Cụ thể, ông Ngô Gia Cường chỉ ra: Tại khoản 11, Điều 4 Dự thảo Luật Giá quy định; “11. Định giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quyết định giá của hàng hóa, dịch vụ tại một thời điểm.”. Còn tại Điều 8, Chương II Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá quy định Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định 8 quyền được định giá.
Tuy nhiên đến Điều 22 quy định Nguyên tắc định giá lại đưa ra nguyên tắc đều vi phạm đến quyền tự do định giá của tổ chức, cá nhân như sau:
“1. Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý; lợi nhuận (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường, cung cầu hàng hóa, dịch vụ và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.
2. Bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng.
3. Xem xét điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.”
Các nội dung này đang xây dựng chủ yếu hướng tới quản lý định giá Nhà nước, theo đó các quy định có hướng gắn với "chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ", tức là Nhà nước có can thiệp trong các trường hợp cần thiết như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, định hướng phát triển bằng các công cụ hữu hiệu về quản lý giá Nhà nước (bình ổn giá, điều tiết giá bằng các chính sách vĩ mô …) để điều chỉnh mặt bằng giá cả của các mặt hàng thiết yếu trong từng trường hợp cụ thể không tuân theo nguyên tắc thị trường.
Ông Ngô Gia Cường nhấn mạnh: Dự thảo đang quy định chung chung về nguyên tắc định giá nhưng nghiêng về định giá Nhà nước nên không phù hợp với nguyên tắc định giá của doanh nghiệp; chưa thể hiện được phần còn lại của hoạt động định giá do tổ chức, cá nhân độc lập quyết định vì mục đích lợi nhuận và do thị trường quyết định. Do đó khi đọc và phân tích theo khía cạnh này cho thấy các quy định trong Dự thảo gần như chưa đề cập tới nguyên tắc, căn cứ định giá và phương pháp định giá hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo đúng khái niệm bình đẳng về quyền quyết định giá hàng hoá thuộc quyền sở hữu tư nhân (khi chưa bán).
Nguyên tắc định giá của chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là bù đắp chi phí và đảm bảo lợi nhuận kỳ vọng và phải đảm bảo nguyên tắc thị trường về cạnh tranh, cung cầu; Trong một số trường hợp các thành phần kinh tế có thể điều chỉnh giá cho phù hợp với chiến lược kinh doanh nhằm các mục đích quảng bá, giảm lỗ, cơ cấu lại hàng hoá, sản phẩm tồn kho … tất nhiên là không được vi phạm các quy định của pháp luật về chống bán phá giá.
Nếu phân tích sâu vào từng điều khoản về Nguyên tắc định giá sẽ thấy sự bất hợp lý như sau:
Quy định “lợi nhuận (nếu có) phù hợp với mặt bằng thị trường” là tước đi quyền chủ động của doanh nghiệp, cụ thể như: các tài sản có yếu tố hình thành giá chủ yếu là giá trị vô hình như:
- Giá trị quyền sở hữu trí tuệ thường có chi phí lớn, rủi ro cao, tuổi đời sản phẩm thấp nên phải thực hiện phân bổ chi phí không chỉ giá trị hình thành trực tiếp nên tài sản mà phải phân bổ cả các chi phí nghiên cứu không thành công. Các chi phí nghiên cứu thường có tuổi đời kinh tế thấp do dễ bị coppy, sao chép lại để cạnh tranh trực tiếp nên giá trị phân bổ trong thời gian rất ngắn dãn đến giá thành toàn bộ (giá bán) cao. Những loại tài sản này thường là lần đầu tiên xuất hiện nên không thể xác định được “lợi nhuận phù hợp với mặt bằng thị trường, cung cầu hàng hóa, dịch vụ và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.”. Đây là một cụm từ chỉ kiến thức quá rộng, chỉ phù hợp với định giá thuộc thẩm quyền của quản lý Nhà nước về các mặt hàng thiết yếu liên quan đến quốc kế dân sinh như: an ninh lương thực, năng lượng …, không phù hợp với mô hình doanh nghiệp khi xác định lợi nhuận mong muốn phù hợp với khả năng tài chính, đánh giá tiềm năng thị trường … cùng với chấp nhận rủi ro (giá cao không bán được) chứ không có đủ thông tin thống kê để đánh giá thị trường cả về chiều rộng cũng như chiều sâu, hay chủ trương chính sánh của Nhà nước tại từng thời kỳ được.
Hơn nữa quy mô hệ thống phân phối, hậu mãi, chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp khác nhau cũng quyết định đến giá bán khác nhau hay giá trị thương hiệu càng cao thì giá bán càng cao so với sản phẩm dùng loại.
Ví dụ như: đối với những mặt hàng tiêu dùng giá vốn hàng hóa càng rẻ thì tỷ suất lợi nhuận càng cao, thậm chí là cao nhiều lần trên giá vốn như nước trà đá hay mua lẻ cay kim, sợi chỉ … Mỗi chiếc giày NIKE bán tại Việt Nam có giá trị thương hiệu là 50% trên giá bán hay mỗi khi điện thoại của các hàng lớn như Iphone, Samsung mỗi khi mới ra mắt thị trường sẽ chào giá gấp đôi đến gấp ba lần so với sau đó chỉ khoảng 01 năm; hoặc mới đây như thương hiệu % Arabica thuộc chuỗi cà phê nổi tiếng đến từ Nhật Bản mới khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, một hãng có menu “nước lọc, cũng phải trả tới... 70.000 đồng” ...
Việc luật hóa nguyên tắc phải dựa trên thực tiễn với lý thuyết, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của tát cả các dối tượng điều chỉnh, tức là quy định càng ít cảm tính, càng dễ áp dụng; quy định phải xuất phát từ lý thuyết nhưng phải phù hợp với tập quán thương mại và nguyên tắc đào thải tự nhiên của kinh tế thị trường là tự quyết, tự chịu trách nhiệm, nếu bán rẻ, tiêu thụ nhanh thì đòi hỏi phải có mạng lưới phân phối có sẵn, tiếp thị quảng cáo mạnh, sản phẩm tốt, hậu mãi chu đáo để khẳng định bản thân và giữ vững thị trường nhưng đối mặt với tuổi đời kinh tế của sản phẩm ngắn do dễ bị sao chép, đạo nhái; nếu bán đắt có thể sẽ không bán được trong khi vẫn mất chi phí quảng cáo bán hàng, quảng cáo cho các sản phẩm đạo nhái, có chức năng tương tự…
Ông Ngô Gia Cường cho rằng: Việc quy định về lợi nhuận phải theo mặt bằng chung vô hình chung triệt tiêu khả năng nhận định chủ quan, chớp cơ hội của những người có khả năng nhanh nhạy trong dự báo thị trường, cụ thể như trong đại dịch Covid, khi giá khẩu trang bán đến gấp 10 lần so với giá nhập vào vẫn không có hàng để bán nhưng cuối dịch không ít tổ chức, cá nhân phá sản vì dự báo sai nhu cầu khi ôm vào khối lượng quá lớn trong khi thị trường đã bão hòa, người dân tích trữ nhiều chưa dùng hết hay các khái niệm về đầu cơ, kinh doanh chộp giật, lướt sóng là một phần tất yếu của nền kinh tế thị trường, xã hội Việt Nam vẫn còn tồn tại thái độ kỳ thị đối với nhưng thành phần kinh tế từ thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung với tên gọi là con phe, thậm chí họ bị tạm giữ, đưa lên báo chí vì bán vé xem đá bóng, vé tàu … trong khi pháp luật không có quy định nào cấm cụ thể.
Tại Khoản 2 Điều 30 về Niêm yết giá quy định“Kịp thời xem xét điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.”. Giá bán là yếu tố sống còn, đánh giá mức độ chuyên nghiệp, để doanh nghiệp có thể tồn tại mà không cần phải luật hóa để đảm bảo tính cạnh tranh. Không doanh nghiệp nào tồn tại và phát triển được nếu ngủ ngon trên chiến thắng, quên đi đánh giá, nhận định thị trường trên cơ sở số liệu thống kê về tiêu thị sản phẩm, biến động thị trường do nguồn nguyên vật liệu hay có yếu tố cạnh tranh để tự đánh mất thị trường.
Nếu nghiên cứu toàn bộ Mục 2 Chương IV quy định về Định giá của Dự thảo (từ điều 21 đến điều 24) sẽ thấy dự thảo Luật chỉ nhằm quy định về hoạt động định giá của Nhà nước đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nếu áp các quy định này cho doanh nghiệp, người am hiểu kinh tế sẽ thấy dường như chỉ có thể áp dụng cho doanh nghiệp Nhà nước có tính bó buộc, hỗ trợ chính sách theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”, với nguyên tắc phi lợi nhuận, vì “lợi nhuận” của bên bán trong dự thảo thường được kèm theo từ “(nếu có)”, doanh nghiệp không được chủ động trong việc định giá như khái niệm nêu tại Khoản 9 điều 4 của Dự thảo.
"Nếu quyền quyết định giá bán hàng hóa dịch vụ không được quy định mở cho doanh nghiệp sẽ không thể tạo thế chủ động và doanh nghiệp khi sản xuất ra hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra thị trường luôn luôn e ngại với quy định của Luật và các thương hiệu mạnh của nước ngoài khi chính thức bán hàng hóa khi xâm nhập thị trường Việt Nam sẽ luôn phạm luật, hay luật chỉ dành cho doanh nghiệp Việt Nam là câu hỏi đặt ra cho những người xây dựng luật. Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét bổ sung các quy định về định giá đối với đối tượng là tổ chức cá nhân (người bán) để đảm bảo phù hợp với quyền sở hữu tài sản quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 trong đó Quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật", ông Ngô Gia Cường nhấn mạnh trong bài viết của mình.