*Dưới đây là chia sẻ của Jen Glantz - BTV Tài chính của Business Insider. Trong bài viết này, cô kể về “một cú lừa” đến từ vị trí phụ huynh. Mẹ của Jen Glantz đã nói dối cô về cách sử dụng thẻ tín dụng trong suốt gần 10 năm trời. Tuy nhiên, điều này lại “vô tình” dạy Jen Glantz cách dùng thẻ tín dụng an toàn, không mắc nợ.
Khi tôi học cấp 1 (khoảng 9-10 tuổi), cứ đến cuối tuần, tôi lại vô cùng háo hức vì được cùng mẹ đi siêu thị. Tôi vẫn nhớ rằng trước mỗi lần đi mua sắm, mẹ đều có một danh sách những thứ cần mua, cùng giá tiền của từng món đồ.
Mẹ bảo tôi bà cần lên kế hoạch mua sắm để không bội chi, đồng thời chuẩn bị tiền trong thẻ tín dụng để phục vụ cho việc thanh toán.
Sau khi lấp đầy chiếc xe đẩy, mẹ luôn đưa cho tôi một chiếc thẻ và bảo tôi “cầm chiếc thẻ tín dụng này” đưa cho nhân viên thu ngân. Trên đường từ siêu thị về nhà, bà nói với tôi rằng bà đã nạp sẵn số tiền chính xác mà chúng tôi đã dự trù cho lần đi siêu thị hôm nay.
Suy nghĩ của tôi về thẻ tín dụng được hình thành từ những lần xem mẹ lên danh sách, chuẩn bị tiền để đi siêu thị như thế. Mẹ luôn nói với tôi “thẻ tín dụng cũng giống như thẻ ghi nợ thôi mà”.
Thẻ ghi nợ là một loại thẻ thanh toán được ngân hàng phát hành để sử dụng thay cho tiền mặt. Để sử dụng thẻ ghi nợ, bạn phải chuyển tiền từ thẻ ngân hàng vào thẻ ghi nợ, và chỉ được phép chi tiêu với số tiền đó, không được phép tiêu hơn.
Thẻ ghi nợ hoàn toàn khác với thẻ tín dụng. Vậy nhưng tôi vẫn cứ nghĩ chúng là 1, cho đến tận năm 18 tuổi, khi tôi được sở hữu chiếc thẻ tín dụng đầu tiên, đứng tên mình.
Hiểu nôm na: Thẻ tín dụng cho phép tôi tiêu trước, trả sau. Còn thẻ ghi nợ thì không. Tôi không thể “ứng” tiền tiêu từ thẻ ghi nợ, như với thẻ tín dụng.
Đến tận lúc đó, tôi mới biết mẹ đã nói dối mình. Nhưng suy nghĩ “thẻ tín dụng cũng giống thẻ ghi nợ” thực sự đã giúp tôi có được sức khỏe tài chính ổn định. Chỉ bằng 1 câu nói sai sự thật, mẹ đã giúp tôi hình thành 2 lối tư duy không thể đúng đắn hơn khi dùng thẻ tín dụng.
1 - Không coi thẻ tín dụng như một “nguồn vay tiền”
Tôi chưa bao giờ xem thẻ tín dụng của mình như một phương tiện để vay tiền. Thay vào đó, tôi xem nó như một thẻ ghi nợ đi kèm với các đặc quyền bổ sung, như hoàn tiền hoặc voucher giảm giá,...
Bất cứ khi nào cần mua một món đồ giá trị cao, tôi sẽ tích góp dần, cho tới lúc đủ tiền trong tài khoản thanh toán, mới chốt mua. Cách sử dụng thẻ tín dụng của tôi hệt như cách mẹ chuẩn bị tiền trước mỗi lần đi siêu thị vậy.
Tôi duy trì thói quen kiểm tra tài chính của mình hàng tuần để tránh bội chi hoặc phải rút tiền từ quỹ khẩn cấp để trả thẻ tín dụng. Vào mỗi Chủ nhật hàng tuần, tôi sẽ xem lại sao kê thẻ tín dụng để theo dõi và đánh giá chi tiêu của mình.
Tôi cũng sẽ xem xét khoản tiền còn lại trong tài khoản thanh toán, cũng như các hóa đơn sắp phải trả (từ tiền thuê nhà đến hóa đơn điện nước hoặc hóa đơn y tế) để cập nhật số dư chi tiêu của mình trong tháng.
Nhờ thế, dù đã sử dụng thẻ tín dụng hơn 10 năm, nhưng tôi chưa từng chậm thanh toán và luôn trả đủ toàn bộ dư nợ. Nói cách khác, trong suốt 10 năm qua, tôi chưa phải trả 1 đồng tiền lãi nào vì dùng thẻ tín dụng.
2 - Giới hạn số lượng thẻ tín dụng
3 là giới hạn tôi đặt ra cho số lượng các thẻ tín dụng đứng tên mình. Nói cách khác, tôi không bao giờ mở/sử dụng quá 3 thẻ tín dụng trong cùng một thời điểm.
Tôi luôn chỉ sử dụng 3 thẻ tín dụng: Một thẻ dành cho việc chi tiêu cá nhân, một thẻ dành cho công việc kinh doanh, và một thẻ chung mà tôi và chồng cùng sử dụng cho những nhu cầu chung của gia đình.
Việc giới hạn số lượng thẻ tín dụng giúp tôi dễ dàng theo dõi và kiểm soát quá trình chi tiêu cũng như thanh toán thẻ tín dụng. Tôi thích tư duy “thẻ tín dụng cũng giống như thẻ ghi nợ” mà mẹ đã dạy tôi, dù nó không đúng thực tế, nhưng nó lại giúp tôi dùng thẻ tín dụng một cách an toàn, không nợ nần; đồng thời trở thành một người chi tiêu có kế hoạch, thay vì mua sắm bốc đồng.
Theo Business Insider