‘Cơn ác mộng’ từ cú sập SVB: Hàng loạt công ty này đứng trước nguy cơ bị ‘xóa sổ’

Thùy Bảo | 16:19 11/03/2023

Silicon Valley Bank (SVB) vừa gây chấn động toàn cầu khi trở thành ngân hàng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Và nhiều công ty đứng trước tình cảnh ‘điêu đứng’ sau cú sập này.

‘Cơn ác mộng’ từ cú sập SVB: Hàng loạt công ty này đứng trước nguy cơ bị ‘xóa sổ’

Với vai trò của mình trong lĩnh vực khởi nghiệp, khi cú sập xảy ra với SVB, nhiều nhà sáng lập của các startup (công ty khởi nghiệp) có tiền gửi trong ngân hàng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với khoản tiền của họ. Bởi đối với một số công ty, khoản tiền này dùng để trả lương cho nhân viên. Liệu họ có khả năng tiếp tục trả lương hay công ty phải giải thể?

Theo Fortune, SVB đã được Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) tiếp quản với tư cách là đơn vị nhận tiền gửi. FDIC thông báo rằng những người có tiền gửi tại ngân hàng với giá trị từ 250.000 USD trở xuống sẽ được tiếp cập vào những khoản tiền đó muộn nhất là vào ngày 13/3.

Vậy câu hỏi đặt ra đối với các startup đã gửi tiền vào SVB là điều gì sẽ xảy ra với khoản tiền vượt quá 250.000 USD của họ.

418cdd79f63b4c449261acad63aee8fd.jpeg

Khoảng vài giờ sau khi SVB sụp đổ, nhà sáng lập của 1 startup từng thực hiện giao dịch với ngân hàng này đã nói với tạp chí Fortune thông qua 1 tin nhắn riêng rằng: “Đầu óc của chúng tôi đang quay cuồng. Chúng tôi không biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Một nhà sáng lập khác cũng nhắn tin cho Fortune: “Tôi nghĩ rằng toàn bộ hệ thống ngân hàng đang bị tê liệt”. Những người đứng đầu các công ty khởi nghiệp khẳng định trọng tâm trong lúc này của họ là làm cách nào để xoay sở đủ tiền mặt và có thể trả lương cho nhân viên của mình. 

Trong khi đó, một số quỹ đầu tư mạo hiểm cũng không chắc chắn điều gì đang xảy ra với các công ty trong danh mục đầu tư của họ và cộng đồng khởi nghiệp nói chung.

Theo Fortune, một đại diện của quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) đã chia sẻ rằng: Không biết điều gì sẽ xảy ra với số tiền mà các startup đã gửi tại ngân hàng nếu nó vượt qua 250.000 USD (mức tiền thuộc diện được bảo hiểm). Liệu chúng có bị “khóa” hay không?, đồng thời nhấn mạnh cuối tuần này rất quan trọng. 

FDIC cho biết trước khi “gặp hạn”, SVB có tổng tài sản trị giá khoảng 209 tỷ USD và 175,4 tỷ USD tiền gửi. Không rõ chính xác tính đến ngày 10/3, có bao nhiêu khoản tiền gửi ngân hàng không được bảo hiểm, nhưng theo hồ sơ báo cáo thường niên thì đến 12/2022, SVB có hơn 151 tỷ USD tiền gửi không thuộc diện được bảo hiểm, tương đương hơn 90%. 

screenshot-2023-03-11-153908.png

Theo FDIC, muộn nhất là vào 13/3, những người có khoản tiền gửi được bảo hiểm tại SVB sẽ được tiếp cận đầy đủ các khoản tiền đó. Những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận được 1 khoản trả trước. Còn đối với các trường hợp còn lại, họ sẽ nhận được 1 loại giấy xác nhận bản thân là người được chia tiền sau khi FDIC thanh lý các tài sản của SVB.

FDIC khuyến nghị những người có khoản tiền gửi trị giá hơn 250.000 USD nên gọi cho FDIC theo đường dây nóng 1-866-799-0959 để được giải đáp thắc mắc.

Tuy vậy, một số người đứng đầu startup không những không chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với khoản tiền không được bảo hiểm của họ mà còn không có thời gian để chờ đợi và tìm hiểu chúng.

Một nhà sáng lập startup giấu tên đã nói với tạp chí Fortune rằng tình hình có thể trở nên rất tồi tệ đối với công ty khởi nghiệp của họ. “Có lẽ công ty của tôi sẽ đặt dấu chấm hết. Tôi chỉ có thể trả 1 đến 2 tháng lương nữa mà thôi”.

Những nhà sáng lập cũng nói rằng kể từ khi thông báo của FDIC được công bố, không có một ai biết điều đó có nghĩa là gì, họ đã nói chuyện với nhau trên khắp các nhóm, email,..và đã giúp đỡ nhau rất nhiều. 

Một số nhà sáng lập còn đổ lỗi cho các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) vì đã không xử lý tình huống tốt. 

Theo Fortune, có 1 nhà sáng lập startup đã nói rằng họ có tổng cộng khoảng 1 triệu USD tiền gửi tại SVB và chỉ đang mong đợi nhận lại phần tiền trị giá 250.000 USD vào ngày 13/3 mà thôi.

Họ nói rằng giả sử startup của mình có đội ngũ nhân sự quy mô nhỏ thì số tiền đó cũng chỉ đủ để duy trì cho khoảng ba tháng. Tuy nhiên, nhìn chung, đa phần công ty nào cũng lo lắng về đợt trả lương tiếp theo và không biết có thể duy trì được trong ngắn hạn hay không?. 

Bên cạnh đó, những câu hỏi lớn cũng đã được đặt ra: Liệu số tiền họ gửi tại SVB được quản lý bởi quỹ BlackRock hoặc một tổ chức lớn khác và SVB là người giám sát hay đó thực sự là tiền của SVB?

Nhiều người trong ngành cũng đang thắc mắc ai có thể tham gia mua tài sản của SVB, và điều này khi nào sẽ xảy đến. 

Chủ startup gửi 1 triệu USD tại SVB cũng nói thêm: “Nếu đến 13/3, sự việc vẫn không có tiến triển hay không có thông báo nào liên quan đến số tiền dự kiến được chia sau khi FDIC thanh lý các tài sản của SVB thì tôi sẽ thực sự cảm thấy “bất an” và lo lắng. 

Tham khảo Fortune


(0) Bình luận
‘Cơn ác mộng’ từ cú sập SVB: Hàng loạt công ty này đứng trước nguy cơ bị ‘xóa sổ’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO