khó chứ không phải do cơ quan quản lý nhà nước và thị trường. Với mức tăng tín dụng 14% không phải thấp, mà còn cao hơn so với nhiều nền kinh tế khác.

Bên cạnh đó, thời gian qua chúng ta thấy tốc độ tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp tăng rất mạnh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh ở mức 45%/năm trong gần 5 năm gần đây, thậm chí có thể coi là tăng trưởng nóng. Nhiều doanh nghiệp huy động tới cả hàng trăm nghìn tỷ, hàng chục tỷ đồng từ trái phiếu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp huy động sử dụng vốn không hiệu quả dẫn đến khó khăn thanh khoản của mình. Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng sử dụng, huy động vốn và sử dụng nguồn lực của mình huy động được như thế nào cho hợp lý.

MarketTimes: Vậy theo ông đâu giải pháp nào để gỡ được nút thắt này?

TS. Lê Duy Bình: Trong bối cảnh này, Nhà nước cùng cơ quan quản lý phải tháo gỡ dần dần cho các doanh nghiệp, nhưng phải tuân thủ quy luật của thị trường.

Có thể tăng nguồn vốn tín dụng trong tầm an toàn, tiếp tục cho vay nhưng phải đến được doanh nghiệp sử dụng vốn có hiệu quả. Nếu vào doanh nghiệp sử dụng vốn không hiệu quả lại đẩy nền kinh tế vào khó khăn. Phải xác định được và phân bổ nguồn vốn đó, với tuỳ từng đối tượng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế.

Một nguồn vốn có thể giải được bài toán này đó là chúng ta còn hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công. Nếu giải ngân vốn đầu tư công nhanh thì sẽ giải phóng được hàng trăm nghìn tỷ đồng thoát ra khỏi ngân hàng đi vào nền kinh tế. Sẽ đẩy thanh khoản thị trường, nâng cao hoạt động hiệu quả của của hệ thống ngân hàng, khôi phục niềm tin của thị trường vốn, đảo ngược xu thế tắc thanh khoản, thiếu vốn.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay có giải pháp hợp lý phù hợp với thị trường đó là phân bổ nguồn vốn có hiệu quả sẽ tốt hơn sử dụng biện pháp bằng mọi cách đẩy nhanh thanh khoản ra thị trường mà không biết nó đi đến đâu.

MarketTimes: Năm 2023 được dự báo là tiếp tục khó khăn, chúng ta cần rút ra được kinh nghiệm gì trong việc này thưa ông?

TS. Lê Duy Bình: Chỉ còn 1,5 tháng là hết năm, nếu dư địa tín dụng sử dụngtốt cho năm nay, sang năm cơ quan quản lý cần phải dựa vào kinh nghiệm của năm 2022 để việc huy động nguồn vốn như thế nào, sử dụng nguồn vốn ra sao cho cả năm. Tăng trưởng vốn tín dụng sẽ phân bổ đến doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, đi vào sản xuất chứ không phải đi vào thị trường chứng khoán, bất động sản.

Việc cho vay phải được kiểm soát đến được khu vực sản xuất, tăng giá trị gia tăng, tránh được việc tăng trưởng vốn tín dụng đầu năm quá nhanh quá mạnh, nên dành tín dụng cho dư địa cuối năm.

Đồng thời, phải tính đến biện pháp kiềm chế lạm phát để hạ lãi suất cho doanh nghiệp vay. Nếu lạm phát cao không đủ cơ sở cho hạ lãi suất, thậm chí hy sinh trong ngắn hạn góc độ tăng trưởng, khả năng tiếp cận vốn tín dụng, kiềm chế lạm phát thì mới tạo ra tiền đề để giảm lãi suất trong năm 2023 và dài hơn.

Bên cạnh đó khôi phục niềm tin của thị trường trái phiếu, không có nghĩa là quá dễ dãi mà vẫn phải tuân thủ quy luật của thị trường, để làm thế nào đó sẽ có hiệu quả, phân loại những doanh nghiệp nào có trái phiếu tốt và những doanh nghiệp nào làm rối loạn thêm thị trường.

Việc thực hiện Nghị định 65 về phát hành trái phiếu có thể sẽ gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu như vậy, nhưng việc này là cần thiết để việc phát hành trái phiếu tốt hơn, minh bạch hơn, chất lượng của nguồn vốn sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ rằng năm 2023 sẽ giải quyết được việc huy động vốn và sử dụng vốn.

MarketTimes: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Doanh nghiệp tự đưa mình vào thế khó”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO