Cổ phiếu bất động sản: Nhà đầu tư "choáng váng" nhìn tài khoản ngày một bào mòn

Phạm Minh | 07:26 20/06/2022

Thị trường chứng khoán tuần qua vừa chứng kiến phiên giảm điểm khá mạnh, kéo VNI về 1.270 điểm, trong đó cổ phiếu bất động sản góp mặt khá đông và có thể nói là “tội đồ” với các mã như L14, DIG. CEO, CII, DLG, GEX, HQC, SCR, DRH, DXG, DXV…

Cổ phiếu bất động sản: Nhà đầu tư "choáng váng" nhìn tài khoản ngày một bào mòn
Cổ phiếu bất động sản có một tuần giao dịch tồi tệ khi hầu hết các mã đều giảm hết biên độ.

“Nằm sàn” la liệt

Còn nhớ, hồi đầu tháng 1/2022, cổ phiếu bất động sản “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán với sự tăng giá mạnh mẽ của DIG, CEO, CII, L14, LDG… Cổ phiếu CEO đã tăng một mạch từ mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 10/2021, lên 99.000 đồng/cổ phiếu hôm 11/1/2022. Cổ phiếu DIG hồi cuối tháng 10/2021 có mức giá 50.900 đồng/cổ phiếu lên 119.000 đồng/cổ phiếu hôm 11/1/2022. Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng giá bằng lần. Nhiều nhà đầu tư chốt lời gấp đôi, gấp ba so với thời điểm cuối tháng 10/2021.

Tuy nhiên, từ khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất tại Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), cùng với việc ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư, cổ phiếu bất động sản “tuột dốc” theo.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân đầu tư ở mức giá cao đã “mắc kẹt” tưởng chừng không có lối thoát. Xen kẽ thời gian đó đến cuối tháng 3/2022, cổ phiếu bất động sản hồi lại, niềm hy vọng giá cổ phiếu bất động sản quay lại thời hoàng kim. Nhưng rồi, đầu tháng 4/2022, đà giảm của cổ phiếu bất động sản lại bắt đầu cho đến thời điểm này gần như dò mãi vẫn chưa thấy đáy.

Tuần từ 13-17/6, đà giảm của cổ phiếu bất động sản “thảm hại” hơn nữa, khi có nhiều mã giảm hết biên độ (giảm sàn) trong 3-4 phiên giao dịch. Đơn cử như cổ phiếu LDG giảm sàn cả 5 phiên, từ giá 11.800 đồng/cổ phiếu mở cửa phiên giao dịch ngày 13, xuống giá 8.290 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 17, tương đương mất 30%.

Cổ phiếu DIG, mở cửa hôm 13 có giá 52.000 đồng/cổ phiếu, sau 4 phiên sàn, chốt phiên ngày 17 xuống còn 36.350 đồng/cổ phiếu, tương đương mất 25%.

Nhiều cổ phiếu bất động sản như HQC, TTB, SCR... về mệnh giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Các nhà đầu tư nếu mua cổ phiếu SCR hồi cuối tháng 3/2022 với mức giá 21.000 đồng/cổ phiếu, thì đến nay đã giảm gần 3 lần, chỉ còn 8.840 đồng/cổ phiếu ngày 17/3, và nếu tính từ đỉnh, nhà đầu tư mất khoảng 60-70% vốn. Đây có thể nói là cú “trời giáng” và nhà đầu tư sẽ không biết đến khi nào mới về “được bờ”.

Các nhà đầu tư cổ phiếu bất động sản thất vọng tràn trề, tâm lý chán nản bao trùm. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư xoá app để không phải nhìn thấy tài khoản ngày một bị bào mòn.

Có hiện tượng thao túng giá

Đà giảm của các cổ phiếu bất động sản được đánh giá có nguyên nhân đến từ những biến cố trên thị trường trái phiếu thời gian qua. Theo ước tính của KBSV, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2022 của nhóm bất động sản lên đến 98.000 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán này cho rằng nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao tuy nhiên sẽ gặp phải nhiều thách thức về mặt chính sách và pháp lý trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai việc kiểm soát chặt chẽ việc phát hành cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Trong một báo cáo gần đây, VNDirect nhận định ngành bất động sản đang phải đối mặt nhiều thách thức hơn yếu tố tích cực. Triển vọng ngành bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng tác động đến quyết định mua nhà, giá vật liệu tăng có thể làm tăng giá nhà ở và thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, VNDirect cho rằng các chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới. Do đó, hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh trong khi mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại, điều này có thể sẽ giúp giá nhà đất hạ nhiệt trong các quý còn lại năm 2022.

Giới chuyên môn chứng khoán cho rằng, việc giá cổ phiếu bất động sản tăng nóng vừa qua không phải do giá trị doanh nghiệp tăng hay kết quả kinh doanh khả quan. Mà việc tăng nóng ở đây có yếu tố chủ quan tác động. Có những doanh nghiệp 2 năm liên tiếp lỗ như Tập đoàn CEO, FLC… nhưng cổ phiếu vẫn tăng bằng lần. Và hình như kết quả kinh doanh càng thua lỗ thì giá cổ phiếu càng tăng.

Từ tháng cuối tháng 3/2022 đến nay, giá cổ phiếu bất động sản đang lao dốc thảm hại cho thấy cổ phiếu lĩnh vực này đang hiển hiện vỡ “bong bóng”. Người chịu thiệt hại không ai khác chính là các nhà đầu tư đã “đu đỉnh” theo con sóng cổ phiếu bất động sản.

Mới đây, tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ kỳ họp Quốc hội khoá XV, trả lời các câu hỏi của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng bong bóng trên thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ cho biết, hiện trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Để khắc phục tình trạng này, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng; phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra….

Tuy nhiên, để được Nghị định 153 sửa đổi ban hành, thì nhà đầu tư cổ phiếu bất động sản vẫn đang “đứt ruột” hàng ngày nhìn tài khoản ngày một bào mòn mà chưa biết đến khi nào hồi lại vốn, chứ không mong có lãi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cổ phiếu bất động sản: Nhà đầu tư "choáng váng" nhìn tài khoản ngày một bào mòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO