Tờ Nikkei Asian Review cho hay chính phủ Hàn Quốc dưới thời tân Tổng thống Lee Jae Myung đang bước vào một chương mới đầy tham vọng trong lĩnh vực tài chính số: phát hành stablecoin neo theo đồng won (won-pegged stablecoin).
Động thái này không chỉ đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ kỹ thuật số của Seoul, mà còn đặt quốc gia này vào trung tâm cuộc đua toàn cầu nhằm định hình tương lai của tiền số.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) lập tức cảnh báo khi nhắc lại về bài học sụp đổ tiền số Terra và Luna, làm bay hơi hàng chục tỷ USD.

Canh bạc
Stablecoin là các đồng tiền số được thiết kế để duy trì giá trị ổn định bằng cách neo theo một tài sản truyền thống như USD hoặc vàng và đang nổi lên như một công cụ thanh toán và lưu trữ giá trị tiềm năng trong thế giới số.
Hàn Quốc vốn có hệ sinh thái công nghệ phát triển cùng dân số trẻ am hiểu kỹ thuật số, đang muốn tận dụng xu hướng này để xây dựng một thị trường tài sản kỹ thuật số nội địa vững mạnh.
Theo kế hoạch của chính phủ, các công ty có vốn tối thiểu 500 triệu Won (khoảng 361.000 USD) có thể xin giấy phép phát hành stablecoin, miễn là có phương án dự trữ tài sản an toàn nhằm bảo chứng giá trị đồng coin.
Nhiều "ông lớn" công nghệ như Kakao và Naver đã thể hiện sự quan tâm, sẵn sàng nhảy vào cuộc chơi nhờ hệ sinh thái thanh toán điện tử sẵn có. Với mạng lưới thanh toán và giao dịch rộng khắp, những công ty này có lợi thế đáng kể để trở thành những nhà phát hành tiên phong.
Giáo sư tài chính Choi Dong Beom từ Đại học Quốc gia Seoul nhận định: "Đối với công ty vận hành stablecoin, không có hoạt động kinh doanh nào lợi nhuận bằng. Đó là lý do tại sao mọi người đều muốn tham gia."
Các công ty phát hành có thể tạo ra thu nhập ổn định từ lãi suất trái phiếu ngắn hạn được mua bằng tiền của người mua coin, với chính trái phiếu này đóng vai trò là dự trữ. Những công ty này có thể hưởng lợi từ lãi suất trong khi người dùng vẫn có thể quy đổi coin về Won bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) Rhee Chang-yong cảnh báo rằng việc phát hành stablecoin không được kiểm soát có thể làm rối loạn hệ thống tài chính, đẩy nhanh việc chuyển đổi sang stablecoin neo theo đồng USD, gây ra dòng vốn chảy ra nước ngoài và xói mòn chính sách tiền tệ.
Phía BOK cũng chỉ ra rằng, không giống như ngân hàng trung ương có thẩm quyền phát hành tiền tệ, hoặc các ngân hàng nói chung có thể vay từ ngân hàng trung ương, các nhà phát hành stablecoin có ít cách để ngăn chặn tình trạng người dùng ồ ạt rút tiền (bank run).
Có thông tin cho rằng BOK đã tạm dừng các thử nghiệm về tiền kỹ thuật số của riêng mình, trong khi tám ngân hàng thương mại của đất nước, bao gồm KB và Shinhan, đang hợp tác trong một dự án stablecoin Won chung.
Câu chuyện về stablecoin không thể không nhắc đến "cơn ác mộng" Terra. Vào tháng 5/2022, stablecoin TerraUSD và token Luna của nó đã sụp đổ ngoạn mục sau khi mất giá trị neo với đồng USD, gây ra tác động dây chuyền đến các loại tiền điện tử lớn khác.
Khi thuật toán cố gắng giữ giá trị của TerraUSD mà không có tài sản thực bảo chứng, toàn bộ mô hình đã sụp đổ, làm bay hơi hàng chục tỷ USD khỏi thị trường.
Tuy nhiên, Giáo sư Choi của Đại học Quốc gia Seoul cho rằng stablecoin được hỗ trợ bởi tiền tệ thực khó có thể sụp đổ như Terra và Luna, vốn thất bại vì dựa vào thuật toán phức tạp thay vì tài sản thực.

Bằng chứng là các stablecoin "có tài sản thật" như USDT của Tether và USDC của Circle được xem là mô hình an toàn hơn, khi được bảo chứng bằng trái phiếu chính phủ Mỹ và các tài sản thanh khoản cao. Hai công ty này hiện nắm giữ số trái phiếu Mỹ lên tới 166 tỷ USD – gần ngang một quốc gia nhỏ tại châu Âu.
Cuộc đua Stablecoin
Hàn Quốc không phải là nền kinh tế duy nhất lao vào cuộc đua. Tại Mỹ, Quốc hội vừa thông qua GENIUS Act, một dự luật thiết lập khuôn khổ liên bang cho stablecoin neo theo USD. Tổng thống Donald Trump được kỳ vọng sẽ ký ban hành trong tuần này, nhằm thúc đẩy sức mạnh tài chính số của đồng USD.
Tờ Nikkei cho hay ngay cả Trung Quốc, quốc gia đã cấm giao dịch Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác từ năm 2019, cũng đang có dấu hiệu "bạo dạn" hơn.
Cố vấn Huang Yiping của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho rằng luật pháp về stablecoin gần đây ở Hồng Kông mang đến cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy đồng tiền của mình trong các giao dịch xuyên biên giới.
Ông Huang đã phát biểu trên truyền thông nhà nước rằng "đáng để khám phá" tiềm năng phát hành stablecoin Nhân dân tệ tại Hồng Kông, nơi không bị kiểm soát vốn như Trung Quốc đại lục.
Trong khi đó, Hồng Kông – trung tâm tài chính châu Á – đã hoàn thiện luật quản lý stablecoin, có hiệu lực từ 1/8, tạo hành lang pháp lý rõ ràng và thu hút nhà đầu tư tổ chức.
"Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là sự chuyển động toàn cầu hướng tới các stablecoin được quản lý", giám đốc Priscilla Adams tại Bullish, một sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số, nhận định khi cho biết động thái của Hồng Kông có thể nâng tổng vốn hóa thị trường của stablecoin trên toàn cầu từ 167 tỷ USD lên khoảng 255 tỷ USD.
Dẫu vậy, các nhà chức trách Hồng Kông cũng nhấn mạnh stablecoin là một phương tiện thanh toán, không phải công cụ đầu tư hay đầu cơ.
"Stablecoin không phải là một công cụ đầu tư hay đầu cơ, mà là một loại phương tiện thanh toán dựa trên blockchain", Eddie Yue, giám đốc điều hành của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông cảnh báo.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo", "tiền số" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.
*Nguồn: Nikkei, Fortune, BI