Để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững cần “chạy đua" chuyển đổi xanh

Phạm Minh | 08:07 02/11/2024

Năm 2024 cũng như năm tới kinh tế toàn cầu khó khăn sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam. Để thích ứng với bối cảnh mới, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đều cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi xanh để đáp ứng với các quy định của quốc tế.

Để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững cần “chạy đua" chuyển đổi xanh
Với nền kinh tế có độ mở lớn và hội nhập sâu rộng, việc tuân thủ các quy định mới từ các quốc gia nhập khẩu lớn có ý nghĩa sống còn với các ngành sản xuất. (Ảnh: Int)

Chuyển dịch hiện đại nhưng vẫn chậm

Tại diễn đàn với chủ đề "Định hướng tương lai: Điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa tổ chức, các chuyên gia đến từ UNDP, Eurocham Việt Nam và chuyên gia của Việt Nam cùng nhìn nhận, 2024 là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai trong và ngoài nước.

Với sự nỗ lực điều hành của Chính phủ và những chính sách phù hợp, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 ước đạt từ 6,8 - 7%. Kết quả này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã lấy được đà tăng trưởng trước Covid-19.

Tuy nhiên, còn tồn tại một số thách thức, khó khăn như: khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế nhiều hơn, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại, nhưng chậm so với mong muốn, các tỉnh/thành “đầu tàu kinh tế” tiếp tục chạy chậm lại… Do đó, để năm 2025 có kết quả tốt, cần những tiến bộ vượt bậc.

“Giai đoạn 2024 - 2025 là thời gian rất quan trọng, bước vào năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021- 2025. Có những mục tiêu đạt được hay không sẽ nằm ở ‘'điểm rơi’ trong 2 năm này. Và như vậy, chắc chắn phải có rất nhiều cố gắng”, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Ciem chia sẻ.

screen-shot-2024-11-01-at-23.02.47.png

Quy mô thương mại của Việt Nam dự kiến cán mốc 800 tỷ USD vào cuối năm nay. Với nền kinh tế có độ mở lớn và hội nhập sâu rộng, việc tuân thủ các quy định mới từ các quốc gia nhập khẩu lớn có ý nghĩa sống còn với các ngành sản xuất. Các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam đều, đã và đang chuẩn bị cho những quy định cụ thể về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng, chỉ có con đường tuân thủ là bền vững nhất, bởi trên hết, lợi thế của tuân thủ quy định sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh trong mắt các nhà nhập khẩu quốc tế.

Thay đổi để đáp ứng với các quy định quốc tế

Ông Stuart Livesay, Đồng chủ tịch Ủy ban tăng trưởng xanh Eurocham Việt Nam nhấn mạnh: “Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhưng tăng trưởng sẽ không thể duy trì nếu các ngành sản xuất không chuyển đổi kịp thời để theo kịp các quy định mới về phát triển bền vững, dấu chân carbon mà các quốc gia EU đang đặt ra. Một trong những quy định cận kề nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được ban hành nhằm giảm phát thải carbon trong sản xuất”.

EU hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc. Chuyển đổi để đáp ứng quy định mới để tận dụng FTA song phương thúc đẩy xuất khẩu là bài toán sống còn. 9 tháng 2024, Việt Nam xuất khẩu sang EU một lượng hàng hóa trị giá 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến cả năm nay xấp xỉ 50 tỷ USD.

Với một lượng hàng hóa xuất khẩu 50 tỷ USD mỗi năm và còn tiếp tục tăng, các quy định mới áp lên hàng nhập khẩu của EU nếu không được các nhà cung ứng đáp ứng, tuân thủ kịp thời sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng thương mại.

Cho rằng, chuyển đổi xanh đã trở thành “cuộc đua” trên phạm vi toàn cầu, bà Phạm Thị Ngọc Thủy khuyến cáo: “Không chỉ riêng EU với cơ chế CBAM, tới đây, hàng loạt quốc gia khác cũng áp dụng các quy định tương tự.

Bà Thuỷ dẫn chứng, Mỹ cũng đang dự thảo văn bản tương đương như CBAM, tương lai không xa sẽ ban hành, theo đó, số lượng ngành hàng chịu tác động sẽ nhiều hơn so với EU.

Nếu không cập nhật các quy định mới từ các quốc gia nhập khẩu để nghiên cứu, thực hành đáp ứng các quy định sớm, lợi thế của doanh nghiệp Việt sẽ giảm đi.

Một khảo sát về hành vi của người tiêu dùng liên quan tới môi trường và phát triển bền vững của Rakuten Insight và The Economist cho thấy, 84% số người Việt nói sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm bền vững, 71% là mức tăng về độ phổ biến của các tìm kiếm trên Google liên quan đến hàng hóa bền vững.

Bà Đinh Hoài Giang, Tổng giám đốc Secoin, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung chia sẻ: “để duy trì sản xuất, giữ thị phần trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều yêu cầu khắt khe từ nhà mua hàng không phải dễ dàng với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu vẫn quen nếp sản xuất, cung ứng xưa cũ”.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc CIEM cho rằng, Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu, nên diễn biến của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế Việt Nam 2025:

“Năm 2025, chúng tôi cho rằng địa chính trị trên thế giới có sự bất ổn, nhiều diễn biến khó lường, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc hơn nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt hơn”, ông Thọ nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững cần “chạy đua" chuyển đổi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO