Chủ tịch Sagonap: Phải làm rõ nghĩa nhiều thuật ngữ về thẩm định giá trong dự thảo Luật giá (sửa đổi)

Nguyên Trang - Mạnh Đại | 18:31 31/03/2023

Đó là ý kiến tham luận góp ý của ThS.Nguyễn Xuân Trường - Ủy viên BCH Hội Thẩm định giá Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giám định Thẩm định Sài Gòn (Sagonap) tại hội Hội thảo “Lấy ý kiến chuyên đề các nội dung dự thảo Luật giá (sửa đổi) về thẩm định giá” diễn ra tại TP.HCM vào chiều 31/3.

Chủ tịch Sagonap: Phải làm rõ nghĩa nhiều thuật ngữ về thẩm định giá trong dự thảo Luật giá (sửa đổi)
ThS.Nguyễn Xuân Trường - Ủy viên BCH Hội Thẩm định giá Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giám định Thẩm định Sài Gòn (Sagonap).

Chia sẻ tại hội thảo, ThS.Nguyễn Xuân Trường - Ủy viên BCH Hội Thẩm định giá Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giám định Thẩm định Sài Gòn (Sagonap) cho biết hoàn toàn nhất trí với dự thảo sửa đổi Luật giá năm 2023. Tuy nhiên, theo đại diện Sagonap vẫn còn nhiều thuật ngữ tại dự thảo sửa đổi Luật giá năm 2023 cần điều chỉnh để phù với với thực tế.

Cụ thể, ThS.Nguyễn Xuân Trường Ủy viên BCH Hội Thẩm định giá Việt Nam - Công ty CP Giám định Thẩm định Sài Gòn (Sagonap) đề xuất: Thứ nhất, đề nghị bổ sung thêm vào Điều 4 định nghĩa Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá “Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá là số tiền ước tính của tài sản hoặc khoản tiền phải trả có thể được giao dịch tại thời điểm thẩm định giá giữa người sẵn sàng mua và người sẵn sàng bán trong môi trường giao dịch khách quan, độc lập sau khi được tiếp thị đầy đủ và các bên tham gia hành động có hiểu biết, thận trọng và không bị ép buộc. Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá là mức giá giao dịch phổ biến trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá”.

“Việc bổ sung này là cần thiết để phân biệt giá thị trường trong thẩm định giá với giá giao dịch của một trường hợp cụ thể đặc thù nào đó trên thị trường” đại diện Sagonap trình bày.

Thứ hai, đề nghị bổ sung thêm tại Khoản 20 Điều 4 như sau: “Thông đồng về giá, thẩm định giá với người có liên quan, hoặc can thiệp vào việc thẩm định giá của đơn vị tư vấn thẩm định giá để trục lợi” cho đầy đủ hơn.

Thứ ba, đề nghị điều chỉnh bổ sung tại Điều 7 “Các hành vì bị nghiêm cấm” như sau: Tại Điểm C Khoản 5 như sau: “Chỉ đạo, can thiệp vào hoạt động thẩm định giá làm ảnh hưởng đến tính độc lập về chuyên môn của doanh nghiệp tư vấn thẩm định giá để trục lợi” cho đầy đủ hơn.

Nguyên nhân là do các thành viên hội đồng có quyền ngang nhau trong việc đưa ra ý kiến và biểu quyết cũng như có quyền bảo lưu ý kiến nên Hội đồng không thể chỉ đạo hay can thiệp vào hoạt động thẩm định giá của các thành viên mà chỉ có thể chỉ đạo, can thiệp đến hoạt động của doanh nghiệp tư vấn thẩm định giá.

Ngoài ra, đề nghị Bổ sung vào Khoản 6 nội dung: “Chỉ đạo, can thiệp vào hoạt động thẩm định giá làm ảnh hưởng đến tính độc lập về chuyên môn của doanh nghiệp tư vấn thẩm định giá để trục lợi” cho đầy đủ và đồng bộ.

Thứ tư, đề nghị bổ sung thêm tại Khoản 5 Điều 7 đối với Hội đồng thẩm định giá: “Chịu trách nhiệm về việc sử dụng kết quả của đơn vị tư vấn”.

Bởi vì, Hội đồng định giá vẫn phải chịu trách nhiệm xem xét việc sử dụng phương pháp thẩm định giá và áp dụng các quy định về thẩm định giá trong Báo cáo kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn có đúng theo quy định của Nhà nước hay không.

Thứ năm, đề nghị bổ sung từ “tư vấn” tại Khoản 1 Điều 4 về Hoạt động thẩm định giá. “Hoạt động thẩm định giá gồm hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn thẩm định giá và hoạt động thẩm định giá nhà nước”.

Thứ sáu, đề nghị bổ sung điều chỉnh tại Khoản 1 Điều 45 “Thẻ thẩm định viên về giá” như sau: “Thẻ thẩm định viên về giá là chứng nhận chuyên môn trong lĩnh vực thẩm định giá bất động sản và động sản hữu hình hoặc thẩm định giá doanh nghiệp, các khoản nợ, công cụ tài chính và tài sản vô hình cấp cho người đạt yêu cầu tại kỳ thi thẩm định viên về giá”.

Theo trình bày của Ủy viên BCH Hội Thẩm định giá Việt Nam - Công ty CP Giám định Thẩm định Sài Gòn cho hay, việc điều chỉnh này là cần thiết, vì nội dung lĩnh vực tài sản theo Điều 105 Bộ Luật Dân sự đã bao gồm cả doanh nghiệp, giấy tờ có giá, tài sản vô hình.

Thứ bảy, tại Điều 48. Quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá: Đề nghị bổ sung thêm: Quyền của thẩm định viên là được tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và có nghĩa vụ bảo mật khi tiếp cận thông tin.

Thứ tám, tại Điều 54. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá: Đề nghị bổ sung quyền của DN thẩm định giá được tạo điều kiện tiếp cận cơ sở dữ liệu đối với loại hình tài sản thẩm định giá mang tính chuyên ngành có liên quan đến thẩm định giá và bảo mật thông tin khách hàng thẩm định giá.

Thứ chín, tại Điều 56. Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá. Đề nghị bổ sung quy định về hình thức chữ ký bao gồm chữ ký số tại Điều 56 về “Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá”. Hoặc bổ sung thêm điều khoản: “Bộ Tài Chính quy định hình thức, nội dung, biểu mẫu của Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo kết quả thẩm định giá”.

Ngoài ra, đề nghị bổ sung thêm tại Khoản 4 Điều 56 cụm từ “tư vấn cho”: Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những cơ sở để tư vấn cho khách hàng, người có liên quan được ghi tại hợp đồng thẩm định giá xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá của tài sản. Chứng thư thẩm định giá, Báo cáo kết quả thẩm định giá chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn hiệu lực theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với đúng tài sản, số lượng tài sản tại hợp đồng thẩm định giá.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tin liên quan
Chủ tịch Sagonap: Phải làm rõ nghĩa nhiều thuật ngữ về thẩm định giá trong dự thảo Luật giá (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO