Đầu cơ thổi giá đất làm nhiễu loạn thị trường, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát

Lê Sáng | 10:42 13/09/2024

Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát hiện tượng tung tin đồn, đầu cơ mua đi bán lại thổi giá làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Đầu cơ thổi giá đất làm nhiễu loạn thị trường, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát
Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu kiểm soát nạn đầu cơ, thổi giá đất làm nhiễu loạn thị trường. Ảnh minh họa.

Trong văn bản vừa gửi các địa phương, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản thời gian qua chưa phát triển bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Trong đó, thị trường có tình trạng nhà đầu tư, môi giới tung tin đồn thổi, mua đi bán lại "gây nhiễu loạn thông tin để đẩy giá lên cao nhằm trục lợi".

Gần đây nhất, một số phiên đấu giá đất có giá trúng cao gấp nhiều lần khởi điểm. Bộ cho rằng điều này làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Tại Hà Nội, giá chung cư ở một số dự án hay nhà riêng lẻ tại các khu vực Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoài Đức... tăng cao "bất thường" so với tình hình thị trường và nhu cầu người dân. Báo cáo quý II của Bộ cho thấy giá chung cư trong tăng khoảng 5-6,5% so với ba tháng đầu năm. Đà tăng mạnh 28-33% tập trung ở một số dự án cũ, hoạt động nhiều năm. Thậm chí, một số khu tái định cư cũng tăng giá 20% theo năm. Một số dự án căn hộ mở bán mới ở Hà Nội thời gian qua có giá từ 55 triệu đồng một m2.

Tuy nhiên, giá chung cư leo thang được Bộ Xây dựng đánh giá "chỉ xảy ra trong một giai đoạn ngắn" và có dấu hiệu chững lại vào cuối quý II. Bởi lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ đã sụt giảm 30% so với đầu năm, do nền giá cao và người mua giữ tâm lý chờ đợi.

Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương kiểm soát việc mua đi bán lại, sang tay bất động sản nhiều lần, đặc biệt tại các khu vực, dự án, khu chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường. Nếu có hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ, các địa phương cần có biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu rà soát công tác tổ chức đấu giá đất, quản lý chặt chẽ việc phân lô bán nền nhằm hạn chế tình trạng "thổi giá" gây nhiễu loạn thị trường.

Chỉ đạo của Bộ Xây dựng được đưa ra giữa bối cảnh thời gian gần đây, các phiên đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội thu hút hàng nghìn hồ sơ đăng ký với mức giá trúng cao "bất thường", lên đến 133 triệu đồng/m2; phân khúc chung cư tiếp tục được đẩy giá và ngày càng "neo" cao, vượt khả năng chi trả của người dân.

dau-gia-dat-thanh-oai.jpg
Các lô đất trúng đấu giá với giá cao "bất thường" tại các huyện ngoại thành Hà Nội vừa qua thường được rao bán ngay khi chưa nộp đủ tiền để ăn chênh lệch.

Trong Công điện ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Nghị định số 96 có hiệu lực từ ngày 1/8 bổ sung các biện pháp nhằm điều tiết thị trường. Cụ thể, các Bộ, ngành và địa phương sẽ đề xuất các giải pháp điều tiết thị trường khi giá bất động sản tăng hoặc giảm trên 20% trong 3 tháng.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc biến động giá trên thị trường địa ốc chịu sự chi phối của yếu tố cung - cầu nên khó có thể can thiệp bằng mệnh lệnh để thay đổi giá của giao dịch.

Trước đó, bàn về giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản, tham luận tại Diễn đàn KT-XH 2023 do Quốc hội tổ chức, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản là 01 trong 21 ngành kinh tế “bậc 1” là nhóm có quy mô lớn nhất, có tính lan tỏa rất lớn trong 05 nhóm ngành kinh tế (từ bậc 1 - bậc 5) với tổng số 1.571 ngành kinh tế của cả nước. Trong đó, hoạt động của lĩnh vực bất động sản nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân và nhà đầu tư nước ngoài thường trú, đồng thời phải bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho tầng lớp “người yếu thế” trong xã hội là người nghèo, người có thu nhập thấp đô thị, để đảm bảo “quyền có chỗ ở” của công dân được quy định trong Hiến pháp 2013.

Theo đó, đề xuất giải pháp căn cơ phát triển bền vững thị trường bất động sản, ông Châu cho rằng giải pháp bao trùm là quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Bên cạnh đó, cũng theo vị Chủ tịch HoREA, rất cần thiết sớm xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách thuế để điều tiết thị trường bất động sản.

Theo đó, thuế là một công cụ rất sắc bén, rất hiệu lực, hiệu quả để điều tiết thị trường bất động sản khi có dấu hiệu bất ổn như xuất hiện sốt nóng bong bóng, có dấu hiệu đầu cơ, hoặc trầm lắng, có dấu hiệu suy thoái, đóng băng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đầu cơ thổi giá đất làm nhiễu loạn thị trường, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO