Khi Val Zapata bắt đầu sở thích sưu tập giày thể thao từ sau đại dịch Covid-19, cô không có ý định kiếm tiền. Đây chỉ là cách để giải tỏa căng thẳng sau giờ làm khi tìm kiếm những đôi giày thể thao độc đáo trên mạng xã hội hay thị trường thứ cấp.
Nếu như bán được 1-2 đôi và kiếm được tiền thì Zapata chỉ coi đó như một phần thưởng cho thú vui này.
Trớ trêu thay, công việc kinh doanh từ thú vui này ngày càng phát triển và chúng khiến nghề chính của Zapata, một nhân viên cho hãng bảo hiểm nhân thọ, trở nên nhàm chán.
Vậy là vào năm 2021, Zapata đã tạo tài khoản Instagram mang tên The Shoe Game để kinh doanh thêm mảng giày thể thao như một công việc phụ.
Tuy nhiên không hài lòng chỉ với Instagram, cô Zapata muốn mình kiếm được nhiều hơn thế từ đam mê chơi giày nên quyết định sử dụng cả nền tảng bán hàng trực tuyến Whatnot vào năm 2022. Đây là một nền tảng cho phép các buổi livestream bán hàng theo thời gian thực và Zapata đã chứng kiến một thế giới hoàn toàn mới của thương mại điện tử.
"Thật điên rồ, có những buổi livestream với 800 người xem và mọi người mua hàng chỉ trong chưa đầy 3 giây", Zapata phải thốt lên.
25.000 USD/ngày
Sau khi nộp đơn và được kinh doanh trên Whatnot, cô Zapata không vội tổ chức livestream mà theo dõi các buổi chiếu trực tiếp của những người bán hàng khác để học hỏi.
"Đây như một khóa học cấp tốc về những điều nên hay không nên làm khi livestream trên Whatnot", cô Zapata nói.
Mặc dù vậy, buổi livestream đầu tiên của Zapata vẫn khá hỗn loạn và chẳng hề có lãi khi chỉ kiếm được khoảng 50 USD
Thế nhưng người cha của Zapata đã khuyên cô không nên từ bỏ khi lấy nghề bán xe hơi của mình ra làm ví dụ.
"Con sẽ dần tìm ra những gì khách hàng muốn, những gì họ ghét và những gì họ sẽ chấp nhận trả giá", bố của Zapata khuyên nhủ khi nói về việc bán những chiếc F150 ở Houston hơn là ở Nevada do khác biệt về điều kiện môi trường.
Nhờ sự ủng hộ này mà Zapata bắt đầu kiên trì con đường thương mại điện tử (TMĐT) của mình để rồi một ngày kiếm được đến 25.000 USD lợi nhuận, tương đương 614 triệu đồng.
"Chúng tôi phát triển dần dần, chậm nhưng chắc, từ 3% lợi nhuận lên dần đến 15%", cô Zapata nhớ lại.
Hầu hết doanh số của Zapata đến từ Whatnot, nghĩa là cô gái 27 tuổi này sẽ phải livestream hầu như hàng ngày. Vậy là cô đã biến phòng chơi game trong gia đình thành phòng phát sóng bán giày.
"Bây giờ tôi đã có chút thiết bị chứ hồi đầu tôi chỉ có chiếc iPad để quay và kiểm tra tin nhắn trên iPhone, đi kèm với đó là một chiếc đèn bàn nhỏ có giá 15 USD mua trên Amazon, phông nền và một vài giá giày thể thao", cô Zapata nhớ lại.
Những buổi phát sóng của Zapata dần ngắn hơn nhưng chuyên nghiệp hơn, chỉ kéo dài khoảng 1-2h thay vì hàng giờ như trước.
Theo Zapata, cô cần giữ sức sau buổi livestream để nhập hàng và điều phối chuỗi cung ứng sản phẩm. Bản thân Zapata cũng cần thời gian để tìm kiếm những mẫu giày độc đáo và có cuộc sống riêng bên cạnh nghề bán giày.
Chỉ sau 1 tháng kinh doanh trên Whatnot, cô Zapata đã nghỉ việc bán bảo hiểm vào năm 2022 để tập trung làm TMĐT.
Hiện công ty của Zapata đã mở rộng sang cả bán thời trang dạo phố với doanh số lên đến 500.000 USD/tháng. Cho đến hiện tại, doanh nghiệp của Zapata đã đem về hơn 4 triệu USD, tương đương hơn 98 tỷ đồng.
Bí quyết làm giàu
Công ty của Zapata chỉ có 8 nhân viên và một nhà kho rộng hơn 1.800 m2 để lưu kho hàng. Cô gái 27 tuổi này cho biết đây mới chỉ là khởi đầu khi TMĐT đang bùng nổ mạnh ở Mỹ với rất nhiều cuộc livestream bán hàng có đến 10.000 người xem.
Bởi vậy Zapata cho biết chỉ cần phát triển được kỹ năng bán hàng trực tuyến là mọi người đều có cơ hội kiếm tiền như cô. Trong khi Zapata thành công trên Whatnot thì vẫn còn vô số những nền tảng bán hàng trực tuyến khác như Bambuser, Channelize.io, Facebook Live và YouTube Live.
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân, cô Zapata cho biết mình đã luôn mài giũa kỹ năng bán hàng nhờ quan sát những nhà bán hàng nổi tiếng trên mạng.
"Nếu không livestream thì tôi sẽ xem những người bán hàng mà tôi ngưỡng mộ hay thích cách trò chuyện của họ đang bán giày như thế nào. Sau đó tôi tự hỏi họ đang làm gì, làm như thế nào và tại sao lại làm điều đó trong buổi livestream", cô Zapata chia sẻ.
Ngoài ra, cô gái 27 tuổi cho biết tìm nguồn hàng chỉ là một phần lợi thế bởi cho dù có kiếm được hàng giá rẻ thì cũng chẳng có tác dụng gì nếu không bán được chúng.
Do đó, Zapata cho rằng người bán hàng cũng cần phổ cập kiến thức về giá trị của món hàng hoặc thuyết phục được người mua.
"Ví dụ cô Holly đến xem livestream và thích đôi giày màu hồng, đồng thời trả giá thì tôi sẽ nói với Holly rằng đây không chỉ là một đôi giày thể thao mà còn là sản phẩm trong bộ sưu tập năm 2020 của vận động viên nổi tiếng Kobe Bryant. Vậy là Holly có lẽ sẽ trả giá nhiều hơn một chút. Thế nhưng nếu người bán không chịu chia sẻ những thông tin này thì tất cả những gì Holly thấy chỉ là một người bán giày đang cố mặc cả để kiếm thêm vài USD. Do đó, hãy phổ cập thêm kiến thức cho người mua hàng về giá trị sản phẩm", cô Zapata cho biết.
Cuối cùng, Zapata cho biết cô dành khá nhiều thời gian để đọc các bài đánh giá và điều chỉnh kinh doanh dựa trên những lời nhận định của người mua. Suy cho cùng, chính khách hàng mới là người bỏ tiền cuối cùng và nhu cầu của họ là thứ cần được ưu tiên trên hết.
"Khi tôi xem các bài đánh giá về sản phẩm của mình tôi sẽ luôn tự hỏi liệu thế có ổn không, chúng ta cần sửa những gì. Khi bạn là chủ doanh nghiệp thì bạn phải tự tạo động lực cho chính mình, tự hối thúc bản thân làm việc", cô Zapata cười nói.
*Nguồn: BI