Nới room tín dụng chỉ tạo hiệu ứng tâm lý lạc quan, thị trường địa ốc sẽ không chịu tác động lớn

Nhật Minh | 12:35 20/09/2022

Kỳ vọng vào nới room tín dụng từ phía Ngân hàng sẽ tác động tích cực đến thị trường địa ốc. Nhưng theo các chuyên gia, việc nới room tín dụng về cơ bản sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản.

Nới room tín dụng chỉ tạo hiệu ứng tâm lý lạc quan, thị trường địa ốc sẽ không chịu tác động lớn

Động thái nới room từ phía ngân hàng Nhà nước được cho là chỉ tạo hiệu ứng tâm lý lạc quan cho các nhà đầu tư. Song tỷ lệ mở room cũng không nhiều và đặc biệt các ngân hàng cũng ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất vay hơn nên vốn chảy về bất động sản sẽ có hạn và chưa tăng mạnh.

Ngay cả trong việc xét duyệt vốn vay trong lĩnh vực bất động sản cũng sẽ có sự phân hoá. Nhóm đối tượng người mua nhà của các dự án chủ đầu tư uy tín, loại hình nhà đất, nhà chung cư, khả năng xét duyệt vẫn trở nên dễ dàng.

Trên thị trường, các chủ đầu tư cung ứng dự án tốt, pháp lý đầy đủ, phía ngân hàng vẫn hỗ trợ giải ngân. Tuy nhiên, điều này cũng cần lịch sử tín dụng tốt và khả năng trả nợ của nhóm khách hàng.

Trong một diễn đàn bất động sản mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính đã thẳng thắn cho rằng, hiện nhiều ngân hàng đã được nới room nhưng số tiền lại không nhiều, chỉ ở mức vài trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên nếu so với thị trường bất động sản thì con số này lại không thấm tháp gì.

Ông Đính cũng nói thêm, con số tín dụng được nới so với nhu cầu của thị trường là thấp. Hiện tại mức được cấp thêm của các ngân hàng như Sacombank 4%; HDBank 3,4%; MB 3,2%; OCB 3,1%; VIB 3%; Agribank 3,5%; Vietcombank… So với nhu cầu vốn của các chủ đầu tư lớn, quy mô các dự án lớn đang triển khai, room tín dụng được nới thêm có thể hết nhanh trong vòng 1-2 tháng.

Nới room tín dụng mới đây tạo tâm lý lạc quan hơn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, không phải tất cả các đối tượng đều được hỗ trợ vay.

Ông Phan Việt Hoàng – Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hoà, việc nới room tín dụng sẽ tăng khả năng cho vay của các ngân hàng dựa trên vốn đang có.

Điều này cũng sẽ có lợi cho lĩnh vực bất động sản nhưng không nhiều. Nguyên nhân mục đích chính là ưu tiên tín dụng triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn phục hồi hoạt động sản xuất.

Ông Hoàng phân tích, bất động sản không được nêu cụ thể là nhóm ưu tiên, đồng thời việc đánh giá tiêu chí đối tượng để cho vay với các dự án bất động sản trong thời điểm hiện nay cũng chặt chẽ hơn trước.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đồng quan điểm và đưa ra nhận định, việc hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên phục hồi tăng trưởng là định hướng được đưa ra. Thế nên, nguồn vốn dành cho bất động sản không nhiều. Và với kênh đầu tư này, họ cần huy động mạnh hơn từ phát hành trái phiếu và thị trường chứng khoán.

Ông Phan Việt Hoàng đưa ra dự báo rằng, với tình hình vốn vào bất động sản như hiện tại, nguồn cung các dự án nhà thương mại sẽ tiếp tục gián đoạn, trong trung hạn sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội dựa trên Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó sẽ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội.

Năm 2023 nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn về vốn, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo nền tảng ổn định cho thị trường phát triển ổn định, minh bạch. Trong bối cảnh khó khăn, tôi cho rằng các doanh nghiệp cũng cần phải lường xa hơn tới những khó khăn về dòng vốn ở năm sau để tạo được sự liên kết, sáp nhập, cùng triển khai phát triển các dự án.


(0) Bình luận
Nới room tín dụng chỉ tạo hiệu ứng tâm lý lạc quan, thị trường địa ốc sẽ không chịu tác động lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO