Đây là lần đầu tiên nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam Coteccons trở thành nhà phát triển dự án bất động sản bán cho người dùng.
Ông Bùi Ngươn Phong, Chủ tịch HĐQT Lê Phong (bên trái) và ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons (Ảnh: Coteccons)
Bước ngoặt đặt nhiều kỳ vọng
Landmark 81 - dự án ghi đậm dấu ấn của Coteccons, công trình tiêu biểu của TP.HCM (Ảnh: Anton Shuvalov/Unsplash)
Trao đổi sau buổi lễ ký kết, ông Bùi Ngươn Phong, Chủ tịch HĐQT Lê Phong Group cho biết vai trò mới của Coteccons tại dự án The Emerald 68 ghi nhận sự hợp tác dài hạn giữa hai bên, không chỉ dừng lại ở vai trò tổng thầu.
Coteccons không chỉ giúp chủ đầu tư Lê Phong xây dựng, triển khai dự án, mà còn tham gia vào quá trình thiết kế, vận hành dự án về lâu dài.
Kết quả kinh doanh của Coteccons đạt đỉnh về doanh thu và lợi nhuận trong 2 năm 2017 - 2018 với mức trên 1 tỷ USD doanh thu và hơn 1.500 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Nửa đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của Coteccons chỉ còn gần 5.200 tỷ đồng và 5 tỷ đồng. Nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam cần những bước ngoặt mang tính đột phá, đưa Coteccons trở lại thời hoàng kim.
Để đa dạng hóa nguồn thu, từ năm 2022, Coteccons bắt đầu theo đuổi mô hình Design&Build, Finance&Build. Ngoài vai trò nhà thầu xây dựng, Coteccons tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị của một dự án bất động sản hoàn chỉnh, bắt đầu từ thiết kế và tài trợ tài chính.
“Dịch vụ xây dựng hiện nay chỉ kiếm được một cơ hội lợi nhuận rất nhỏ trong chuỗi giá trị của một dự án” - ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons nhận định.
Các công ty xây dựng lớn tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Châu Âu,... nếu theo đuổi mô hình xây dựng đơn thuần, sẽ chỉ tồn tại được trong một khoảng thời gian ngắn, trong vòng một thập kỷ. Muốn phát triển lâu dài, vững vàng, các doanh nghiệp phải cung cấp “một cái gì đó hơn cả dịch vụ xây dựng” - ông Bolat Duisenov kết luận.
Khác với nhiều nhà thầu đang dần bị vắt kiệt vốn do bị tồn đọng nợ từ các chủ đầu tư, Coteccons có cấu trúc tài sản tương đối vững. Công ty “nổi tiếng” với việc hạn chế vay nợ. Tính đến cuối năm 2021, Coteccons gần như không vay nợ ngắn hay dài hạn.
Sau nửa năm 2022, nợ vay của công ty tăng lên mức 1.314 tỷ đồng, vẫn là mức an toàn khi chỉ chiếm gần 8% giá trị tổng tài sản. Vay nợ ở mức độ vừa phải, an toàn giúp nguồn vốn của một doanh nghiệp được sử dụng hiệu quả hơn.
Cấu trúc tài sản “khỏe mạnh” giúp Coteccons có năng lực theo đuổi chiến lược mới mạnh mẽ hơn.
Dự án nổi bật
Không phải ngẫu nhiên Coteccons chọn The Emerald 68 cho bước chuyển mình mang ý nghĩa lịch sử của công ty. Bên cạnh sự hiểu biết và uy tín với chủ đầu tư Lê Phong, The Emerald được đánh giá là một dự án bất động sản tiềm năng, có khả năng sinh lời tốt ngay cả trong tình hình thị trường ảm đạm.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp tác, người đứng đầu Coteccons nhiều lần nhấn mạnh việc công ty tự tin khi đảm nhiệm vai trò mới tại dự án bất động sản cao cấp này.
So với các dự án ghi dấu ấn tên tuổi của Coteccons như Landmark 81, Nhà máy Lego, Ecopark Swanlake Onsen…. Thì The Emerald 68 là một dự án vừa tầm, đủ để Coteccons tự tin với vai trò mới.
Dự án được xây dựng trên khu đất rộng gần 8.000 m2 với gần 800 căn hộ, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Với số tiền và tương đương tiền của Coteccons cuối tháng 6/2022, tính cả các khoản gửi tiết kiệm ngắn hạn (gần 3.700 tỷ đồng), Coteccons tự tin về năng lực và trình độ để triển khai gấp rút, đảm bảo tiến độ dự án mà không quá phụ thuộc vào các nguồn thu ngắn hạn. Theo kế hoạch, dự án sẽ được bàn giao vào quý I/2025.
Emerald tọa lạc trên vị trí đắc địa trên mặt hai tiền đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13) và đường Vĩnh Phú 16, nằm ở cửa ngõ tỉnh Bình Dương, sát địa phận Thành phố Thủ Đức.
Với The Emerald 68 - chủ đầu tư Lê Phong lẫn nhà phát triển dự án Coteccons đều tự tin về hiệu quả kinh doanh, ngay cả khi giao dịch bất động sản đang có dấu hiệu chững lại.