Thị trường chứng kiến giá dầu thô sụt giảm mạnh khi chịu áp lực bởi kỳ vọng về nhu cầu toàn cầu suy yếu và sức mạnh của đồng USD trước khả năng tăng lãi suất lớn, mặc dù những lo lắng về nguồn cung đã hạn chế sự suy giảm.
Dầu thô WTI của Mỹ giảm mạnh 2,42 USD/thùng xuống mức 82,69 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 1,99 USD/thùng, hiện đang ở mức 89,75 USD/thùng.
Hiện tại, đồng USD đang ở mức cao nhất trong hai thập kỷ trước các quyết định tăng lãi suất trong tuần này của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng Trung ương khác.
Đồng USD mạnh hơn làm cho hàng hóa giao dịch bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với những loại tiền tệ khác, có xu hướng đè nặng lên dầu và các tài sản rủi ro khác.
Bên cạnh đó, dòng khí đốt của Nga đến châu Âu qua Ukraine mặc dù đã giảm đi nhiều nhưng vẫn đang tiếp tục.
Việc xuất khẩu nhiên liệu của Nga đã giảm mạnh để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến các chính phủ phải chật vật tìm nguồn năng lượng, đồng thời cảnh báo rằng việc cắt điện có thể xảy ra khiến thị trường châu Âu tăng thêm lo lắng.
Thị trường đang chịu áp lực bởi những dự báo về nhu cầu yếu hơn, chẳng hạn như dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào tuần trước rằng có thể sẽ không có tăng trưởng về nhu cầu trong quý IV.
Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tới khi Trung Quốc nới lỏng lệnh khóa COVID-19 và suy thoái kinh tế sẽ chỉ tạm dừng tăng trưởng trong thời gian ngắn vào cuối năm nay.
Dự báo của IEA về tăng trưởng nhu cầu trong năm nay là 2 triệu thùng/ngày (bpd) chủ yếu tập trung vào nửa đầu năm.
Mặt khác, các nhà phân tích cho biết việc nới lỏng các hạn chế COVID-19 ở Trung Quốc, vốn đã làm giảm triển vọng nhu cầu ở nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai thế giới, cũng có thể mang lại một số tín hiệu tích cực.
Các chính phủ châu Âu đã vạch ra các biện pháp mới để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng trong mùa đông này và chạy đua để cải thiện mạng lưới năng lượng nhằm chia sẻ nguồn điện trong khi dòng khí đốt của Nga vẫn đang giảm nghiêm trọng.
Dữ liệu từ Cơ sở Hạ tầng Khí Châu Âu cho thấy các kho dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đã đầy 85,6%, trong đó dự trữ ở Đức gần 90%.
Chính phủ Đức cho biết họ đang mong đợi ký hợp đồng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Với việc đường ống Nord Stream 1 bị đóng cửa, họ đang có kế hoạch xây dựng các bến LNG mới để vận chuyển khí đốt, trong khi các đối tác châu Âu là Tây Ban Nha và Pháp cũng đang lên kế hoạch dự phòng.
Trên thị trường nội địa, giá bán các mặt hàng xăng dầu trên thị trường sáng ngày 20/9 như sau: Xăng RON 95 giá không cao hơn 23.215 đồng/lít, E5 RON 92 giá không cao hơn 22.231 đồng/lít.
Dầu diesel giá không cao hơn 24.180 đồng/lít, dầu hỏa giá không cao hơn 24.418 đồng/lít, dầu mazut còn 15.039 đồng/kg.
Mức trích lập vào quỹ với xăng vẫn giữ nguyên nhưng tăng với dầu.
Cụ thể, RON 95-III vẫn trích 493 đồng/lít; E5 RON 92 là 451 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel tăng trích lập từ 0 lên 90 đồng/lít, dầu hoả cũng từ 0 đồng lên 200 đồng/lít và dầu mazut tăng 100 đồng/lít lên 741 đồng/kg.
Mặt khác, giá xăng dầu trong nước được dự báo giảm theo đà lao dốc của giá xăng thế giới tại kỳ điều hành ngày mai (21/9).
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 10 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Trong kỳ điều hành tới (21/9), nếu tiếp tục được giảm thì giá xăng bán lẻ trong nước sẽ về bằng mức giá của tháng 10 năm ngoái.