Đầu tư công khi nào mới “kê cao gối ngủ”?

Hải Sơn | 09:08 23/09/2022

Còn chưa đầy 4 tháng để các bộ, ngành và địa phương thực hiện giải ngân từ 95-100% vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2022, đây là một thách thức lớn. Chuyên cho cho rằng để “kê cao gối ngủ” thì vấn đề chính đó là phải có dự án tốt và các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt.

Đầu tư công khi nào mới “kê cao gối ngủ”?
Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, các đơn vị khó có thể hoàn thành đạt được từ 95-100% tỷ lệ vốn đầu tư công. (Ảnh: Int)

Theo phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 được Quốc hội quyết định tại các Nghị quyết của Quốc hội là hơn 542.105 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là hơn 304.105 tỷ đồng, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022 là 16.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ giải ngân thấp

Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn kế hoạch năm 2022 từ đầu năm đến 31/8/2022 là hơn 212.227 tỷ đồng, đạt 35,49% kế hoạch và đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thống kê cũng cho thấy, có 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45% như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (51,91%), Tiền Giang (63,5%), Thái Bình (57,9%), Phú Thọ (57,2%), Long An (55,1%)…

Có 35/51 Bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó có 27 Bộ và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ giải ngân thấp là một điều cực kỳ lo lắng, ví như tỉnh Quảng Nam tính đến 31/8 giải ngân được hơn 2.534 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. So với bình quân chung cả nước, tỉnh này có tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều dự án tỷ lệ đạt 0%, đây là những dự án tại những vùng khó khăn của tỉnh như đường biên giới nối từ xã Chơn Chun, huyện Nam Giang đến xã Ga Ri và A Xan, huyện Tây Giang (giai đoạn 2); bảo vệ phát triển rừng tỉnh Quảng Nam đến năm 2020; nâng cao năng lực y tế tỉnh Quảng Nam…

Hay như Hà Nội, đến 22/8, toàn thành phố giải ngân được 13.843 tỷ đồng, đạt 27,1% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước. Hà Nội năm 2022 được phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư với 110 dự án. Trong 110 dự án này thì có 67 dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng với số vốn hơn 3.100 tỷ đồng, trong đó dự án có số vốn lớn nhất là 170 tỷ đồng, nhỏ nhất là hơn 2 tỷ đồng. Có 23 dự án đã được bố trí vốn nhưng chưa khởi công.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ, tốc độ giải ngân thấp là điều thực sự lo lắng. Thành phố đã thành lập 6 đoàn công tác, do các phó chủ tịch làm trưởng đoàn để kiểm tra, tháo gỡ, đôn đốc.

Từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Hà Nội giải ngân đạt trên 90%. Tuy nhiên điều này thật khó thực hiện được khi chỉ còn 4 tháng nữa là đến 31/12.

Đánh giá về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp, Bộ Xây dựng cho rằng, riêng ở Bộ này nguyên nguyên nhân vẫn là do biến động về giá nguyên vật liệu, ảnh hưởng của dịch bệnh, một số chủ đầu tư còn lúng túng, chưa quyết liệt triển khai thực hiện, vướng mắc trong cấp thẩm quyền phê duyệt 3 loại quy hoạch quốc gia…

Còn bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng nguyên nhân lớn làm chậm tiến độ giải ngân là năng lực lập dự án còn hạn chế; thực hiện thủ tục đầu tư còn chậm; một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong kiểm tra, đôn đốc; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa quyết liệt và tình trạng một số nhà thầu thi công cầm chừng…

Khó thực hiện mục tiêu

Hôm 31/8, chủ trì cuộc họp về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương trước ngày 5/9 phải tổng hợp, báo cáo danh mục các dự án đầu tư công theo các nhóm. Nhắc lại tình trạng chậm giải ngân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, chỉ còn 120 ngày nữa là hết năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương rà soát và bóc tách được các nhóm dự án thiếu, yếu và chưa thực hiện được. Đồng thời kiên quyết yêu cầu nếu các đơn vị đã nỗ lực hết sức nhưng chưa thể giải ngân được thì đề xuất, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Chính phủ việc điều chuyển vốn cho dự án khác. “Tránh để dàn trải, kéo dài, có tiền mà không tiêu được, trong khi có công trình có thể đẩy nhanh tiến độ thì lại không có tiền”, Phó Thủ tướng nói.

Mới đây ngày 15/9/2022Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.

Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương. Giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.

Đồng thời với đó là quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ đạo các Bộ, ngành tháo gỡ về thủ tục hành chính, hướng dẫn địa phươngthực hiện các nhiệm vụ về xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng; đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022…

Bên cạnh đó, có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Trước đó, trao đổi với MarketTimes xung quanh câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, chúng ta vẫn kỳ vọng giải ngân được, nhưng điều đó phải phụ thuộc và dự án tốt và các dự án được công bố sớm.

Tốt ở đây là đúng mục đích của chương trình, đó là hỗ trợ cho tăng trưởng bền vững, mang tính chất dài hạn hơn trong tương lai, tạo ra không gian tăng trưởng mới, dư địa phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh về logistic, giảm bớt chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, rút ngắn được khoảng cách thị trường từ người sản xuất đến người tiêu dùng và có thể tạo ra mô hình kinh doanh mới.

“Nếu như vội vã và bằng mọi cách giải ngân những dự án này từ nguồn gói chương trình hỗ trợ, không những không phát huy hiệu quả kinh tế từ dự án đó mà thậm chí còn mang lại ghánh nặng cho nền kinh tế trong tương lai. Những vấn đề như thế này dễ là nguồn cơn dẫn đến những sai phạm của nhiều cấp lãnh đạo”, TS. Bình nhấn mạnh.

Như vậy, từ nay đến cuối năm chỉ còn chưa đầy 4 tháng, chỉ tiêu đạt được 95-100% giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một hành trình nan giải. Các bộ, ngành và địa phương khó lòng có thể “kê cao gối ngủ” với chỉ tiêu này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đầu tư công khi nào mới “kê cao gối ngủ”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO