Điểm nhấn thị trường tài chính 7 ngày qua: lãi suất tiền gửi rục rịch tăng, 3 nhà băng “hầu” toà

Mạnh Đại | 10:36 06/07/2024

Vụ khách hàng mất 11,9 tỷ đồng, tòa phúc thẩm tuyên “lỗi do khách hàng, không phải do Vietcombank'; Vụ khách “bốc hơi” 46,9 tỷ đồng, tòa tuyên trả tiền, Sacombank sẽ kháng cáo; Nhiều nhà bằng tiếp tục nâng lãi suất tiền gửi, …

Điểm nhấn thị trường tài chính 7 ngày qua: lãi suất tiền gửi rục rịch tăng, 3 nhà băng “hầu” toà

Vụ khách hàng mất 11,9 tỷ đồng, tòa phúc thẩm tuyên “lỗi do khách hàng, không phải do Vietcombank”

Ngày 3/7, TAND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán giữa nguyên đơn là khách hàng Trần Thị Chúc (50 tuổi, ở Bắc Ninh) và bị đơn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Trước đó, chiều 2/7, sau khi bác kháng cáo của bà Chúc, tòa phúc thẩm tuyên Techcombank không phải bồi thường 14,6 tỷ đồng cho khách hàng này, hội đồng xét xử chuyển sang giải quyết vụ án bà Chúc kiện Vietcombank với số tiền bị mất là 11,9 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, viện kiểm sát nêu quan điểm, giữ nguyên kháng nghị, đồng ý với Vietcombank về việc "ngân hàng không có lỗi".

Sau nghị án, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên bác toàn bộ kháng cáo của bà Trần Thị Chúc. Tòa chấp nhận kháng cáo của Vietcombank và kháng nghị của viện kiểm sát.

Như vậy đồng nghĩa với việc Vietcombank không phải bồi thường số tiền 11,9 tỉ đồng cho bà Chúc.

Nhận định tương tự bản án trong vụ án liên quan Techcombank, tòa phúc thẩm đánh giá việc bà Chúc nghe theo lời hai người không quen biết qua điện thoại, mở tài khoản, gửi tiền, cài phần mềm bảo mật khiến bị lộ thông tin bảo mật ngân hàng, "đây là nguyên nhân khiến bà mất tiền, lỗi của bà, không phải của Vietcombank".

Vụ khách “bốc hơi” 46,9 tỷ đồng, tòa tuyên trả tiền, Sacombank sẽ kháng cáo

Ngày 4/7, TAND thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) đã tuyên án vụ bà Hồ Thị Thùy Dương kiện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank; HoSE: STB), yêu cầu ngân hàng này phải trả lại toàn bộ số tiền đã gửi cùng tiền lãi phát sinh.

Theo nội dung bản án, bà Hồ Thị Thùy Dương (SN 1977, phường Cam Phú, TP Cam Ranh) mở tài khoản tại Phòng giao dịch Cam Ranh thuộc Ngân hàng Sacombank chi nhánh Khánh Hòa.

sacombank-len-tieng-phan-hoi-ve-su-co-tai-phong-giao-dich-cam-ranh-20221117100802.jpg

Đến tháng 5/2022, bà Dương phát hiện tài khoản của mình bị mất tiền nên yêu cầu ngân hàng trích lục sao kê.

Kết quả cho thấy có 12 giao dịch diễn ra từ tháng 5/2022 đến tháng 6/2022 tổng cộng 46,9 tỷ đồng.

Trong đó, có 9 giao dịch rút tiền mặt, 3 giao dịch chuyển khoản. Đáng chú ý, một số giao dịch diễn ra trong khoảng thời gian 18h - 21h (ngoài giờ hành chính).

Sau khi sự việc xảy ra, bà Dương đã có đơn gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an kêu cứu về việc bị mất 46,9 tỷ đồng tiền gửi tại Sacombank.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Cam Ranh đề nghị tòa cùng cấp tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của vợ chồng bà Dương, buộc Sacombank trả lại tiền gốc cùng các khoản lãi, khoản bồi thường và 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn.

Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định rằng 12 giao dịch nêu trên không phải do bà Dương thực hiện, đồng thời quy trình rút tiền của Sacombank có nhiều sai sót.

Tòa tuyên Sacombank phải trả cho bà Dương số tiền gốc còn lại là 26,9 tỷ đồng (đã trừ 20 tỷ đồng tạm ứng trước đó - PV), trả tiền lãi chậm trả. Tổng cộng Sacombank phải trả hơn 7 tỷ đồng tiền lãi chậm trả cho bà Dương; trả lại 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn.

Trong thông cáo phát đi chiều ngày 4/7, Sacombank cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình trong vụ kiện dân sự giữa khách hàng Hồ Thị Thùy Dương với Sacombank.

Theo Sacombank, vụ kiện này có liên quan đến vụ án hình sự đã có kết luận điều tra, đang chờ xét xử xảy ra tại PGD Cam Ranh (CN Khánh Hòa) vào tháng 10/2022.

Đồng thời, kết luận điều tra ghi rõ "các chứng từ liên quan đến tổng số tiền 46,9 tỷ đồng đã được khách hàng Dương ký đầy đủ, chữ ký khớp đúng với chữ ký đã đăng ký tại Sacombank". Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa ban hành ngày 07/4/2024 xác định chữ ký và chữ viết trên các chứng từ rút/chuyển tiền đều do chính khách hàng Hồ Thị Thùy Dương ký và viết ra.

Việc khách hàng Hồ Thị Thùy Dương khởi kiện dân sự để đòi bồi thường thiệt hại có thể gây ra chồng chéo, xung đột với vụ án hình sự đang trong quá trình tố tụng.

Sacombank nhấn mạnh "đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, cung cấp hồ sơ chứng từ yêu cầu tạm đình chỉ vụ kiện dân sự với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương đến Tòa án nhân dân thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa nhằm chờ kết quả giải quyết vụ án hình sự nhưng vụ việc vẫn đưa ra xét xử".

Do đó, Sacombank sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.

Nhiều nhà băng tiếp tục nâng lãi suất tiền gửi

Tuần đầu tiên trong tháng 7/2024 ghi nhận 4 ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm NCB, Eximbank, SeABank và VIB.

Tuy nhiên, VIB cũng là ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tuần vừa qua (giảm 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng và tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-36 tháng).

Theo thống kê, tại ngày 5/7, lãi suất huy động cao nhất các kỳ hạn dưới 6 tháng là 4,7%/năm.

Eximbank tăng mạnh lãi suất huy động lên cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 3-4 tháng, hiện đã tiệm cận với trần lãi suất 4,75%/năm do NHNN đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.

1641_eximbank_sg_new.jpg

Eximbank cũng là ngân hàng dẫn đầu toàn hệ thống về lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, lên đến 4,3%/năm sau khi nhà băng này điều chỉnh lãi suất từ 4/7.

Đối với kỳ hạn 3 tháng, ABBank và NCB đang là những ngân hàng thuộc nhóm dẫn đầu về lãi suất. Cả hai nhà băng này niêm yết mức lãi suất 4%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 3 tháng.

Cũng chỉ có 3 ngân hàng nói trên đang niêm yết mức lãi suất từ 4%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, trong khi các ngân hàng còn lại đều duy trì mức lãi suất này ở mức từ 1,9-3,9%/năm.

Ở kỳ hạn 12 tháng, ABBank là ngân hàng duy nhất niêm yết mức lãi suất hấp dẫn 6%/năm. Theo sau là Tecombank với mức lãi suất 5,75%/năm, …

Đình chỉ 4 cán bộ kiểm toán Deloitte Việt Nam liên quan vụ SCB

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, đối với các kiểm toán viên của Công ty TNHH kiểm toán Deloitte Việt Nam.

ngan-hang-scb.jpeg

Cụ thể, danh sách bị đình chỉ gồm Phó Tổng Giám đốc Lê Đình Tứ, Phạm Hoài Nam và hai kiểm toán viên là Đỗ Hồng Dương, Trần Văn Đặng.

Trong đó, hai kiểm toán viên Đỗ Hồng Dương, Trần Văn Đặng và Phó Tổng Giám đốc Lê Đình Tứ là nhưng nhân sự trực tiếp có tên trong hai báo cáo kiểm toán SCB trong hai năm 2018 và 2019.

Theo quyết định của Uỷ ban chứng khoán, các kiểm toán viên này sẽ không được ký báo cáo kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, gồm các công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty chứng khoán... trong 6 tháng tới. Thời gian bắt đầu từ ngày 25/6 đến hết ngày 31/12/2024.

Deloitte Việt Nam là một trong ba công ty kiểm toán (cùng với KPMG và Ernst & Young) đã thực hiện kiểm toán cho ngân hàng SCB trước khi các sai phạm bị phanh phui trong vụ án của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Trong đó, Ernst & Young Việt Nam kiểm toán cho ngân hàng này trong 5 năm, từ 2012 đến 2016. Sau đó, SCB đổi công ty kiểm toán sang Deloitte Việt Nam trong 3 năm, 2017 - 2019. Năm 2020, KPMG Việt Nam là đơn vị kiểm toán cho ngân hàng này.

Xem thêm tại đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Điểm nhấn thị trường tài chính 7 ngày qua: lãi suất tiền gửi rục rịch tăng, 3 nhà băng “hầu” toà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO