Chính thức khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, Hải Dương sang Trung Quốc

Đinh Tịnh - Quang Minh | 12:25 02/05/2024

Sáng ngày 2/5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chính thức khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế đầu tiên từ ga Cao Xá (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chính thức khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, Hải Dương sang Trung Quốc
Ga Cao Xá (xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) là ga thứ hai sau ga Kép (Bắc Giang) được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1 để thành ga liên vận quốc tế

Đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng tại các nhà máy trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, sau khi về đến ga Yên Viên (Hà Nội) sẽ được kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VNR, sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, ga Cao Xá trở thành ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tham gia tích cực vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh và ngược lại, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.

Trong giai đoạn 2, khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, VNR sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.

Khi đó, tại ga Cao Xá sẽ tổ chức khai thác 2 tuyến liên vận quốc tế gồm: Tuyến 1: Cao Xá-Yên Viên (Hà Nội)-Kép (Bắc Giang)-Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) rồi từ đây đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU.

Tuyến 2: Cao Xá-Lào Cai-Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu vào nội địa Trung Quốc.

Đặc biệt, sau khi nâng cấp, hàng hóa xuất, nhập khẩu có thể thực hiện được thủ tục hải quan ngay tại ga Cao Xá, vận chuyển bằng đường sắt liên vận đi tiếp đến các cửa khẩu biên giới để sang các nước, rút ngắn thời gian làm thủ tục, vận chuyển.

440208796_1085066845884804_8176003012935662458_n(1).jpg
Lãnh đạo Uỷ Ban quản lý vốn doanh nghiệp tại Nhà nước, UBND tỉnh Hải Dương, Bộ GTVT và VNR cùng các đơn vị liên quan tặng hoa chúc mừng khai trương tuyến liên vận quốc tế tại ga Cao Xá

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, với hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Cao Xá, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics sẽ có thêm giải pháp vận tải tối ưu bằng đường sắt nhằm giảm chi phí và thời gian vận chuyển, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, hợp tác quốc tế. Từ ga này, hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á-Âu.

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương nằm trong hệ thống tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh có 32 khu công nghiệp và trên 60 cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh có 550 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD, xếp thứ 11 trong cả nước. Ga Cao Xá nằm gần các khu công nghiệp, nên việc nâng cấp để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng, gia tăng cung ứng các loại hình dịch vụ, góp phần tăng thu ngân sách của địa phương và liên vùng.

Quý I/2024, Công ty vận tải đường sắt HRT và SRT báo lãi sau thuế 34 tỷ đồng và 33 tỷ đồng

Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) đạt doanh thu quý I/2024 hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Chỉ tiêu này đạt mức cao nhất gần 9 năm qua. Doanh nghiệp báo lãi hơn 34 tỷ đồng sau thuế, tăng 87%. Mức trên cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 84 tỷ đồng quý cuối năm ngoái.

Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận doanh thu 3 tháng đầu năm tăng hơn 13% lên khoảng 556 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất gần 5 năm qua. Lợi nhuận sau thuế tích lũy thêm 25%, đạt gần 33 tỷ đồng, cải thiện hơn hẳn mức lỗ gần 70 tỷ cuối năm 2023.

Chỉ sau ba tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm lần lượt khoảng 2,8 lần và 3 lần.

Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là hai thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi TP HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và hai tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Công ty còn tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị. Doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu 600 toa vận chuyển khách hàng, 3.300 toa vận chuyển hàng hóa với 5.000 lao động.

Trong khi đó SRT quản lý các tuyến từ TP HCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn... Công ty này còn kinh doanh tour du lịch tới các điểm danh lam, thắng cảnh. Ngoài ra, SRT còn sở hữu địa điểm kinh doanh tại những nhà ga lớn trên cả nước như Sóng Thần, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Giáp Bát, Hà Nội, Lào Cai và Đồng Đăng.

Trước đây, cả HRT và SRT đều trải qua giai đoạn kinh doanh thua lỗ triền miền. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chính thức khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế từ ga Cao Xá, Hải Dương sang Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO