Tài chính tuần qua: NHNN đồng ý cho các TCTD kéo dài thời gian cơ cấu nợ, nhiều nhà băng áp sát lãi suất huy động 6%

Mạnh Đại | 10:28 29/06/2024

NHNN đồng ý cho các TCTD kéo dài thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng đến hết 31/12/2024; nhiều nhà băng áp sát lãi suất huy động 6%; Techcombank, MSB, SHB tăng vốn điều lệ “phi mã”, … Trong khi, LPBank tạm dừng kế hoạch tăng vốn.

Tài chính tuần qua: NHNN đồng ý cho các TCTD kéo dài thời gian cơ cấu nợ, nhiều nhà băng áp sát lãi suất huy động 6%

NHNN đồng ý cho các TCTD kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến hết 31/12/2024

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào 31/12/2024.

Vì vậy, đến 31/12/2024, tổ chức tín dụng đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN).

Theo đó, trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.

Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Trên cơ sở này, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23 tháng 4 năm 2023 như sau:

“2. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.”.

Sửa đổi khoản 8 Điều 4 như sau: “8.Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.”.

Nhiều nhà băng áp sát lãi suất huy động 6%

Theo thống kê đã có tới 23 ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 6 và nhiều nhà băng áp sát lãi suất huy động 6%/năm.

huy-dong.jpeg
Ảnh minh họa

Cụ thể, hiện có 4 ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi tại mức 6,1%/năm, mức cao nhất theo công bố gồm: SHB (áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng trở lên), OceanBank (kỳ hạn 18 – 60 tháng), NCB (kỳ hạn 18 – 60 tháng), và HDBank (kỳ hạn 18 tháng).

Trong khi, mức lãi suất 6%/năm đang xuất hiện trong biểu lãi xuất của ABBank (kỳ hạn 12 tháng) và OCB (kỳ hạn 36 tháng).

Tiếp đến là mức lãi suất huy động 5,8% - 5,9%/năm xuất hiện tại nhiều nha băng như: BaoViet Bank và PGBank đang niêm yết lãi suất 5,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18 tháng và 5,9%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24 – 36 tháng.

Các ngân hàng như: BVBank, MB, GPBank, Saigonbank, VietA Bank, VietBank, SeABank cũng đang niêm yết lãi suất tiền gửi lên đến 5,8%/năm cho các kỳ hạn 24 – 36 tháng.

Trong tháng 6 đã có 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gồm: VietinBank, TPBank, VIB, GPBank, BaoViet Bank, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB, Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank, ACB, và SHB.

Trong đó, GPBank, VIB, MB, BaoViet Bank, OceanBank, NCB, TPBank, PGBank, LPBank, OCB, ABBank, và VietA Bank đã hai lần tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 6.

Eximbank thậm chí đã 3 lần tăng lãi suất huy động từ đầu tháng, lần lượt với các kỳ hạn 1 – 12 tháng, 1 – 3 tháng, và 6 – 9 tháng. Tuy nhiên, ngân hàng này lại giảm 0,1%/năm lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 15 – 36 tháng.

Loạt nhà băng tăng vốn điều lệ “phi mã”

Vừa qua, sau khi phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100%, tương ứng số lượng cổ phiếu đang lưu hành của Techcombank tăng lên hơn 7.045 tỷ cổ phiếu. Đồng thời, vốn điều lệ của Techcombank đã tăng từ 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng.

techcombank.jpg

Như vậy, sau khi tăng vốn điều lệ lên 70.450 tỷ đồng, Tecombank đã vượt qua ba “ông lớn” ngân hàng quốc doanh là BIDV (57.004 tỷ đồng), Vietcombank (55.890 tỷ đồng) và Vietinbank (53.699 tỷ đồng), để trở thành ngân hàng thương mại niêm yết có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2 trên thị trường, chỉ đứng sau VPBank (79.336 tỷ đồng).

Tương tự Techcombank, sau khi SHB hoàn tất phát hành hơn 43,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), nhà băng này đã tăng vốn điều lệ hơn 36.629 tỷ đồng. Như vậy, hiện SHB đang nằm trong Top 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất hệ thống gồm VPBank, Techcombank, MBBank, ACB và SHB.

Ngân hàng MSB sẽ tăng vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại tính theo báo cáo tài chính kiểm toán tại ngày 31/12/2023 sau khi trích các quỹ theo luật định.

msb.jpg

Tỷ lệ phát hành 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành, tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu.

Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành dự kiến là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 3 năm niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE, ngân hàng MSB có thể đạt mức vốn điều lệ hơn 1 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, HĐQT LPBank thông báo đã thông qua việc tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán cồ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ năm 2024.

Thay vào đó HĐQT LPBank sẽ trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) phê duyệt việc điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023 tại phiên họp ĐHĐCĐ gần nhất nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của cổ đông và của LPBank. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 16,8%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tài chính tuần qua: NHNN đồng ý cho các TCTD kéo dài thời gian cơ cấu nợ, nhiều nhà băng áp sát lãi suất huy động 6%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO