Mặc dù thoát lỗ sau 4 năm nhưng lợi nhuận taxi Mai Linh vẫn "hít khói" Vinasun

Trọng Nghĩa | 15:04 10/05/2023

Mai Linh và Vinasun vốn là hai "kỳ phùng địch thủ" của nhau trên thị trường taxi. Họ từng thăng hoa, ganh đua cùng nhau trong giai đoạn trước năm 2016, cũng như cùng "chật vật" đối đầu với sự cạnh tranh từ các ứng dụng gọi xe công nghệ mà đại diện tiêu biểu là Grab. Đại dịch Covid cho Mai Linh cơ hội lần đầu "vượt qua" Vinasun, nhưng khi tình hình ổn định trở lại, thế trận giữa 2 đối thủ sẽ thế nào?

Mặc dù thoát lỗ sau 4 năm nhưng lợi nhuận taxi Mai Linh vẫn "hít khói" Vinasun

Một giai đoạn dài 12 năm, chưa khi nào Mai Linh có thể vượt được Vinasun về chỉ tiêu lợi nhuận. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào năm 2020, Mai Linh lần đầu tiên làm "tốt hơn".

"Tốt" ở đây có nghĩa là Mai Linh lỗ ít hơn Vinasun, trong bối cảnh đại dịch Covid đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh một cách nặng nề.

Nguồn: Nhịp sống kinh tế

Hậu đại dịch, Vinasun đã cho thấy sự trở lại mạnh mẽ. Vào quý I/2022, Vinasun đã cắt đứt chuỗi 8 quý thua lỗ liên tiếp với khoản lãi 12,4 tỷ đồng. Lý giải cho kết quả kinh doanh tích cực này, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng việc đại dịch COVID-19 được khống chế, các hoạt động kinh doanh của nền kinh tế được khôi phục là yếu tố chính dẫn đến sự phục hồi của Vinasun.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của Vinasun đạt 1.089 tỷ đồng, tăng 125% so với 2021, đa số nguồn thu vẫn đến từ dịch vụ vận tải bằng taxi (chiếm 80%), kế đó là nguồn thu từ vận tải hành khách khác (chiếm 17%), phần còn lại là các dịch vụ khác.

Công ty lãi sau thuế 185 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với mức lỗ năm ngoái là 277 tỷ. Trên kế hoạch năm, Vinasun đã vượt 70% chỉ tiêu doanh thu và vượt 585% mục tiêu lợi nhuận.

Với taxi Mai Linh, năm 2022 doanh nghiệp cũng đã cắt đứt chuỗi thua lỗ 4 năm liên tiếp kể từ 2018. Công ty ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 tăng 55% so với năm 2021, đạt gần 1.647 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh từ 8,5% năm 2021 lên 25,2%.

Do gánh nặng chi phí quản lý gần 338 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước, taxi Mai Linh vẫn lỗ thuần gần 97 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhờ 105 tỷ đồng đến từ lợi nhuận khác, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1 tỷ đồng trong năm 2022. 

Sau khi trừ đi lợi ích của cổ đông thiểu số, lợi nhuận của công ty mẹ vẫn âm 1,8 tỷ đồng. So với mức lỗ 254 tỷ đồng của năm trước đó, kết quả kinh doanh của taxi Mai Linh năm 2022 đã được cải thiện đáng kể nhưng so với những gì Vinasun đã làm được trong năm 2022, một lần nữa, Mai Linh lại cho thấy đang chạy chậm hơn.

Dẫu sao, bên cạnh lợi nhuận, hoạt động kinh doanh của Mai Linh cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực như dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương 248 tỷ đồng, trong khi năm trước đó âm gần 19 tỷ đồng.

Trong năm 2022, taxi Mai Linh đã đầu tư nhiều hơn cho tài sản cố định với số tiền chi ra lên tới 235 tỷ đồng, là một phần nguyên nhân khiến dòng tiền đầu tư trong kỳ âm gần 49 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của taxi Mai Linh không thay đổi nhiều so với đầu năm với khoảng 4.135 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn với hơn 1.700 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, trong cơ cấu nguồn vốn của công ty, nợ phải trả chiếm tỷ trọng áp đảo gần 98% với hơn 4.000 tỷ đồng.

Một điểm sáng là đến cuối năm 2022, taxi Mai Linh đã giảm bớt gần 197 tỷ đồng dư nợ so với hồi đầu năm, đưa tổng dư nợ vay ngắn và trung hạn của công ty xuống còn 1.284 tỷ đồng. 

Hai năm tài chính trước đó, do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 và chiến tranh Nga - Ukraine khiến giá năng lượng, xăng dầu tăng cao, ban lãnh đạo cho biết doanh thu hoạt động vận tải của hãng đã giảm sút nghiêm trọng. Mai Linh sau đó đã phải triển khai các ngành nghề mới như logistics, bảo hiểm để khai thác tối đa hệ sinh thái tập đoàn và duy trì hoạt động liên tục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Mặc dù thoát lỗ sau 4 năm nhưng lợi nhuận taxi Mai Linh vẫn "hít khói" Vinasun
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO