Cụ thể, kết phiên 27/8, giá cổ phiếu VIC của Vingroup ở mức 45.100 đồng/cổ phiếu, tăng 7% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh tăng đột biến đạt gần 12,7 triệu đơn vị - gấp hơn 6 lần trung bình 10 phiên giao dịch gần đây (hơn 1,9 triệu đơn vị).
Trong 10 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu VIC chỉ có 1 phiên giảm giá, 3 phiên đứng giá và có đến 6 phiên tăng giá (gồm 1 phiên tăng trần), thị giá tăng 10,8%, tương ứng tăng 4.400 đồng/cổ phiếu.
Đồng thời, đạt đỉnh giá cao nhất trong 3 tháng trở lại đây, hiện vốn hóa thị trường của Vingroup là hơn 172.447 tỷ đồng.
Rộng hơn, cổ phiếu VIC đạt đỉnh giá cao nhất từ đầu năm trở lại đây tại phiên 10/4 ở mức 48.500 đồng. Tuy nhiên, sau đó giá cổ phiếu VIC rơi xuống vùng đáy giá thấp nhất ở phiên 08/7 ở mức 40.400 đồng/cổ phiếu rồi liên tục điều chỉnh nhẹ trong ngưỡng từ 40.000 – 42.000 đồng/cổ phiếu.
Bất ngờ ở phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu VIC tăng mạnh ngay từ đầu phiên, hút mạnh dòng tiền của các nhà đầu tư. Nhờ đó thị giá cổ phiếu Vingroup tăng thẳng đứng, lần đầu quay trở lại vượt ngưỡng 45.000 đồng/cổ phiếu kể từ cuối tháng 5 tới nay.
Tương tự cổ phiếu VIC, cổ phiếu “họ Vin” khác là cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay.
Kết phiên 27/8, giá cổ phiếu VHM ở mức 41.400 đồng/cổ phiếu, tăng 2,22% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 18,2 triệu đơn vị. Đây là đỉnh giá cao nhất từ đầu tháng 5 tới nay của mã cổ phiếu này, hiện vốn hóa thị trường của Vinhomes là hơn 180.270 tỷ đồng.
Cổ phiếu VRE của Vincom Retail cũng tiếp đà hồi phục, khi tăng 1,01% lên 20.050 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 15 triệu đơn vị.
Giống như bộ đôi cổ phiếu VHM và cổ phiếu VIC, cổ phiếu VRE sau khi rơi xuống vùng đáy giá thấp nhất lịch sử ở đầu tháng 8, thị giá cổ phiếu Vincom Retail đã liên tục hồi phục mạnh trong những phiên gần đây trùng với thời điểm Vinhomes công bố thương vụ 'lớn chưa từng có'.
Theo đó, vào ngày 7/8, Hội đồng quản trị Vinhomes dự kiến mua lại 370 triệu cổ phiếu, tương ứng 8,5% vốn điều lệ theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Việc mua lại sẽ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán.
Dựa trên giá đóng cửa ngày 6/8, ước tính Vinhomes sẽ phải bỏ ra gần 13.000 tỷ đồng.
Việc mua lại 370 triệu cổ phiếu sẽ khiến cho vốn điều lệ của Vinhomes giảm tương ứng 3.700 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm đi sẽ giúp chỉ số thu nhập trên 1 cổ phiếu (EPS) tăng lên. Sau công bố này, Vinhomes đang được kỳ vọng có thể hỗ trợ đưa giá VHM tối thiểu về đến mức giá sổ sách.
Dù chưa mua lại bất kỳ một cổ phiếu nào, nhưng động thái dự kiến chi gần 13.000 tỷ đồng gom cổ phiếu VHM của Vinhomes kể trên đã giúp cổ phiếu “họ Vin” giao dịch “thăng hoa” trong những phiên vừa qua, vốn hóa thị trường tăng mạnh, …
VN-Index thoát hiểm vào cuối phiên
Thị trường rung lắc mạnh, phần lớn thời gian chỉ số chính VN-Index nằm dưới tham chiếu. Nhờ dòng tiền bắt đáy của các nhà đầu tư ở cuối phiên giao dịch, VN-Index mới may mắn thoát hiểm, giữ được sắc xanh.
Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 0,54 điểm, lên 1.280 điểm. Ngược chiều, chỉ số HNX-Index giảm 0,06 điểm, xuống 238,91 điểm. UPCoM-Index giảm 0,02 điểm, xuống 94,15 điểm.
Hôm nay, cổ phiếu bất động sản trở thành trụ chính dẫn dắt thị trường, với sự bung nổ giao dịch ở nhóm cổ phiếu “họ Vin” gồm VIC +7%, VHM +2,22%, VRE +1,01%. Ngoài ra, các cổ phiếu khác như HDC +3,53%, DXG +1,275, TCH +1,9%, …
Trong khi, các cổ phiếu DIG, PDR, KDH, NTL, BCM … đều giảm dưới 1%.
Tại nhóm ngân hàng, dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu KLB của Kienlongbank, tăng trên 2%. Theo sau là cổ phiếu NVB của Navibank và ABB của ABBank tăng trên 1%. Các cổ phiếu còn lại như CTG, TCB, BAB, PGB, SGB đều tăng điểm dưới 1%. Trong khi, các cổ phiếu còn lại của nhóm này đều chìm trong sắc đỏ như BID -1,2%, VCB -0,54%, MBB -0,2%, LPB -0,63%, SSB -2,27%, ....
Khối ngoại tiếp đà bán ròng trên sàn HoSE lên phiên thứ 5, với giá trị bán ròng gần 260 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại bán ra nhiều nhất cổ phiếu TLG của Bút bi Thiên Long với giá trị hơn 177 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu HPG (82,9 tỷ đồng), cổ phiếu PRT (61,72 tỷ đồng), cổ phiếu VPB (60,68 tỷ đồng), cổ phiếu PVI (41,63 tỷ đồng), …
Ở chiều mua vào, khối ngoại mua vào nhiều nhất cổ phiếu FPT với giá trị hơn 101 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu VIC (64,96 tỷ đồng), cổ phiếu CTG (60,04 tỷ đồng), cổ phiếu VNM (30,78 tỷ đồng), …