Cũng đi làm như mình mà người ta tiết kiệm rõ khéo: Tháng nào cũng có tiền mua vàng và bảo hiểm, người để dành được 400 triệu sau 4 năm

Nguyệt | 18:45 06/04/2024

Sống ở TP.HCM đắt đỏ, những cô gái này đã chi tiêu chắt bóp thế nào để có khoản tiết kiệm cho tương lai?

Cũng đi làm như mình mà người ta tiết kiệm rõ khéo: Tháng nào cũng có tiền mua vàng và bảo hiểm, người để dành được 400 triệu sau 4 năm

Tiết kiệm thêm 6-8 triệu đồng/tháng nhờ thay đổi 7 thói quen

Cách đây khoảng 6 năm, Mỹ Duyên (30 tuổi, TP. HCM) chưa chú trọng quản lý tài chính. Cô nàng từng trải qua quãng thời gian cứ nhận lương là hết, không tiết kiệm được đồng nào.

Tuy nhiên, một sự kiện xảy ra cách đó không lâu đã thay đổi hoàn toàn cô nàng. Đó là khi mẹ lên TP. HCM khám bệnh nhưng trong ví của Mỹ Duyên chỉ có vài triệu đồng. 

photo-3-1703558065289378067625.jpeg
Mỹ Duyên (Ảnh: NVCC)

Kể từ đó, Mỹ Duyên đã bắt bản thân phải kiểm soát chi tiêu để luôn có quỹ dự phòng cho tương lai. Đầu tháng, sau khi nhận lương, Mỹ Duyên luôn trích khoảng 30 - 40% từ thu nhập để bỏ vào tài khoản tiết kiệm. Trong tiêu dùng hàng ngày, cô cố gắng cắt bớt được khoản tiêu xài nào tốn kém và lãng phí càng tốt.

Mặt khác, nhờ biết quản lý tài chính nên đỉnh điểm, cô nàng tiết kiệm thêm 6-8 triệu đồng/tháng nhờ thay đổi 7 thói quen:

-  Thứ nhất là ăn uống

Trước đó, mỗi tháng Mỹ Duyên ăn ngoài cả tháng thì sẽ tốn 3 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu cô nàng chọn nấu ở nhà thì số tiền là 1,8 triệu đồng. Tính ra cô tiết kiệm được 1,2 triệu đồng.

- Thứ hai về phương tiện di chuyển

Nếu cô nàng chọn đi xe ôm công nghệ từ nhà (quận 3) đến công ty (quận 4) thì tốn 1,8 triệu đồng. Nhưng nếu đi xe máy, Mỹ Duyên chỉ tốn 600 ngàn đồng, bao gồm tiền đổ xăng và rửa xe. Do đó, cô tiết kiệm được 1,2 triệu đồng/tháng.

- Thứ ba về thời trang

Cô nàng bỏ thói quen mua đồ linh tinh, tận dụng đồ cũ nên tiết kiệm được 700 ngàn - 1 triệu đồng/tháng, tuỳ theo cách chi tiêu.

- Thứ 4 về nơi ở

Sau khi chuyển đến chỗ ở mới, Mỹ Duyên sống ghép cùng 3 bạn khác nên giảm được tiền thuê nhà từ 3,7 triệu đồng xuống còn 1,7 triệu đồng. Do đó, cô nàng tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng.

- Thứ 5 về makeup đi dự tiệc

Ở độ tuổi của Mỹ Duyên, cô nàng thường phải đi dự tiệc rất nhiều, mỗi tháng ít nhất là 2 đám cưới, chưa kể tiệc sinh nhật và nhiều đám khác. Trước đây, cô toàn book makeup bên ngoài và tốn 350 - 450 ngàn đồng/lần. Tuy nhiên sau này do đã theo học 1 khoá makeup nên cô tự làm tại nhà và tiết kiệm được 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.

- Thứ 6 về làm đẹp khác

Hiện Mỹ Duyên chọn để tóc đen và chăm sóc tóc tại nhà, cắt móng tay gọn gàng. Do đó, hàng tháng cô nàng không tốn thêm tiền cho khoản làm nail và làm tóc, tức tiết kiệm được 500 - 800 ngàn đồng.

- Thứ 7 về tụ tập cùng bạn bè

Mỹ Duyên chỉ gặp mặt bạn bè, người thân khi cần thiết, bỏ qua hết các mối quan hệ xã giao. Trước đây, cô nàng tốn 300 ngàn đồng cho một bữa nhậu, một tháng gặp 8 lần nên sẽ chi 2,4 triệu đồng. Bây giờ, cô thường chỉ hẹn ăn uống bình dân với bạn bè, với giá chỉ 150 ngàn đồng/buổi, tần suất 4 buổi/tháng, do đó tốn 600 ngàn đồng. Nói cách khác, Mỹ Duyên tiết kiệm được 1,8 triệu đồng/tháng.

Không chỉ nỗ lực tiết kiệm, cô nàng còn cố gắng tăng chi bằng cạnh nhận công việc freelancer bên ngoài là blend và retouch, sale, sáng tạo nội dung, kinh doanh riêng và Affiliate Marketing.

Lương thế nào vẫn cố gắng biếu bố mẹ 3-6 triệu đồng/tháng, trích tiền mua vàng và bảo hiểm

Trúc Vân (25 tuổi, TP.HCM) đang làm nhân viên văn phòng trong lĩnh vực giáo dục và kinh doanh tự do. Do đó, thu nhập hàng tháng của cô nàng đang được chia làm 2 khoản là tiền lương cố định từ công việc văn phòng và lợi nhuận từ kinh doanh cá nhân.

photo-2-1703997462153528200868.jpeg
Trúc Vân (Ảnh: NVCC)

Về tiền lương cố định, Trúc Vân chia chúng thành các khoản sau: 10 - 15% tiền biếu bố mẹ; 30 - 35% cho chi phí sinh hoạt (tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại…); 25% tiết kiệm; 5% cho chi phí phát sinh cá nhân; 5% dành cho hoạt động khác; 5-10% phòng hờ cho trường hợp rủi ro. 5% tiền lương cuối cùng cô nàng dùng để lập quỹ tích lũy cho gia đình, dùng để phòng trường hợp bố mẹ ốm đau hoặc chị em cần giúp đỡ. Nếu trong năm mà khoản này không sử dụng đến thì cuối năm cô sẽ tự động dùng chúng để mua quà Tết biếu bố mẹ.

Còn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, cô dùng 50% để học tập nâng cao kiến thức và tiết kiệm. 50% còn lại trả tiền bảo hiểm.

Luôn có tài khoản tiết kiệm và thường xuyên đánh giá tình hình tài chính là 2 bí quyết để cô nàng không tiêu xài phung phí. Trúc Vân chia sẻ cách cô quản lý tài chính: "Mình phân chia các khoản chi tiêu cụ thể và chi tiết, nhờ đó kiểm soát được dòng tiền ra - vào trong ví hàng tháng. Ngoài ra, khoản chi tiêu và tích luỹ của mình đều được lên kế hoạch theo dài hạn, ngắn hạn.

Mình cũng rất ít khi tụ tập ăn uống ở ngoài, dù mình có nhiều bạn bè và các mối quan hệ xã hội. Tính cách của mình không thích ồn ào và khoa trương nhưng lại hơi phóng khoáng. Do đó, các mối quan hệ xung quanh của mình đều rất thoải mái với điều này".

Với tiền tiết kiệm đang có, cô nàng không chọn "bỏ hết trứng vào một giỏ" mà chia chúng thành nhiều khoản. 

Trúc Vân cho hay: "Phần lớn tiền tiết kiệm mình vẫn gửi ngân hàng, chia theo 2 dạng là mở sổ tiết kiệm cố định có thời gian (offline tại quầy giao dịch) và mở gói tiền gửi có kỳ hạn trực tuyến (tiết kiệm online trên app ngân hàng). Số tiền nhỏ còn lại mình mua vàng và đầu tư bất động sản. Mình thường mua vàng theo tháng hoặc tích lũy khi nào đủ tiền sẽ mua. Mình hay mua loại nhẫn trơn 9999 với định lượng 5 phân hoặc 1 chỉ".

photo-5-16977803504621726554861.jpg
Ảnh minh hoạ

26 tuổi có 400 triệu tích lũy, tháng nào cũng cố gắng tiết kiệm 16 - 20 triệu đồng

“Có tiền trong tài khoản tiết kiệm lúc nào cũng khiến mình cảm thấy an toàn. Khi đó, mình sẽ không bị lệ thuộc tài chính vào ai dù chỉ sống một mình.

Ngày nay, mình thấy nhiều bạn trẻ sống khá thoải mái. Nhưng những người xung quanh chi tiêu hoang phí khi được mình hỏi về các dự định tương lai thường không rõ ràng. Hoặc vì đã có nền tảng tài chính tốt từ gia đình nên họ có thể chi tiêu mà không cần lo nghĩ. Nếu bố mẹ họ gặp biến cố sức khoẻ thì đã có tiền lương hưu hoặc tiết kiệm bù vào, còn gia đình mình thì không thể vì bố mẹ đều làm lao động chân tay ", Đặng Ngân (27 tuổi, TP.HCM) chia sẻ về quan điểm tài chính cá nhân.

Cách đây 1 năm, cô nàng đã có khoản tiết kiệm là 400 triệu đồng cùng 2 cái bảo hiểm. Đây là thành quả tích lũy dài hạn và chăm chỉ làm việc của Ngân. Được biết, cách đây 4 năm, cô nàng luôn trích 50 - 70% thu nhập hàng tháng vào tài khoản tiết kiệm sau khi nhận lương. Và cho đến nửa năm gần đây, do tiền lương tăng lên nên cô đã có thể để dành được 16 - 20 triệu đồng/tháng vào tài khoản tiết kiệm. 

82797f882d4f4b8ba7a26f157d18cd08.jpeg
Ảnh minh hoạ

Đến hiện tại, Đặng Ngân đã có khoản tích luỹ gửi ngân hàng với số tiền hơn 400 triệu đồng. Để có được khoản dành dụm này, cô nàng tuân thủ một vài nguyên tắc tiết kiệm sau:

- Hạn chế mua sắm quần áo, thường mua quần áo tối giản và có chất liệu tốt để có thể tái sử dụng nhiều lần.

- Mua những món đồ gia dụng cần thiết trên các sàn thương mại điện tử, để tận dụng các chương trình giảm giá hàng tháng và giá thành sản phẩm rẻ. Đặng Ngân cho hay, để hạn chế mua sắm bốc đồng, cô nàng luôn ghi lại trước các khoản cần mua, hạn chế tiêu tiền cho những món hàng không cần thiết.

- Hạn chế đi cafe và uống trà sữa ở quán. Trước kia, Đặng Ngân thường đi cafe 1-3 buổi/tuần, trung bình 1 buổi tốn khoảng 50 ngàn đồng. Giờ đây, cô đã tự học cách pha cafe và trà sữa ở nhà để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, Đặng Ngân cho hay giờ bản thân không còn hứng thú đi chụp ảnh sống ảo ở những quán cafe nên số tiền tiết kiệm được cũng tăng lên.

- Hầu hết đồ ăn hiện tại đều tự nấu tại nhà. Lúc đi mua thực phẩm, Đặng Ngân cố gắng đi ra siêu thị cách nhà hơn 500m, thay vì siêu thị ở ngay dưới chung cư. Bởi siêu thị tuy ở xa nhưng có bán đồ rẻ hơn từ 20 ngàn - 100 ngàn đồng/món.

Cô nàng nói thêm, mọi người không nên đánh đồng giữa tiết kiệm và keo kiệt. “Tiết kiệm là tốt, nhưng bạn nên hiểu cách quản lý dòng tiền hợp lý. Nếu sống quá chắt bóp thì bản thân sẽ quá keo kiệt, không tốt cho mình và sức khỏe tài chính lâu dài. Tiết kiệm cũng không hẳn là để tiền ở một chỗ, mà bạn phải dùng chúng với mục đích như nào để sinh ra tiền và có khoản để dành ngày càng tăng lên”, cô nàng nhận định.


(0) Bình luận
Cũng đi làm như mình mà người ta tiết kiệm rõ khéo: Tháng nào cũng có tiền mua vàng và bảo hiểm, người để dành được 400 triệu sau 4 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO