Trong khuôn khổ Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh tại Việt Nam diễn ra từ 21-23/10/2024, Giáo sư tiến sĩ Arne Heinold đến từ Kühne Logistics University (KLU), ngôi trường danh tiếng hàng đầu trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, đã tham gia các phiên thảo luận thảo luận và chia sẻ về phát triển bền vững thông qua xây dựng logistics bền vững cũng như vai trò của KLU trong việc đồng hành cùng Việt Nam và khu vực về vấn đề này.
Ông nhận định thế nào về tiềm năng và thách thức của ngành logistics Việt Nam? Những giải pháp quan trọng nào Việt Nam cần thực hiện đạt được mục tiêu giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh của ngành logistics trên thị trường quốc tế?
Giáo sư tiến sĩ Arne Heinold: Đây là một câu hỏi rất phù hợp ở thời điểm hiện nay khi mà ngành vận tải có thể tác động tới 20% lên thương mại quốc tế (Theo một số nghiên cứu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một điều rõ ràng là nếu chúng ta chỉ áp dụng các giải pháp từ các quốc gia phát triển như những giải pháp sẵn có ở Đức, chúng sẽ không phù hợp với Việt Nam vì chúng sẽ không mang lại kết quả chuyển đổi kinh tế “xanh” như mong đợi.
Bởi vì thách thức đối với Việt Nam là việc thu hẹp khoảng cách hạ tầng hoặc đơn giản hóa các quy định, nhưng tôi cũng rất tin tưởng rằng những thách thức này là cơ hội lớn. Thay vì sao chép các giải pháp từ các nước phát triển, Việt Nam có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo mới, để tránh những bẫy mà các nước phát triển đang vướng phải. Việc thay đổi một hệ thống hiện tại khó khăn hơn nhiều so với việc tạo ra một hệ thống mới từ đầu. Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam thực sự vượt trội về mặt "xanh hóa".
Một điểm khác tôi muốn nhấn mạnh là việc kết nối các chủ đề với nhau là rất quan trọng. Chúng ta nói rất nhiều về tính bền vững, đặc biệt là trong hội nghị này. Nhưng khi nhìn vào ngành logistics và chuỗi cung ứng, chúng ta thấy nhiều thay đổi. Thương mại điện tử đang gia tăng, điều này cũng sẽ làm tăng lượng vận tải. Chúng ta cũng thấy sự số hóa với trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) sẽ có tác động lớn đến ngành, điều này cũng tác động và giúp sự bền vững đang dần phát triển hơn. Tại KLU, chúng tôi dạy rằng chúng ta cần kết nối các yếu tố này với nhau và giải quyết chúng một cách toàn diện như một vấn đề lớn.
Trong ngành logistics và chuỗi cung ứng có nhiều phần riêng lẻ và rất nhiều thay đổi đang diễn ra. Chính vì thế, chúng ta cần tiếp cận vấn đề một cách tổng thể.
Ông nghĩ gì về việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không (net zero) tại Việt Nam, khi việc áp dụng các công nghệ xanh có thể rất tốn kém, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận trong khi vẫn duy trì được mức phát thải ròng bằng không để đạt kết quả kinh tế tối ưu.
Hiện nay, ở Liên minh châu Âu, chúng tôi đã quyết định áp dụng thuế carbon. Vì vậy, đối với mỗi tấn khí thải được phát ra, các công ty phải trả phí. Ở Hoa Kỳ, họ sử dụng trợ cấp. Họ có Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act), về cơ bản cung cấp rất nhiều tiền cho các công ty nếu họ đầu tư vào công nghệ xanh. Đây là hai cách tiếp cận khác nhau.
Rất khó để nói hiện tại cách tiếp cận nào sẽ tốt hơn và chúng tôi sẽ lựa chọn phương pháp nào để áp dụng, bởi điều này sẽ tác động đáng kể đến cách các công ty hoạt động. Về điều này chúng tôi sẽ nghiên cứu trong tương lai và chứng minh xem phương pháp nào chứng minh hiệu quả hơn. Cũng có thể áp dụng cả hai sẽ thành công.
KLU có chương trình mà tôi đã đề cập trước đó, và tất cả các chương trình của chúng tôi đều tập trung vào các chủ đề về tính bền vững. Chúng tôi nỗ lực tích hợp tính bền vững vào các khóa học thường xuyên, các lớp học chuyên sâu như logistics xanh và quản lý chuỗi cung ứng bền vững. Các lớp học này tập trung vào việc các công ty có thể thay đổi, hoặc cần phải thay đổi như thế nào để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng không đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động môi trường.
Ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động đến môi trường. Do đó, đào tạo kỹ năng xanh cho nguồn nhân lực logistics không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG. KLU có quan tâm đến nội dung này không? Theo ông, có cần phát triển tiêu chuẩn đầu ra cho các cơ sở đào tạo nhân lực liên quan đến kỹ năng xanh trong ngành này không?
Tại KLU, chúng tôi tập trung vào hai lĩnh vực chính: nghiên cứu và giảng dạy. Chúng tôi có các chương trình cử nhân và thạc sĩ, cũng như giáo dục điều hành. Điều này bao gồm các chứng chỉ trong khoá học hè cho các kỹ năng cụ thể như đo lường lượng carbon. Chúng tôi muốn phát triển các chương trình liên quan đến những cơ hội học tập này.
Chúng tôi quyết định đào tạo chương trình logistics và quản lý chuỗi cung ứng này tại Việt Nam bởi sự tiềm năng nơi đây và với mong muốn mở một cơ sở phục vụ cho hàng triệu người dân châu Á trong tương lai. Chúng tôi không đến đây để kiếm lợi nhuận mà muốn tái đầu tư toàn bộ doanh thu vào Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Điều chúng tôi muốn thực hiện là xây dựng năng lực (capacity building). Chúng tôi mong muốn đào tạo những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng cho thị trường địa phương, và đây là điểm khác biệt so với các nhà đầu tư khác trên thị trường.
Hơn nữa, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò lớn trong việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Với ông Kuhne, người sáng lập đại học của chúng tôi, việc cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững là rất quan trọng. Khi quyết định đến Việt Nam, chúng tôi đã thấy tiềm năng lớn của thị trường này trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, và điều này cũng tạo ra cơ hội tuyệt vời cho nguồn nhân lực.
Nhưng trước hết cần phải đào tạo nhân lực có kỹ năng về logistics và quản lý chuỗi cung ứng để đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Đó là lý do chúng tôi vào thị trường này, để truyền tải kiến thức và giáo dục về logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Ông định nghĩa thế nào về "kỹ năng xanh" đang rất xu hướng trên toàn cầu và bạn có quan điểm gì về việc đào tạo và giáo dục lực lượng lao động ở Việt Nam, đặc biệt là sinh viên KLU trong việc phát triển các kỹ năng này trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn đang gia tăng?
Theo ý kiến của tôi, “kỹ năng xanh” là tập hợp các kỹ năng cần thiết để thiết kế một chuỗi cung ứng xanh và bền vững, nó giống với những kỹ năng cần có để tạo ra một chuỗi cung ứng hiệu quả về chi phí. Điều này liên quan đến tư duy phân tích, kết nối các trường hợp thực tế (case study) khác nhau và dựa trên dữ liệu trong lĩnh vực logistics. Tôi không cho rằng định nghĩa đó là một nhóm kỹ năng riêng mà nói đúng hơn kỹ năng xanh là “tập hợp kỹ năng theo nghĩa rộng” hơn.
Hơn nữa, các kỹ năng liên quan đến logistics và quản lý chuỗi cung ứng có thể áp dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Một khi bạn hiểu cách lập bản đồ chuỗi cung ứng phức tạp một cách đơn giản và cải thiện hiệu suất của nó trong khi hợp tác với nhiều đối tác khác nhau, bạn có thể chuyển những kỹ năng đó sang các lĩnh vực khác như marketing, tài chính, và kế toán.
Để tôi đưa ra một ví dụ. Nếu chúng ta nhìn vào kế toán carbon, quá trình này bao gồm việc xác định lượng phát thải liên quan đến một sản phẩm hoặc dịch vụ trong suốt chuỗi cung ứng, điều này khá phức tạp. Tuy nhiên, khi thành thạo việc tính toán carbon, bạn cũng có thể nâng cao hiểu biết của mình về tính toán chi phí. Hai lĩnh vực này có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng tôi dạy các kỹ năng xanh, nhưng một khi sinh viên đã nắm vững, họ có thể áp dụng chúng một cách rộng rãi.
Tại Việt Nam, điều rất quan trọng là phải giáo dục sinh viên và phải nhận được sự đồng hành của các nhà lãnh đạo về tầm quan trọng của các giải pháp bền vững. Chúng ta cần chỉ ra cho những người ra quyết định thấy rằng việc áp dụng những giải pháp này sẽ mang lại lợi ích về lâu dài. Điều này có nghĩa là phải đi sâu vào các con số và chỉ ra rằng, mặc dù các lựa chọn bền vững có thể đắt đỏ hơn ban đầu, nhưng cuối cùng chúng sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!