Cuộc “giải cứu” được mong chờ cho cổ phiếu của Novaland - Phát Đạt và cái kết

Tri Túc | 17:14 22/11/2022

Chóng vánh tăng điểm sau khi 80 triệu cổ phiếu giá sàn được khớp lệnh chỉ sau vài phút mở phiên, mã NVL vẫn kết thúc với mức sàn 25.350 đồng/cp – đánh dấu 14 phiên giảm sàn liên tiếp, thanh khoản đột biến với gần 130 triệu cổ phiếu (kỷ lục trên thị trường chứng khoán là 150 triệu cổ phiếu/phiên/mã).

Cuộc “giải cứu” được mong chờ  cho cổ phiếu của Novaland - Phát Đạt và cái kết

Khép lại phiên giao dịch 22/11/2022, thị trường tiếp tục phục hồi trong nghi ngờ, khi hai mã NVL của Novaland và PDR của Bất động sản Phát Đạt vẫn giảm sàn với dư bán hàng triệu cổ phiếu. Cần nhấn mạnh, sau thông tin họp khẩn giữa các bên liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc về trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản, phiên hôm nay là một phiên được mong chờ với kỳ vọng bộ đôi NVL – PDR được “giải cứu”. Điều này được đánh giá là bệ đỡ cho niềm tin của nhà đầu tư về đà hồi phục của chỉ số trong bối cảnh hiện nay.

Dù vậy, chóng vánh tăng điểm sau khi 80 triệu cổ phiếu giá sàn được khớp lệnh chỉ sau vài phút mở phiên, mã NVL vẫn kết thúc với mức sàn 25.350 đồng/cp – đánh dấu 14 phiên giảm sàn liên tiếp, thanh khoản đột biến với gần 130 triệu cổ phiếu (kỷ lục trên thị trường chứng khoán là 150 triệu cổ phiếu/phiên/mã).

nvl.png

Còn PDR, lãnh đạo Công ty công bố đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu từ ngày 24/11. Song, với dư bán hàng trăm triệu cổ phiếu, PDR gần như không nhúc nhích với giá sàn 15.950 đồng/cp. Đây cũng là phiên giảm sàn thứ 13 liên tiếp của cổ phiếu bất động sản này.

Thống kê sau gần 1 tháng “rơi tự do”, Novaland đã “bốc hơi” hơn 83.350 tỷ đồng vốn hóa trong khi con số này với PDR ở mức 17.900 tỷ đồng. Hai cổ phiếu này theo đó đã bị thổi bay hơn 100.000 tỷ đồng (~4,2 tỷ USD) vốn hóa, tương đương gần 40% tổng giá trị vốn hóa sàn HoSE mất đi từ đầu tháng 11 (~11 tỷ USD).

Đà giảm của cổ phiếu cũng khiến khối tài sản của các lãnh đạo doanh nghiệp mất hàng nghìn tỷ đồng. Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novagroup, còn bị rớt khởi danh sách tỷ phú USD của Forbes từ ngày 10/11.

Cụ thể, tính từ đầu tháng 11, giá trị lượng cổ phiếu NVL thuộc sở hữu trực tiếp của ông Nhơn đã giảm hơn 4.100 tỷ đồng chưa kể đến sở hữu gián tiếp qua Novagroup – cổ đông lớn nhất của Novaland (nắm giữ 723,6 triệu đơn vị).

Trong khi đó, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cũng đã giảm hơn 8.800 tỷ đồng. Hiện tại, ông Đạt đang trực tiếp nắm giữ hơn 332 triệu cổ phiếu PDR, tương ứng giá trị thị trường chưa đến 5.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu chất sàn liên tiếp còn khiến Chủ tịch Phát Đạt liên tục bị “call margin” tuy nhiên các công ty chứng khoán vẫn chưa thể bán giải chấp thêm để thu hồi nợ.

pdr.png

Sự cố diễn ra trong áp lực gia tăng trên thị trường trái phiếu, trong đó NVL và PDR là hai doanh nghiệp tích cực dùng cổ phiếu đảm bảo cho các khoản vay trong quá khứ. Tính đến thời điểm 30/9/2022, PDR vẫn còn đang thế chấp 152 triệu cổ phiếu để đảm bảo cho các khoản vay bằng trái phiếu. Cụ thể, Công ty dùng 126,13 triệu cổ phiếu PDR đảm bảo cho khoản nợ 2.846,5 tỷ đồng trái phiếu (bao gồm 1.139,6 tỷ ngắn hạn và 1.707 tỷ dài hạn). Ngoài ra, Công ty cũng dùng 25,5 triệu cổ phiếu PDR cho khoản nợ 1.270,3 tỷ đồng tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset, ACA Vietnam Real Estate III LP cùng một số cá nhân, tổ chức khác.

Với NVL, tại ngày 30/9/2022, dư nợ trái phiếu ngắn hạn của Công ty tăng mạnh từ mức 7.595,4 tỷ lên 22.702,5 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu dài hạn ở mức 27.787,5 tỷ đồng. Ghi nhận, đa số các khoản vay trái phiếu đều được NVL thế chấp bằng cổ phiếu Công ty.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cuộc “giải cứu” được mong chờ cho cổ phiếu của Novaland - Phát Đạt và cái kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO