Đạo đức hành nghề, yếu tố quyết định thành - bại trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá

Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam | 13:18 08/06/2023

“Ngành nghề nào trong xã hội cũng cần thiết và nhất thiết phải có đạo đức nghề nghiệp, bởi nó không chỉ xuất phát từ yêu cầu khách quan của xã hội mà còn là đòi hỏi yêu cầu quản lý Nhà nước vì chính lợi ích của ngành nghề và lợi ích của cộng đồng…”, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) nhấn mạnh trong bài viết về “đạo đức hành nghề trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá”.

Đạo đức hành nghề, yếu tố quyết định thành - bại trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá
Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Thẩm định giá (TĐG) là một nghề cung ứng dịch vụ TĐG cho khách hàng cũng có yêu cầu đạo đức nghề nghiệp riêng. Đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động TĐG chính là những quy tắc, chuẩn mực của nghề nghiệp TĐG được Nhà nước quy định buộc các thẩm định viên về giá, các doanh nghiệp TĐG phải thực hiện để tạo ra những phẩm chất cần có, lương tâm nghề nghiệp tận tâm, tận tụy với công việc, không vụ lợi, thái độ ứng xử, trách nhiệm với công việc, với nghề, với sản phẩm dịch vụ mình làm ra.

Đạo đức hành nghề TĐG cung cấp những quy tắc chi phối các thẩm định viên về giá, các doanh nghiệp TĐG không chỉ dừng lại ở việc phải hành động, ứng xử, cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của các khách hàng TĐG thuộc các thành phần kinh tế mà còn phải tuân thủ các quy định về đạo đức hành nghề vì lợi ích chung của toàn xã hội. Tuân thủ đạo đức hành nghề trong hoạt động thẩm định giá sẽ đưa lại những lợi ích thiết thực cho hoạt động TĐG như: sẽ nâng cao được chất lượng hoạt động TĐG, được xã hội nhìn nhận, đánh giá các thẩm định viên về giá, các doanh nghiệp TĐG có chuẩn mực đạo đức trong nghề, từ đó nâng cao được hình ảnh, danh tiếng và uy tín trên thị trường, giảm thiểu được các rủi ro và các nguy cơ bất ổn tiềm tàng có thể xảy ra đối với thẩm định viên về giá và doanh nghiệp TĐG. Chỉ khi nào các TĐG, các doanh nghiệp TĐG quán triệt nhuần nhuyễn, sâu sắc việc thực hiện tốt đạo đức hành nghề đó là sự “sống còn” là “thành bại” thì hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG của mình mới phát triển bền vững.

Thực trạng của việc tuân thủ đạo đức hành nghề trong hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG ở nước ta.

TĐG ở nước ta là một ngành nghề ra đời muộn hơn so với nhiều ngành nghề khác trong nền kinh tế. Nó chỉ được hình thành từ sau khi Việt Nam chuyển nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường, đi liền với nó là chuyển cơ chế giá do Nhà nước định đoạt áp đặt sang cơ chế giá thị trường. Từ đặc điểm và thực tiễn của ngành nghề, lần đầu tiên năm 2005 Bộ Tài chính đã ban hành Tiêu chuẩn Thẩm định giá số 3 về “Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá tài sản”.

Tiêu chuẩn này được ban hành thời điểm đó khi Luật Giá chưa được ban hành, do đó hạn chế của Tiêu chuẩn này là chưa xác định các chuẩn mực về “trình độ chuyên môn” thuộc chuẩn mực đạo đức hành nghề, do đó Tiêu chuẩn này được thi hành đến năm 2014 thì Bộ Tài chính đã tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng Tiêu chuẩn số 1: “Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá” ban hành kèm theo Thông tư số 158/2014/TT-BTC ngày 27/10/2014. Tiêu chuẩn số 1 đã kế thừa tính hợp lý một số nội dung của Tiêu chuẩn số 3 và sửa đổi bổ sung một số điểm mới như: Xác định “Tiêu chuẩn chuyên môn” thuộc chuẩn mực đạo đức; Nội hàm của các chuẩn mực được bổ sung rõ hơn theo quy định của Luật Giá ban hành năm 2012. Các nguyên tắc đạo đức bao trùm của Tiêu chuẩn số 1 là: Độc lập; Chính trực; Khách quan; Bảo mật; Công khai, minh bạch; Năng lực chuyên môn và tính thận trọng; Tư cách nghề nghiệp; Tuân thủ tiêu chuẩn chuyên môn.

Những chuẩn mực đạo đức hành nghề TĐG tại Tiêu chuẩn số 1 nêu trên đã đặt ra các yêu cầu rất đúng về trách nhiệm của thẩm định viên và doanh nghiệp trong việc phải điều chỉnh các mối quan hệ với pháp luật, mối quan hệ với khách hàng, xác định hành vi ứng xử của bản thân và mối quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp… Tuy đó chỉ là những định hướng, không có định lượng, thước đo cụ thể, nhưng những quy định được nêu ra là khá rõ ràng: những công việc nào bắt buộc thẩm định viên phải tuân thủ và những công việc nào thẩm định viên và doanh nghiệp không được làm thống nhất với những quy định có tính định lượng của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn Luật Giá về định giá và TĐG, đặc biệt là các thước đo chấm điểm chất lượng hoạt động TĐG do Bộ Tài chính ban hành.

Thực tiễn thực thi Tiêu chuẩn này cho thấy Tiêu chuẩn không chỉ phù hợp với điều kiện hoạt động hành nghề TĐG ở nước ta mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính nó đã tạo ra một hành lang pháp lý cần thiết để thẩm định viên về giá, doanh nghiệp TĐG có thể thực hiện công việc với chất lượng cao, tuân thủ pháp luật và cung ứng dịch vụ TĐG tốt nhất cho khách hàng TĐG.

Nhìn chung, trong quá trình hành nghề những năm qua, đại đa số các thẩm định viên, các doanh nghiệp TĐG đều tuân thủ đúng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, vì vậy được khách hàng tín nhiệm, xây dựng được thương hiệu trên thị trường, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững. Kết quả chấm điểm chất lượng TĐG sau kiểm tra đối với các doanh nghiệp TĐG của Bộ Tài chính hàng năm đã chứng minh điều đó.

Kết quả chấm điểm xếp hạng doanh nghiệp TĐG từ 1/1/2018 đến 31/3/2020 của Bộ Tài chính công bố đối với 193 công ty thì có 184 công ty đạt từ 50/100 điểm trở lên (chiếm 95,34%), trong đó số công ty có điểm chấm từ 60 đến 80 điểm đạt 72%.

Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như trên thì việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức hành nghề TĐG cũng đã bộc lộ những yếu kém, vi phạm thậm chí xảy ra những tiêu cực về đạo đức nghề nghiệp đã được các cơ quan thanh tra kiểm tra phát hiện chỉ rõ, một số vụ việc đã bị cơ quan pháp luật khởi tố hình sự… Các vụ việc vi phạm, sai phạm xảy ra không nhiều, không mang tính đại diện cho ngành nghề, cho các thẩm định viên và các doanh nghiệp TĐG chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng lại là các vụ việc sai phạm được coi là mang tính điển hình khá “nhức nhối”, bị thổi phồng “nổi tiếng xấu” trong dư luận xã hội mà các phương tiện thông tin đại chúng đã “bêu” tên, xã hội lên án.

Những sai phạm đó đã gây ra những tác hại không nhỏ, bởi nó làm mất uy tín của ngành nghề, giảm sút lòng tin của xã hội về năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp và làm thiệt hại ngay đến lợi ích của chính các doanh nghiệp TĐG … Chính vì những sai phạm xảy ra, ngoài việc một số thẩm định viên, giám đốc doanh nghiệp vướng vào “vòng lao lý”; Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã phải thu hồi giấy phép hành nghề của một số thẩm định viên, của doanh nghiệp và đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ TĐG của một số doanh nghiệp. Thị trường TĐG thời gian qua bị “rung lắc” dữ dội nhất là giai đoạn diễn ra dịch Covid – 19 – tâm lý hoang mang, lo lắng về những rủi ro của nghề bao trùm lên toàn ngành.

Nguyên nhân dẫn đến sai phạm về thực hiện đạo đức

Nguyên nhân dẫn đến những sai phạm – nhiều trường hợp có thể được coi là suy thoái về đạo đức hành nghề trong hoạt động TĐG thời gian qua bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng quyết định là nguyên nhân chủ quan; cụ thể:

Nguyên nhân khách quan:

- Những “mặt trái” của cơ chế thị trường kích thích chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý đã tác động mạnh đến nhận thức, tư duy và hành động của nghề. Mặt khác do những sức ép của cuộc sống mưu sinh mà một số thẩm định viên, lãnh đạo Công ty TĐG bất chấp cả những quy định hiện hành, sẵn sàng tiến hành các công việc trái pháp luật để vụ lợi.

- Thị trường TĐG, đặc biệt là thông tin TĐG thiếu công khai, minh bạch, nhiễu loạn làm cho quá trình thu thập, phân tích và xử lý thông tin của các thẩm định viên gặp khó khăn, thậm chí sai lệch.

- Một số nội dung quy định của pháp luật về TĐG còn chưa rõ ràng, chặt chẽ cùng một vấn đề nhưng ở mỗi góc độ khác nhau có thể hiểu khác nhau; nặng định tính, thiếu định lượng; có những nội dung về TĐG tài sản còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo. Thể chế kiểm soát cạnh tranh “không lành mạnh” trong hoạt động TĐG chưa hoàn thiện; Cơ chế kiểm soát đạo đức hành nghề đối với các thẩm định viên chưa đầy đủ.

- Doanh nghiệp TĐG tăng nhanh về số lượng nhưng quy mô nhỏ, đầu tư các nguồn lực cho TĐG hạn chế, năng lực quản trị còn bất cập. Số lượng thẩm định viên về giá tăng, nhưng chất lượng còn hạn chế (cả năng lực, đạo đức kinh doanh, ý thức cạnh tranh).

Nguyên nhân chủ quan:

- Cái tâm không sáng của người làm thẩm định có thời cơ là trỗi dậy, đó là sự thiếu gương mẫu của những người đứng đầu doanh nghiệp; sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện của các thẩm định viên trước sự cám dỗ vật chất trong quá trình hành nghề.

- Trình độ, năng lực nhận thức của các thẩm định viên thông qua nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, quyền và nghĩa vụ của mình còn hạn chế; mức độ tự giác thực hiện các quy định làm việc của Công ty, các quy tắc chuẩn mực đạo đức hành nghề không cao.

- Công tác giáo dục đạo đức hành nghề của nhiều doanh nghiệp đối với các thẩm định viên chưa làm thường xuyên; Chưa xây dựng đạo đức hành nghề thành nếp văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp; Đồng thời chưa xây dựng được cơ chế kiểm soát đạo đức hành nghề trong hoạt động nghề nghiệp của doanh nghiệp.

Giải pháp chấn chỉnh, nâng cao đạo đức hành nghề

Về phía Nhà nước:

- Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý về hoạt động TĐG nói chung trên cơ sở rà soát các quy định hiện hành để sửa đổi bổ sung cho phù hợp nhất là các Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam, xử lý những nội dung hướng dẫn có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các ngành. Xây dựng và Ban hành Quy chế kiểm soát “cạnh tranh không lành mạnh” trong hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG. Quy định bắt buộc các doanh nghiệp TĐG phải xây dựng, ban hành cơ chế kiểm soát thực thi đạo đức hành nghề của doanh nghiệp phù hợp với Quy định chung của Bộ Tài chính và coi đó là một điều kiện để bảo đảm đủ điều kiện hành nghề hàng năm của doanh nghiệp.

- Thường xuyên cập nhật việc thực thi các chuẩn mực đạo đức hành nghề của các thẩm định viên, các doanh nghiệp để xây dựng nội dung đưa vào chương trình cập nhật kiến thức hàng năm.

- Phối hợp với Hiệp hội ngành nghề, với khách hàng xây dựng và thường xuyên kiểm tra việc thực thi cơ chế giám sát, kiểm soát đạo đức hành nghề; thực thi hoạt động đảm bảo chất lượng hoạt động TĐG.

Về phía các doanh nghiệp TĐG:

- Xây dựng và Ban hành Quy chế, cơ chế kiểm soát thực thi đạo đức hành nghề của doanh nghiệp. Xây dựng một chế độ, phương pháp quản lý có hiệu quả và môi trường TĐG chuyên nghiệp, công khai, minh bạch.

- Có chính sách đãi ngộ, trọng dụng người giỏi, bố trí sắp xếp công việc hợp lý, đúng người, đúng việc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

- Thường xuyên giáo dục đạo đức hành nghề cho các thẩm định viên bằng các hình thức thích hợp.

Về phía thẩm định viên:

- Phải tự tu dưỡng, rèn luyện xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về TĐG.

- Tự giác và tích cực tham gia đầy đủ các chương trình cập nhật kiến thức về đạo đức nghề nghiệp do Bộ Tài chính và doanh nghiệp tổ chức.

Tổng hợp những vi phạm, sai phạm về đạo đức hành nghề thẩm định giá:

1. Cạnh tranh “không lành mạnh” về giá dịch vụ TĐG giữa các doanh nghiệp; vi phạm tư cách nghề nghiệp trong hoạt động TĐG. Thực tế thị trường TĐG ở nước ta thời gian gần đã bước đầu phát triển hơn, số lượng doanh nghiệp TĐG được thành lập mới nhiều hơn… Để giành giật thị trường và khách hàng TĐG, bên cạnh đại đa số các doanh nghiệp vẫn tổ chức hoạt động có bài bản, nghiêm túc thì đã xuất hiện những doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cạnh tranh về giá dịch vụ TĐG “thiếu lành mạnh” thông qua các công cụ như:

- Chào giá dịch vụ thẩm định giá cho khách hàng TĐG ở mức thấp bất hợp lý đi liền với việc thỏa thuận ngầm về chiết khấu, hoa hồng với khách hàng yêu cầu TĐG tài sản, thậm chí chấp nhận lỗ có chủ đích loại bỏ các doanh nghiệp khác để được lựa chọn các nhu cầu TĐG các lần tiếp theo.

- Sẵn sàng chấp nhận điều kiện của khách hàng không tuân thủ đầy đủ quy trình TĐG, được xác định với vai trò giúp sức thậm chí thông đồng với khách hàng nhất là khách hàng TĐG tài sản Nhà nước để TĐG không đúng giá trị thật của tài sản cho chủ trương mua sắm mới và TĐG cho chủ trương bán, thanh lý tài sản Nhà nước làm thất thoát tài sản Nhà nước.

- Cung ứng giá dịch vụ TĐG với mức giá thỏa thuận đi kèm với cung ứng một loại dịch vụ tư vấn khác không thu tiền; Quảng cáo, giới thiệu về đơn vị mình không đúng sự thật kết hợp tung tin thất thiệt về giá dịch vụ của doanh nghiệp khác, để lôi kéo khách hàng về phía mình.

2. Không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về TĐG vi phạm các nguyên tắc độc lập, chính trực, khách quan trong hoạt động TĐG, vô tình biến mình thành đồng phạm, giúp sức khách hàng TĐG “Đẩy cao hoặc hạ thấp bất thường giá trị tài sản là thủ thuật được các công ty TĐG áp dụng, gây thất thoát nặng nề về tài sản Nhà nước, nhiều sai phạm như vậy đã bị phanh phui trong năm nay khiến một số cá nhân phải chịu các hình thức kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý”.

- TĐG cho mục đích bán tài sản Nhà nước với giá thấp, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Đã có nhiều vụ sai phạm trong quá trình thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Công An chỉ rõ trong những năm qua với nguyên nhân mấu chốt là quá trình TĐG làm thất thoát tài sản Nhà nước.

- Thẩm định giá cho mục đích mua sắm tài sản Nhà nước với giá cao, cao hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản đặc biệt trong đấu thầu, đấu giá… tạo điều kiện cho một số đối tượng tha hóa tham nhũng…

3. TĐG ban hành Chứng thư, Báo cáo kết quả TĐG với mức giá theo yêu cầu, theo “mong muốn” được “kê giá”, được định giá theo giá chỉ định sẵn của khách hàng, thậm chí gian dối, cấu kết với khách hàng làm sai lệch hồ sơ để “thổi giá” cao hơn nhiều giá trị thực, tiếp tay cho mưu đồ của khách hàng TĐG tham nhũng, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

4. Lợi dụng việc TĐG tài sản để vụ lợi bất chính ngoài giá dịch vụ TĐG thông qua các hành vi như vòi vĩnh lợi ích với khách hàng cho riêng mình, “xin tiền cà phê”, thậm chí đề nghị nâng thêm giá tài sản cao hơn giá trị thực tạo ra chênh lệch giá so với giá thị trường của tài sản để “cưa” khoản chênh lệch đó với khách hàng TĐG…

5. Năng lực chuyên môn của các thẩm định viên về giá tại hầu hết các vụ việc TĐG bị các cơ quan thanh kiểm tra, Công an phát hiện có sai phạm đều được kết luận yếu kém do áp dụng chưa đúng, thậm chí sai đối với các quy định, các hướng dẫn hiện hành, nhất là quy trình thẩm định giá, các Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam quy định về các cách tiếp cận và lựa chọn các phương pháp TĐG …

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tin liên quan
Có thể bạn quan tâm
Đạo đức hành nghề, yếu tố quyết định thành - bại trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO