Công bố phát hiện chưa từng có, báu vật 5.000 năm tuổi chính thức lộ diện, gây chấn động giới khảo cổ

Minh Tiến | 15:03 26/05/2025

Lộ diện báu vật dưới lòng sa mạc gây chấn động giới khảo cổ.

Công bố phát hiện chưa từng có, báu vật 5.000 năm tuổi chính thức lộ diện, gây chấn động giới khảo cổ

Theo The Economic Times, mới đây, một nền văn minh 5.000 năm tuổi đã được phát hiện bên dưới sa mạc Rub al-Khali. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và hình ảnh vệ tinh để tìm ra phát hiện này. Cơ quan Văn hóa Dubai đã phê duyệt việc khai quật tại các khu vực được xác định. Công nghệ cao có thể được áp dụng để tìm ra nhiều nền văn minh đã mất khác trên khắp các vùng sa mạc của thế giới. Phát hiện chưa từng có này đã tạo ra nhiều hy vọng mới cho cộng đồng khảo cổ.

Cụ thể, nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến và hình ảnh vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một nền văn minh có niên đại 5.000 năm nằm sâu dưới lớp cát của Rub al-Khali, sa mạc cát lớn nhất thế giới.

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi đã phát triển một thuật toán học máy tiên tiến, có khả năng phân tích hình ảnh vệ tinh để phát hiện các địa điểm khảo cổ bị chôn vùi dưới nhiều lớp cát di động. Công nghệ tiên phong này đã giúp tạo ra phát hiện lớn tại Saruq Al-Hadid – một địa điểm vốn đã nổi tiếng về mặt lịch sử, nay lại tiếp tục hé lộ thêm những bí ẩn mới về các khu định cư cổ đại trong khu vực.

“Động lực chính của nghiên cứu này là giúp UAE phát hiện các địa điểm và dấu tích khảo cổ bị ẩn giấu dưới lớp cát”, tiến sĩ Diana Francis, trưởng phòng thí nghiệm Khoa học Môi trường và Địa vật lý (ENGEOS) của trường đại học Khalifa cho biết. “Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và phần lớn diện tích là sa mạc, việc khảo sát trên mặt đất là quá khó khăn. Vì vậy, dữ liệu vệ tinh là chìa khóa. Sau đó, chúng tôi cần công nghệ có thể nhìn xuyên qua lớp cát”, tiến sĩ Diana Francis cho biết thêm.

Về công nghệ, thuật toán AI mới sử dụng hình ảnh từ radar khẩu độ tổng hợp (SAR), cho phép các nhà nghiên cứu xuyên qua những lớp cát dày để phát hiện các cấu trúc bị chôn vùi, điều mà các phương pháp khảo cổ truyền thống rất khó làm được. Việc kết hợp giữa học máy và cảm biến từ xa đã cách mạng hóa công cuộc khám phá sa mạc, giúp lập bản đồ các khu định cư cổ mà không cần đến những cuộc khai quật tốn kém và phức tạp.

Khám phá này đã ngay lập tức làm dậy sóng trong giới khoa học. Cơ quan Văn hóa Dubai – đơn vị phụ trách quản lý các địa điểm khảo cổ – đã chính thức cho phép khai quật tại các khu vực được nhóm nghiên cứu xác định, mở đường cho những phát hiện lịch sử mang tính đột phá tiếp theo.

Theo đó, khám phá này có ý nghĩ rất lớn. Nhóm nghiên cứu tin rằng phương pháp dựa trên AI của họ có thể được áp dụng cho các vùng sa mạc khác trên khắp thế giới, phát hiện những nền văn minh đã mất ẩn dưới lớp cát ở Bắc Phi, Trung Đông và các nơi khác.

“Nghiên cứu này là bằng chứng cho thấy cách mà hình ảnh SAR kết hợp với học máy có thể dẫn đường cho việc tìm kiếm khảo cổ ở những môi trường khô cằn”, tiến sĩ Francis giải thích, “Nhiều khu vực vẫn còn chưa được khám phá, nhưng chúng tôi biết rằng chúng có giá trị văn hóa. Phương pháp mà chúng tôi phát triển có thể áp dụng cho toàn bộ UAE và cả những vùng đất khác”.


(0) Bình luận
Công bố phát hiện chưa từng có, báu vật 5.000 năm tuổi chính thức lộ diện, gây chấn động giới khảo cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO