Cuộc chiến chip khốc liệt và những câu hỏi ngàn tỷ USD: Liệu Mỹ có bị vượt mặt?

Hồng Anh | 07:44 07/01/2023

Giống như cuộc chiến Nga-Ukraine, hiện nay thế giới đang đối mặt với một cuộc chiến khác trong lĩnh vực chất bán dẫn, hay còn có thể gọi là "cuộc chiến chip", theo Modern Diplomacy.

Cuộc chiến chip khốc liệt và những câu hỏi ngàn tỷ USD: Liệu Mỹ có bị vượt mặt?

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực chip điện tử ngày càng gay gắt, trong khi chất bán dẫn là phần không thể thiếu của ngành công nghiệp điện tử và quân sự. 

Lý do của "cuộc chiến" này là gì tình hình hiện tại ra sao, và tác động của nó đối với tương lai cũng như người thắng cuộc tiềm năng là ai, tất cả sẽ được phân tích trong bài viết này của Modern Diplomacy. Sau đây là nội dung lược dịch của bài viết.

---

Chất bán dẫn, hay chip, là loại vật liệu có tính dẫn điện nằm giữa chất dẫn điện và chất cách điện. Các chất bán dẫn có thể bao gồm các nguyên tố tinh khiết như germanium hay silicon. 

Chất bán dẫn được sử dụng trong các thiết bị và dụng cụ điện tử, bao gồm điốt, bóng bán dẫn, mạch tích hợp, các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game, lò vi sóng, ô tô.

Hiện nay, chất bán dẫn được coi là loại "dầu mỏ mới", và "móng ngựa của thế kỷ 21". Chất bán dẫn cũng là thành phần cốt lõi trong các ngành sản xuất. 

Mỹ, đảo Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Các công ty Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm 87% thị trường toàn cầu. 

Chuỗi cung ứng bấp bênh, đại dịch COVID-19, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đã dẫn thế giới đến một cuộc chiến chất bán dẫn. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đóng một vai trò rất lớn trong cuộc khủng hoảng này. 

Các ngành công nghiệp không đáp ứng được cung và cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh đó, các công ty bán dẫn bị tụt lại phía sau và không ổn định để đáp ứng được lực cầu mạnh từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

chip-war.jpg

Mỹ là quốc gia dẫn đầu cuộc đua về chất bán dẫn trên thị trường toàn cầu, với giá trị thị phần hơn 200 tỷ USD vào năm 2020. Mỹ cũng là quốc gia tiên phong trong việc xuất khẩu chất bán dẫn chiếm 50% thị trường thế giới. 

Nhìn chung, chất bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ và họ đầu tư hơn một phần năm doanh thu vào việc nghiên cứu và phát triển mặt hàng này, chỉ đứng thứ hai sau lĩnh vực kinh doanh dược phẩm. Mỹ vẫn phụ thuộc vào Đài Loan để xuất khẩu chất bán dẫn.

Mặt khác, Trung Quốc hiện là một đối thủ lớn mới nổi trong cuộc đua bán dẫn. Ngành công nghiệp bán dẫn của nước này đã mở rộng từ năm 2015. Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn dự đoán Trung Quốc sẽ vượt qua Đài Loan vào năm 2030 với 24% thị phần, cùng với đó là sự hỗ trợ từ sáng kiến "Made in China 2025". 

Thực tế, có thể nói Trung Quốc đã "nuốt chửng" Đài Loan trong lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn từ 2 năm trước đó. Mỹ luôn muốn cản đường Trung Quốc nhưng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc liên tục tăng trưởng 9%, doanh thu hàng năm của nước này có thể đạt 114 tỷ USD vào năm 2024. 

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chạy đua trong lĩnh vực chất bán dẫn. Trung Quốc nỗ lực để bắt kịp các công nghệ tiên tiến của Mỹ và cạnh tranh trong lĩnh vực vi mạch. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc trọng kỹ thuật ở Trung Quốc sẽ dẫn đến cả cạnh tranh và xung đột với Mỹ.

Mỹ gần đây vừa thông qua Đạo luật CHIPS bao gồm khoản hỗ trợ tài chính "khủng" cho khoa học và công nghệ nhằm phục vụ mục tiêu chính của họ là duy trì lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc. Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ thực hiện các biện pháp kiểm soát toàn diện nhất đối với việc bắt chước công nghệ sản xuất chip. 

Tháng 10/2022, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với việc xuất khẩu thiết bị và đầu vào liên quan đến chất bán dẫn sang Trung Quốc. Vào ngày 6/12, Tổng thống Biden đã đến thăm địa điểm của nhà máy mới của Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan ở Arizona và gọi đây là một dự án tiềm năng cho chuỗi cung ứng chip của Mỹ. 

Vào giữa tháng 12/2022, chính quyền Mỹ đã thêm 36 nhà sản xuất chip Trung Quốc vào danh sách hạn chế tiếp cận công nghệ chip của nước này, bao gồm YMTC. 

Nỗ lục của Mỹ nhằm giành quyền bá chủ trong ngành công nghiệp chip không chỉ được thể hiện ở khoản đầu tư 40 tỷ USD, mà nước này còn từng bước ngăn chặn ngành công nghệ bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc. Rõ ràng Mỹ đã tuyên bố một cuộc chiến bán dẫn với Trung Quốc.

Câu hỏi ngàn tỷ USD hiện nay là ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chip này? Không chỉ dừng lại ở mức độ xung đột địa chính trị, cuộc chiến chip giờ đây giống chiến tranh hơn. Rất khó xác định người chiến thắng trong cuộc chiến này. 

Mỹ đang có lợi thế là "bá chủ toàn cầu", nên một số quốc gia sẽ cố gắng liên minh với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Mỹ sẽ thống trị công nghệ bán dẫn cho trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật quân sự. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực vi điện tử như điện toán đám mây và thiết b điện tử.

Theo một số chuyên gia kinh tế, sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến này, mà chỉ có những kẻ thua cuộc. Và người chịu thiệt cuối cùng chính là người tiêu dùng.


(0) Bình luận
Cuộc chiến chip khốc liệt và những câu hỏi ngàn tỷ USD: Liệu Mỹ có bị vượt mặt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO