EVN còn 23.788,8 tỷ đồng đầu tư tại 8 doanh nghiệp khác

Hoàng Anh | 12:44 14/01/2022

Hiện tổng giá trị góp vốn của EVN tại 8 doang nghiệp khác là 23.788,8 tỷ đồng, tăng 596,96 tỷ đồng so với năm 2020, theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

EVN còn 23.788,8 tỷ đồng đầu tư tại 8 doanh nghiệp khác
Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2021 là 731.000 tỷ đồng.

Đó là các Công ty CP EVNGENCO2&3, PECC1, PECC 2, PECC3, PECC4, EEMC và VTEC.

Trong năm 2021 có 7 công ty trong số đó kinh doanh có lợi nhuận, riêng VETC đang lỗ lũy kế, nguyên nhân được EVN giải thích là do VETC đang trong giai đoạn triển khai dự án.

Giá trị cổ tức EVN thu về trong năm 2021 là 575,85 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt và 590,49 tỷ đồng cổ tức bằng cổ phiếu.

Cũng theo Báo cáo, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2021 là 731.000 tỷ đồng, bằng 100,2% so với năm 2020. Trong đó vốn chủ sở hữu là 255.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2020.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ EVN và các đơn vị trong năm 2021 đều có lợi nhuận. Giá trị nộp ngân sách năm 2021 toàn Tập đoàn đạt 22.440 tỷ đồng.

Báo cáo về công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN cho biết, trong năm 2021 có Công ty GENCO2 đã hoàn thành cổ phẩn hóa và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ 1/7/2021.

Còn Công ty GENCO3, trong năm 2021 EVN đã báo cáo lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán giá trị quyết toán cổ phần hóa.

EVN cũng đã hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp Công ty mẹ - EVNGENCO1 trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Tuy nhiên, do thay đổi quy định của pháp luật và triển khai trong giai đoạn giãn cách để chống dịch Covid-19, nên không đủ thời gian để thực hiện kiểm toán theo quy định. Do vậy, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển cổ phần hóa Công ty mẹ - EVNGENCO1 sang giai đoạn 2021-2025.

Cũng theo báo cáo của, EVN đã rà soát danh mục thoái vốn, giảm vốn để trình trong Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021-2025. EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp có sở hữu chéo theo và thực hiện các giải pháp lành mạnh tài chính, thoái vốn tại các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính.

Lí giải việc cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm, EVN cho biết, quá trình cổ phần hóa trong năm 2021 gặp nhiều khó khăn, trong đó có sự thay đổi của pháp luật tại thời điểm đang thực hiện các bước của quá trình cổ phần hóa. Như việc Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/411/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

Đối tượng các đơn vị cổ phần hóa của EVN hầu hết là có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, giá trị tài chính nên cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Bên cạnh đó, chưa có các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính, năng lực quản trị tham gia.

Ngoài ra, thị trường không thuận lợi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, không thu hút được các nhà đầu tư, dẫn đến quá trình IPO GENCO2 chưa đạt như kỳ vọng khi chỉ bán được 0,14% vốn tại GENCO2.

Bài liên quan

(0) Bình luận
EVN còn 23.788,8 tỷ đồng đầu tư tại 8 doanh nghiệp khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO