Bloomberg gần đây công bố nghiên cứu về các phương tiện không phát thải ước tính khoản đầu tư tích lũy vào phần cứng và lắp đặt sạc cho EV toàn cầu sẽ đạt 62 tỷ USD vào cuối năm 2022. Với 28,6 tỷ USD đã được đầu tư chỉ trong năm 2022, chi phí tăng 228% so với năm trước. Trong tổng số tiền đầu tư vào năm 2022, 61% là do hơn 600.000 bộ sạc công cộng được sản xuất tại Trung Quốc.
Đầu tư tích lũy trên toàn cầu có thể sẽ vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2023 nếu Trung Quốc tiếp tục với tốc độ không ngừng thời gian tới. Đó là một cột mốc gợi ý về sự chuyển đổi sang một giai đoạn mới trong vòng đời của lĩnh vực sạc xe điện.
Như Jigar Shah tại Chương trình Cho vay của Mỹ đã nói, 100 tỷ USD vốn được triển khai cho thấy khả năng giải quyết các thách thức mang tính hệ thống của ngành và mở ra khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp cần thiết để cuối cùng đạt quy mô 1 nghìn tỷ USD.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi đang diễn ra. Các nhà máy đang mở rộng quy mô và các cam kết mua hàng đang tăng lên. Bên cạnh đó là một loạt các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng và sự phối hợp trong hệ sinh thái sạc, với các lĩnh vực ô tô, sạc, tiện ích và bán lẻ làm việc cùng nhau.
Không đầu tư mạnh vào trạm sạc có thể gây ra thiếu hụt
Để ngành xe điện phát triển, khuyến khích người dân sử dụng xe điện rộng rãi, việc mở rộng mạng lưới các trạm sạc xe điện tiện lợi được các Chính phủ quan tâm đầu tư. Một số quốc gia châu Âu tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho các tổ chức, doanh nghiệp lắp đặt trạm sạc hoặc hỗ trợ với số tiền lên hàng chục nghìn Euro.
Một báo cáo do hãng kiểm toán Ernst & Young và tổ chức điện lực châu Âu Eurelectric công bố ngày 8/2 cho thấy, châu Âu sẽ cần đến 65 triệu trạm sạc xe điện, gồm 9 triệu trạm sạc công cộng và 56 triệu trạm sạc ở các khu dân cư, để có thể đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực xe điện ngày càng gia tăng trong thời gian tới. Hiện nay đã có khoảng 3,3 triệu xe điện lưu thông trên các đường phố châu Âu.
Theo thống kê, trong năm 2021, cứ 11 xe ô tô mới bán ra tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) thì có 1 xe chạy điện hoàn toàn, tăng 63% so với năm trước đó. Ernst & Young cho rằng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, từ nay đến năm 2030, châu Âu cần có thêm 500.000 trạm sạc xe điện công cộng mỗi năm và sau đó cần có thêm 1 triệu trạm sạc mỗi năm.
Mặc dù các quốc gia trên thế giới đang có nhiều ưu tiên cho việc xây dựng các trạm sạc xe điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tốc độ chuyển dịch đầu tư từ trạm xăng sang trạm sạc xe điện vẫn chậm, và nếu tốc độ phát triển các trạm sạc xe điện như hiện nay khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong một thị trường đang trên đà bùng nổ.
Ước tính đến cuối thập kỷ này, thế giới cần thêm 40 triệu điểm sạc công cộng nữa mới có thể cân bằng cán cân cung-cầu. Số tiền đầu tư mỗi năm từ nay đến 2030 theo đó rơi vào khoảng 90 tỷ USD.
Ngay cả khi tốc độ chuyển đổi không nhanh như dự kiến, thế giới vẫn cần bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng các trạm sạc điện. Theo Bloomberg NEF, nếu doanh số xe điện trong năm 2040 chỉ bằng 1/3 so với năm 2030, các ông lớn vẫn cần chi ra khoảng 600 tỷ USD đầu tư cho các trạm sạc.
Việt Nam không nằm ngoài xu hướng
Dù hiện tại, xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng mới chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ tại Việt Nam, song trước xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới cùng với cam kết về mức phát thải ròng khí nhà kinh bằng 0 vào năm 2050, việc chuyển sang sử dụng xe điện thay cho xe chạy bằng xăng đã trở thành một hướng đi tất yếu mà Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Người tiêu dùng Việt hiện vẫn còn nhiều nghi ngờ khả năng phát triển của xe ô tô điện do thiếu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trạm sạc.
Để giải quyết vấn đề này cho sản phẩm ô tô điện do mình sản xuất, hãng xe điện hàng đầu Việt Nam, VinFast, đã quyết liệt xây dựng mạng lưới trạm sạc với mục tiêu 150.000 cổng sạc tại 3.000 trạm sạc trên toàn quốc. Riêng tại các tỉnh phía Bắc dự kiến sẽ xây dựng khoảng 200 trạm với các trụ sạc được đầu tư có công suất 60kW, 150kW và 300kW. Bên cạnh đó, VinFast còn hợp tác với Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để phát triển trạm sạc tại hệ thống cửa hàng xăng dầu trên cả nước.
Không chỉ có vậy, trước khi những trạm sạc màu xanh lá cây của Vinfast ra đời, từ năm 2017, Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nghiên cứu và chế tạo trạm sạc cho xe điện.
Đến nay, Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung đã lắp đặt trạm sạc cho 13 Công ty Điện lực thành viên và hợp tác thử nghiệm trạm sạc xe điện kết nối với hệ thống điện mặt trời với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL).
Tham khảo: Bloomberg