Để EVN tự quyết giá điện dễ nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Dương Trang | 07:01 01/10/2022

Theo các chuyên gia, Dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân Bộ Công Thương trao quyền cho Tập đoàn Điện lực tự quyết giá điện dễ nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đối với vấn đề an ninh năng lượng, Nhà nước vẫn phải định giá hoặc quy định giá trần nhưng theo cơ chế thị trường.

Để EVN tự quyết giá điện dễ nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Dự thảo cho phép EVN tự quyết tăng giá điện dễ nảy sinh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", bởi EVN vẫn là đơn vị sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Int)

Tự quyết khi tăng từ 1% đến dưới 5%

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Dự thảo nêu rõ, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh giảm.

Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng.

Quy định này có thay đổi so với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, khi quy định thông số đầu vào tăng 3% thì giá điện mới tăng.

Về thẩm quyền điều chỉnh giá điện, dự thảo quy định: Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Sau khi điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân.

Sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Công Thương, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện kể từ ngày 1/10 của năm đó.

Xung quanh dự thảo này của Bộ Công Thương, có nhiều ý kiến phản biện, đặc biệt là phản biện của một số doanh nghiệp về “Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá…” ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và nỗ lực hồi phục kinh tế sau Covid-19.

Dễ tăng thêm sự độc quyền?

Chiasẻ với báo chí mới đây, ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty Trung Kiên Hà Nam (TP.HCM) chorằng, là doanh nghiệp nhỏ nhưng mỗi tháng ông cũng chi một khoản tiền không nhỏ từ 15 - 17 triệu đồng cho tiền điện. Nếu bây giờ ngành điện được quyền tự tăng giá điện bình quân khi giá đầu vào tăng từ 1 đến dưới 5% thì e là sẽ tác động đến doanh nghiệp sẽ không nhỏ. Bởi như thế, nguy cơ giá điện tăng thường xuyên là điều có thể xảy ra.

“Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến tất cả doanh nghiệp, góp phầnlàm đội chi phí đầu vào, buộc nhiều doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá sản phẩm và cuối cùng là người tiêu dùng phải gánh chịu. Hơn hết, điều này ảnh hưởng đến nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 ”, ông Kiên nói.

Một vị Giám đốc HTX cơ khí tại Lạng Giang (Bắc Giang) bày tỏ lo ngại tình trạng giá điện "nhảy múa" nếu EVN được tự quyền quyết tăng giá bán điện bình quân.

Theo vị Giám đốc HTX này, đề xuất mới đang chỉ chú trọng đến điều kiện tăng giá nhưng chưa chú trọng đến cơ chế giảm giá điện. Liệu EVN có chủ động đề xuất giảm giá điện khi giá đầu vào giảm hay không? EVN có được tự quyết giảm giá điện không, hay lại phải báo cáo lên các bộ ngành và phải đợi quy trình xét duyệt? Phải chăng có thể hiểu rằng giá điện sẽ dễ tăng hơn giảm và hoàn toàn có thể tăng nhiều lần. “Trong thời kỳ mặt hàng nào cũng tăng giá như hiện nay thì thêm khoản giá điện lại liên tục tăng nữa thì doanh nghiệp thật khó làm ăn", vị Giám đốc này lo lắng.

Vị Giám đốc HTX cho rằng, việc điều chỉnh giá điện vẫn cần sự can thiệp, quản lý của cơ quan Nhà nước. Điện là vấn đề năng lượng quốc gia, Nhà nước cần phải đảm bảo an ninh năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cũng bình luận về vấn đề này, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) nhận xét, dự thảo cho phép EVN được chủ động quyết định tăng giá bán điện bình quân nếu thông số đầu vào tăng từ 1% đến dưới 5% là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn đối với EVN.

“Với ngành kinh doanh độc quyền như ngành điện thì tăng giá 1% cũng cần cân nhắc, tránh trường hợp liên tục điều chỉnh. EVN là đơn vị đang sản xuất, kinh doanh điện nên nếu giao quyền tự quyết giá điện cho doanh nghiệp sẽ dễ làm nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhà nước vẫn phải định giá hoặc quy định giá trần nhưng theo cơ chế thị trường", ông Long nêu quan điểm.

Trước dự thảo của Bộ Công Thương “trao quyền” tự quyết giá điện từ 1% đến dưới 5% cho EVN, Đại biểu Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá, ngành điện vốn đã độc quyền rồi, nay nếu lại được tự quyết tăng giá điện bình quân thì sự độc quyền e rằng càng tăng thêm.

“Theo tôi, vấn đề này cần phải được cân đong, đo đếm, tính toán chi tiết, dựa trên tổng thể phát triển kinh tế xã hội chứ không chỉ cho riêng ngành điện, bởi ngành điện không đóng góp toàn bộ vào phát triển của nền kinh tế”, Đại biểu Phạm Văn Hoà nêu.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, thị trường điện hiện có 4 khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ. Các phân khúc thị trường này tạo ra thị trường điện nói chung và mỗi phân khúc lại có 1 thị trường riêng. Hiện nay, EVN vẫn chiếm khoảng 2/3 thị trường mua điện, dù thị trường sản xuất đang mở cửa cạnh tranh, nhưng vẫn cạnh tranh chưa hoàn chỉnh.

Như vậy, việc cho EVN quyền tự quyết tăng giá bán điện bình quân nếu không được kiểm soát hiệu quả sẽ dễ làm tăng thêm sự độc quyền của tập đoàn này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Để EVN tự quyết giá điện dễ nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO