Sáng 14/4, CTCP Traphaco (mã TRA) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Giữ vững mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số
Theo ban lãnh đạo, năm 2022 là năm khó khăn của ngành dược, song Traphaco đã thích ứng linh hoạt và ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu thuần đạt 2.399 tỷ đồng tăng trưởng 11%, lợi nhuận 293 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2021. Các chỉ tiêu trên đều vượt kế hoạch đề ra trước đó.
Đồng thời, Traphaco tung ra 16 sản phẩm mới và nhanh chóng trở thành yếu tố quan trọng trong tăng trưởng giai đoạn 2021- 2022, đạt doanh số 74 tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch đề ra.
Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, Traphaco thông qua chỉ tiêu doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 326 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,4% và 11,2% so với thực hiện năm trước.
Mục tiêu quan trọng nhất của doanh nghiệp trong năm nay vẫn là “Giữ vững vị thế số 1 đông dược - Tập trung đầu tư phát triển ngoài đông dược”. Nâng cao năng lực sản xuất mảng ngoài đông dược, cân nhắc đầu tư dậy chuyền GMP, EU sau khi có báo cáo khả thi.
Ông Chung Ji Kwang - Chủ tịch HĐQT cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2023. Thông qua đối thoại sâu rộng với tất cả bên liên quan, Traphaco sẽ tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu ngành dược Việt Nam và củng cố niềm tin trong xã hội.
Đối với kênh OTC, ban lãnh đạo doanh nghiệp nhận định hoạt động phân phối trên thị trường OTC diễn biến thay đổi nhanh chóng, hoạt động chuỗi nhà thuốc ngày càng có vai trò lớn, hoạt động bán hàng online thuốc, thực phẩm bổ sung phát triển rất nhanh và khắp toàn quốc.
Traphaco dự kiến tiếp tục thực hiện tái cấu trúc lại hệ thống kinh doanh theo hướng chia tách đông dược và ngoài đông dược, thí điểm tại 13 địa bàn trong năm 2022 đạt kết quả tăng trưởng cao về doanh thu. Năm 2023, Traphaco dự kiến sẽ thực hiện chia tách toàn bộ địa bàn còn lại.
Đối với kênh ETC, năm 2023 dự kiến tăng hơn 17% so với kết quả năm 2022, trong bối cảnh các bệnh viện công vẫn khó khăn trong hoạt động mua sắm, đấu thầu. Công ty đặt mục tiêu bảo vệ thị phần hiện tại trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt đối với hàng chủ lực.
Ngoài ra, Traphaco cũng sẽ tận dụng cơ hội tăng trưởng, đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm Methorphan, Cebraton, Tottri, Antot… Triển khai các sản phẩm mới, đưa vào sản xuất và ra thị trường ít nhất 19 sản phẩm. Mục tiêu doanh số sản phẩm mới triển khai trong năm 2023 khoảng 36 tỷ đồng, doanh số các sản phẩm mới triển khai thị trường từ năm 2021 khoảng 170 tỷ đồng.
Về chuyển giao công nghệ, Traphaco đặt muc tiêu hoàn thành doanh số năm các sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 1 với Daewoong; triển khai sản xuất 5 sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 1 theo kế hoạch bán hàng kênh OTC và ETC; thúc đẩy để có số đăng ký sớm cho các sản phẩm chuyển giao công nghệ giai đoạn 2, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giai đoạn 3 với Daewoong…
Tiếp tục chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30%, bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT
Tại Đại hội, Traphaco thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 30% bằng tiền (01 cổ phiếu nhận 3.000 đồng). Với 41,45 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến chi khoảng 124 tỷ đồng cho đợt cổ tức lần này. Thời gian thực hiện khi kết thúc quý 2/2023. Cổ tức năm 2023 dự kiến duy trì ở mức 30% bằng tiền mặt, tương tự như năm 2022.
Về cơ cấu nhân sự, ngày 10/4 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - Thành viên hội đồng quản trị đã có đơn xin từ nhiệm. Theo đó, Đại hội đã chấp thuận cho ông Tuấn thôi nhiệm.
Theo đó, Đại hội thống nhất và bầu thay thế ông Đinh Quang Hoà nắm giữ vị trí này. Ông Hoà sinh năm 1986, trình độ Cử nhân quản trị kinh doanh, cử nhân luật. Hiện tại, ông Hoà còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tràng Tiền và là chuyên viên, Phó Chánh văn phòng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Thảo luận tại đại hội
Chia sẻ về việc tìm kiếm M&A phù hợp để tạo giá trị cộng hưởng cho Traphaco trong năm 2023?
Hiện tại, Traphaco chưa có đối tượng cụ thể cho kế hoạch M&A. Tuy nhiên, công ty nhận định thị trường dược phẩm có nhiều tiềm năng để phát triển và Traphaco rất mong muốn tìm được đối tác có tiềm năng trong lĩnh vực dược phẩm để hợp tác và cùng phát triển.
Trong kế hoạch kinh doanh 2023, kế hoạch tăng trưởng trong mảng đông dược và tân dược cụ thể như thế nào?
Dự kiến kế hoạch năm 2023, nhóm đông dược tăng 4%, ngoài đông dược tăng trưởng 8% so với năm 2022 trên nền đã tăng trưởng rất cao là 7,5% đông dược và 37% ngoài đông dược cho năm 2022. Hiện tại, kế hoạch tăng trưởng trong nhóm đông dược và ngoài đông dược vẫn theo đúng kế hoạch. Cụ thể, quý 1/2023, mảng đông dược vượt 10% kế hoạch, mảng ngoài đông dược vượt 11% kế hoạch.
Trên thị trường, các sản phẩm đông dược của Traphaco đang bị cạnh tranh gay gắt, công ty có giải pháp gì?
Ở mảng đông dược, sức nóng cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn. Ngoài việc giữ vững thị phần các sản phẩm có tên tuổi từ lâu như Boganic, Cebraton, Hoạt huyết dưỡng não, Tottri, Traphaco dự kiến tập trung một số giải pháp chính để duy trì vị thế số 1 trong mảng đông dược.
Thứ nhất, đa dạng hoá các sản phẩm, sản xuất dòng sản phẩm mới chất lượng cao hơn.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động marketing, tổ chức hội thảo, phối hợp với các chuyên gia để chia sẻ kiến thức cho khách hàng, hiểu rõ hơn về lợi ích vượt trội của những sản phẩm của Traphaco, xây dựng niềm tin với khách hàng.
Thứ ba, phát triển chuỗi, phân tích hệ thống online để lựa chọn những nhóm sản phẩm riêng .
Kế hoạch nào để hỗ trợ nhà thuốc truyền thống tăng doanh thu?
Những năm gần đây xu hướng chuỗi bán hàng hiện đại phát triển mạnh mẽ. Hiện, có 3-5 chuỗi đóng góp doanh thu lớn, tốc độ tăng trưởng chuỗi năm 2022 lên đến 60%. Tuy nhiên, Traphaco cũng xác định cân bằng trong việc phát triển chuỗi với kênh truyền thống.
Đối với nhà thuốc truyền thống, khi có sự xuất hiện các chuỗi, Traphaco cũng đã phối hợp các chuyên gia để nói về xu hướng phát triển của chuỗi, tác động tích cực đến nhà thuốc truyền thống. Điều này giúp họ có niềm tin để cùng hợp tác và phát huy lợi thế của nhà thuốc truyền thống để duy trì tăng trưởng trong thời gian tới.
Về mảng tân dược, doanh số cao nhưng lợi nhuận có thể thấp hơn đông dược, công ty có giải pháp gì?
Năm 2022, mảng kinh doanh đều tăng trưởng vượt kế hoạch với, đông dược là 63% và ngoài đông dược tăng 37%. Như vậy, tăng trưởng lợi nhuận tương xứng với tăng trưởng doanh thu. Do đó, nếu nói hiệu quả tân dược không bằng đông dược cũng không hoàn đúng.
Đông dược có những sản phẩm chủ lực, ổn định về hoạt động sản xuất và có thể được coi là “con bò sữa” mang lại lợi nhuận chính cho công ty. Tuy nhiên, các mảng đông dược vẫn cần phát triển sản phẩm mới cao cấp hơn. Mặt khác, tân dược cũng có những thế mạnh với sản phẩm nổi bật, có khả năng tạo doanh thu cao.
Traphaco định hướng phát triển hai mảng này thành mô hình riêng biệt và phát triển song song. Tóm lại, Traphaco có nhiệm vụ tạo dựng sản phẩm đông dược chất lượng cao, tân dược cũng tạo nhiều giá trị từ nền tảng công nghệ. Hai mảng kinh doanh này cùng cộng hưởng, mang lại giá trị lớn hơn cho Traphaco.