"Điểm danh" các công ty con thuộc Tập đoàn Mai Linh chậm đóng thuế, bảo hiểm xã hội

Quang Minh | 17:15 22/12/2023

Hơn 3 thập kỷ khởi nghiệp và phát triển, Tập đoàn Mai Linh của ông Hồ Huy trở thành tập đoàn đa ngành và có thời điểm là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực vận tải. Tuy nhiên vài năm gần đây, Tập đoàn kinh doanh thua lỗ và nhiều công ty con liên tục chậm đóng thuế, BHXH, BHYT và BHTN.

"Điểm danh" các công ty con thuộc Tập đoàn Mai Linh chậm đóng thuế, bảo hiểm xã hội
Nhiều công ty con thuộc Tập đoàn Mai Linh của ông chủ Hồ Huy chậm đóng thuế, bảo hiểm xã hội

Chây ì đóng thuế BHXH, BHYT, BHTN

Đơn cử như tại Hà Nội, Tập đoàn Mai Linh có 2 pháp nhân là Công ty TNHH Vận tải công nghệ Mai Linh Hà Nội và Công ty cổ phần Mai Linh Thủ đô.

Hai công ty này cũng liên tục bị Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội nhắc tên do hành vi chậm thanh toán BHXH. Tính đến 30/11/2023, Công ty TNHH Vận tải Công nghệ Mai Linh Hà Nội chậm đóng BHXH hơn 10 tháng, tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Mai Linh Thủ đô chậm BHXH 2 tháng, tổng số tiền chậm hơn 16 triệu đồng.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/10/2023, Tập đoàn Mai Linh đã có đến 13 tháng liên tục bị nhắc tên do nợ BHXH, BHYT, BHTN; tổng số tiền chậm thanh toán hơn 6,2 tỷ đồng.

Một công ty liên quan khác tại thành phố Hồ Chí Minh là Công ty cổ phần vận chuyển Mai Linh Logistic cũng nợ bảo hiểm hơn 15 tháng, tổng số tiền nợ gần 185 triệu đồng.

Bên cạnh đó, một pháp nhân khác là Công ty cổ phần Vận tải tốc hành Mai Linh cũng bị Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh nêu tên do chậm đóng thuế. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng số tiền đang nợ thuế của công ty này là hơn 5 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thương mại bách hoá Mai Linh liên tục chậm đóng BHXH. Tính đến 31/10/2023, Bách Hoá Mai Linh nợ BHXH hơn 10 tháng, tổng số tiền chậm đóng vỏn vẹn hơn 30 triệu đồng.

Tại các tỉnh, thành phố khác, nhiều công ty con của Tập đoàn Mai Linh cũng đang vướng lùm xùm liên quan đến thuế và bảo hiểm.

Tại Lào Cai, Công ty TNHH Mai Linh Lào Cai chậm gần 70 triệu, thời gian chậm đóng hơn 5 tháng.

Tại Hải Phòng, Công ty TNHH Mai Linh Hải Phòng cũng chậm thanh toán BHXH của toàn bộ 18 người lao động, tổng thời gian hơn 3 tháng, số tiền gần 99 triệu đồng. Được biết, năm 2022, Mai Linh Hải Phòng có doanh thu gần 22 tỷ, lợi nhuận hơn 180 triệu đồng.

images.jpg

Tại Đà Nẵng, tính đến 31/10/2023, Công ty TNHH Mai Linh Đà Nẵng, chậm đóng BHXH hơn 1,3 tỷ đồng. Được biết, năm 2022 Mai Linh Đà Nẵng đem lại lợi nhuận sau thuế gần 3,3 tỷ đồng; doanh thu gần 40 tỷ đồng.

Tại Phú Yên, tính đến 30/11/2023, Công ty TNHH Mai Linh Phú Yên chậm thanh toán BHXH 1,5 năm, tổng số tiền hơn 369 triệu đồng.

Tại Thừa Thiên - Huế, Công ty TNHH Mai Linh Huế cũng chậm trễ thanh toán BHXH hơn 11 tháng, tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Năm 2022, Mai Linh Huế đem lại doanh thu gần 22 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 200 triệu đồng.

Tại Bình Định, Công ty TNHH Mai Linh Bình Định nợ Bảo hiểm xã hội từ tháng 5/2021, đến nay chậm đóng hơn 2 năm 6 tháng, tổng số tiền chậm đóng hơn 796 triệu đồng.

Tại Đồng Nai, chi nhánh của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (có địa chỉ Quốc lộ 51, KP 3, Phường An Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai) cũng nợ thuế hơn 167 triệu đồng.

Tại Cần Thơ, tính đến 30/9/2023, Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Mai Linh tại Cần Thơ chậm đóng thuế hơn 69 triệu đồng.

Tập đoàn Mai Linh chính thức cắt lỗ

Trở lại với Tập đoàn Mai Linh, đây là doanh nghiệp tiền thân là Công ty TNHH Vận tải hành khách và Du lịch Mai Linh. Được thành lập ngày 12/7/1993 tại TP.HCM, do ông Hồ Huy sáng lập. 

Đây là tập đoàn kinh tế đa ngành với hàng chục ngàn cán bộ nhân viên và mạng lưới vận tải phủ sóng khắp 63 tỉnh thành. Công ty hiện có 67 công ty con với vốn điều lệ là 1.246 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Mai Linh đạt mốc 4.135 tỷ đồng.

Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Tập đoàn Mai Linh ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 đạt xấp xỉ 1.647 tỷ đồng, tăng 583 tỷ đồng so với năm 2021, nhưng nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận mức 4.000 tỷ đồng.

Điểm sáng tích cực nhất trong báo cáo tài chính cho thấy, năm 2022, công ty lãi 1 tỷ đồng sau nhiều năm thua lỗ. Kết quả này có ý nghĩa đánh dấu việc Mai Linh đã có lợi nhuận trở lại và chính thức cắt lỗ.

images-1.jpg

Một điểm nhấn khác của Mai Linh đó là mục tiêu năm 2023, dự kiến đầu tư khoảng 3.500 phương tiện mới, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ, giữ chân khách hàng doanh nghiệp, khách hàng truyền thống,...  

Vào trung tuần tháng 8/2023, Tập đoàn Mai Linh đã ký kết với hãng xe Toyota Việt Nam, tiến hành mua 10.000 chiếc xe Toyota trong vòng 5 năm kể từ 2023.

Động thái này diễn ra khá bất ngờ khi trước đó, trong báo cáo thường niên 2022 của Mai Linh cho hay, ông Hồ Huy và ban lãnh đạo tập đoàn đã gặp gỡ nhiều đối tác tại Châu Âu để nghiên cứu, tìm hiểu về chiến lược thâm nhập thị trường xe điện, hướng đến vận tải không khói. 

Tuy nhiên, trong diễn biến thị trường đang hồi phục trở lại, khối vận tải của Tập đoàn Mai Linh cũng có nhiều kỳ vọng phục hồi và phát triển (vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi covid 19 bùng phát). Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng kỳ vọng nhiều bởi dịch vụ kinh doanh Logistics; tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo và các lĩnh vực du học, xuất khẩu lao động, thương mại…

Điểm lại những thăng trầm của Chủ tịch Hồ Huy và Tập đoàn Mai Linh

Doanh nhân Hồ Huy sinh năm 1955, ông sinh ra trong thời chiến, vì thế, năm lớp 10, ông đã tham gia vào quân ngũ và gia nhập vào Trung đoàn 304 pháo mặt đất với vai trò là lính trinh sát. Ông cũng từng có thời gian chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị đầy bão lửa.

Năm 1976 ông Huy rời quân ngũ và được cử đi du học Liên Bang Nga, tại đây ông được học về ngành cơ khí ô tô.

Sau năm 1980, ông Huy về nước và có một thời gian ngắn tham gia công tác tại Bộ xây dựng.

Từ năm 1981 - 1985, ông Huy thành người quản lý lao động tại Tiệp Khắc ở nhà máy đại tu ô tô máy kéo. Năm 1985 - 1993, ông Huy trở về nước và làm việc cho Công ty Saigontourist.

Cùng với niềm đam mê có sẵn trong máu và kinh nghiệm bao năm tích lũy được, năm 1993 ông Hồ Huy quyết định sáng lập ra công ty vận tải Mai Linh với số vốn ban đầu chỉ có 300 triệu đồng. Ông kiêm chức vị Tổng giám đốc cùng Chủ tịch HĐQT.

Công ty ông những ngày đầu chỉ có 2 chiếc xe du lịch 4 chỗ cùng 25 nhân viên, ông Huy bắt đầu đẩy mạnh khai phá thị trường taxi tại Hà Nội với mục đích kinh doanh lúc đầu là du lịch, bán vé máy bay, xe cho thuê. Đến tháng 4/1995, ông Huy tiến vào Sài Gòn và lập nên Xí nghiệp Sài Gòn Taxi, dịch vụ Taxi Mai Linh cũng được khai sinh.

Thời điểm đất nước vừa thoát khỏi bao cấp, dịch vụ taxi là một vấn đề xa xỉ, hơn nữa thời gian này du lịch chưa phát triển. Thời gian này, Mai Linh đã huy động các anh em trong công ty lấy vốn nhàn rỗi của mỗi anh em mua cổ phần của Mai Linh, ai có ít góp ít thực hiện theo chủ trương xã hội hóa công ty, cổ phần hóa doanh nghiệp.

Từ một cái kiot nhỏ trên đường Nguyễn Huệ cùng với 2 chiếc xe cũ, Mai Linh nhanh chóng nổi tiếng vì chất lượng phục vụ tốt và dịch vụ mới. Đây là thời điểm rực rỡ nhất của Mai Linh.

3_52.jpg
Chủ tịch Hồ Huy và khát vọng đưa Tập đoàn Mai Linh phục hồi trở lại

Bên cạnh vận tải, Mai Linh còn mở rộng sang các hoạt động khác như du lịch - lữ hành, xây dựng, đào tạo, quảng cáo truyền thống, công nghệ thông tin, tài chính,… Ông Hồ Huy bắt đầu vào con đường đầu tư đa ngành, bỏ taxi mà đi buôn đất.

Bất động sản biến động, bong bóng vỡ, tiền thu được từ lái taxi không đủ để ông trả nợ vay cá nhân và ngân hàng. Ông từ bỏ tham vọng bất động sản, thuyết phục đối tác và trở về với nơi bắt đầu là taxi.

Tuy nhiên, bộ máy hoạt động của công ty quá cồng kềnh cùng với chiến lược kinh doanh không tốt đã dẫn đến doanh thu của Mai Linh giảm mạnh, lợi nhuận bắt đầu bào mòn. Mai Linh đã nhường ngôi cho Vinasun, chấp nhận đứng thứ 2.

Cuối năm 2012, Mai Linh đã phải đối mặt với những khoản nợ và khả năng không đủ trả. Đứng trước nguy cơ phá sản, Chủ tịch của Mai Linh ông Hồ Huy phải đứng ra xin lỗi và kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà đầu tư, giúp ông và Mai Linh vượt qua cơn khủng hoảng này. Ông cũng hứa sẽ dành ra 100 tỷ đồng mỗi năm để trả nợ.

Sau những khó khăn thử thách và vượt qua đại dịch Covid - 19 thì hiện tại một lần nữa Mai Linh đã đứng lên thoát lỗ và bắt đầu có lãi, với tinh thần của người lính, kỳ vọng ông Hồ Huy và Tập đoàn Mai Linh một lần nữa giành lại thị phần và đứng vững trên thương trường. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
"Điểm danh" các công ty con thuộc Tập đoàn Mai Linh chậm đóng thuế, bảo hiểm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO