Chấn động thị trường xe điện Trung Quốc: Nghi vấn loạt hãng ô tô 'xào nấu' số liệu, bán được 50.000 xe nhưng khai khống doanh số lên hơn 100.000 xe

Phương Linh | 09:59 21/07/2025

Trong ngành ô tô Trung Quốc, những chiếc xe được ghi nhận là đã bán nhưng thực tế chưa đến tay khách hàng.

Chấn động thị trường xe điện Trung Quốc: Nghi vấn loạt hãng ô tô 'xào nấu' số liệu, bán được 50.000 xe nhưng khai khống doanh số lên hơn 100.000 xe

Tờ Reuters đưa tin, các thương hiệu xe điện Trung Quốc như Neta và Zeekr đã “thổi phồng” doanh số bán xe trong những năm gần đây để đạt được các chỉ tiêu kinh doanh đầy tham vọng. Trong đó, theo tài liệu mà Reuters tiếp cận và qua các cuộc phỏng vấn với đại lý, người mua xe riêng Neta đã thực hiện với hơn 60.000 xe.

Theo tài liệu này, các công ty đã mua bảo hiểm cho xe trước khi bán cho khách, từ đó tận dụng quy định đăng ký xe tại Trung Quốc để ghi nhận doanh số sớm, đạt các mục tiêu doanh thu theo tháng và quý.

Neta đã ghi nhận sớm doanh số của ít nhất 64.719 xe từ tháng 1/2023 đến tháng 3/2024 bằng cách này – chiếm hơn một nửa tổng doanh số 117.000 xe mà hãng công bố trong cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên chi tiết hành vi ghi nhận doanh số sớm của Neta được tiết lộ.

Tương tự, Zeekr – thương hiệu xe điện cao cấp thuộc sở hữu của Geely – đã thực hiện thủ thuật này vào cuối năm 2024 tại thành phố Xiamen, thông qua đại lý chính là công ty quốc doanh Xiamen C&D Automobile.

Chiêu trò “xe đã chạy 0 km”

Trong ngành ô tô Trung Quốc, những chiếc xe được ghi nhận là đã bán nhưng thực tế chưa đến tay khách hàng thường được gọi là "xe đã qua sử dụng nhưng chưa lăn bánh" (zero-mileage used cars).

Thực tế này xuất phát từ cuộc chiến giá kéo dài nhiều năm do tình trạng dư thừa công suất sản xuất, khiến các hãng xe buộc phải cạnh tranh khốc liệt bằng mọi cách để đạt chỉ tiêu.

Hiện ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng chỉ trích. Truyền thông nhà nước lên án hành vi này, Chính phủ Trung Quốc cam kết chấn chỉnh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, và nhiều cơ quan trung ương đã tổ chức họp với các “ông lớn” trong ngành để thể hiện sự lo ngại.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch cấm bán lại xe trong vòng 6 tháng kể từ ngày đăng ký – nhằm chấm dứt hành vi ghi nhận doanh số ảo.

Cuối tuần qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc thậm chí đã lần đầu tiên nêu đích danh Zeekr vì đã bán xe kèm bảo hiểm trước khi có người mua – một động thái cho thấy chính quyền Trung Quốc đang nghiêm túc trong việc siết chặt hoạt động này.

Báo China Securities Journal, một trong những tờ tài chính lớn nhất của nhà nước, đã phỏng vấn nhiều người mua tại Quảng Châu, Trùng Khánh. Họ cho biết khi nhận xe mới thì phát hiện xe đã có hợp đồng bảo hiểm từ trước, nhưng bị từ chối hoàn tiền dù họ cảm thấy bị lừa.

Tờ báo cũng đặt dấu hỏi về doanh số “bất thường” của Zeekr tại Thâm Quyến và Hạ Môn, ví dụ như tháng 12/2024, doanh số ở Hạ Môn tăng vọt lên 2.737 xe – gấp hơn 14 lần mức trung bình tháng.

Bài báo cũng nhắc đến các bất thường trong số liệu bán hàng của Neta, dù không đi sâu.

Về phần mình, công ty mẹ của Neta – Zhejiang Hozon New Energy Automobile, và Xiamen C&D không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters. Phát ngôn viên của Geely (công ty mẹ của Zeekr) thì phản bác báo cáo của China Securities Journal, nhưng từ chối bình luận về các phát hiện của Reuters.

Ngày chủ nhật, Zeekr tuyên bố trên tài khoản Weibo rằng các xe được nhắc đến là xe trưng bày tại showroom và được mua bảo hiểm bắt buộc để đảm bảo an toàn trong quá trình trưng bày. Hãng khẳng định đây vẫn là xe “mới” khi bán ra thị trường.

Tuy nhiên, Zeekr không trả lời trực tiếp câu hỏi của Reuters về việc liệu các xe đó có được tính vào doanh số bán lẻ hay không. Họ chỉ cho biết đã lập một “đội điều tra đặc biệt” để kiểm tra sự việc, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.

“Cứ làm đi, ai cũng làm vậy cả”

Ông Li Yanwei, chuyên gia phân tích của Hiệp hội Đại lý Ô tô Trung Quốc nhận định trên Weibo rằng Zeekr và Neta thực hiện các hành vi trên nhằm “làm đẹp báo cáo tài chính và đạt chỉ tiêu doanh số”.

“Cách làm này là không nên”, ông viết.

Hồi tháng trước, People's Daily cũng đăng xã luận lên án việc bán xe “0 km” và cảnh báo về hệ lụy đối với người tiêu dùng cũng như ngành công nghiệp.

Đầu tháng này, bốn hiệp hội đại lý tại khu vực châu thổ Trường Giang đã gửi kiến nghị lên các hãng xe yêu cầu đặt ra mục tiêu bán hàng và chính sách thưởng hợp lý hơn, đồng thời ám chỉ rằng đại lý đang bị ép buộc làm giả số liệu bán hàng.

Theo tài liệu mà Reuters thu thập được và lời kể từ một đại lý của Neta, công ty này đã bắt đầu mua bảo hiểm trước khi chuyển xe đến đại lý, sau đó ghi nhận là đã bán.

Tài liệu có đầy đủ thông tin từng xe và tên đại lý bảo hiểm. Sau đó, đại lý chỉ cần chuyển hợp đồng bảo hiểm sang tên người mua sau khi bán. Với cách này, Neta đã ghi nhận trước 64.719 xe.

“Công ty nói rõ với đại lý rằng xe đã mua bảo hiểm trước nên được tính là đã bán”, một đại lý cho biết, giấu tên vì lo ngại bị trả đũa.

“Chúng tôi phải giải thích với khách rằng bảo hiểm là ‘tặng kèm’ và sẽ hết hạn sớm hơn bình thường”.

Tuy nhiên, ba khách hàng của Neta nói với Reuters rằng họ không hề được thông báo về thời điểm bắt đầu bảo hiểm, chỉ phát hiện khi hợp đồng hết hạn bất ngờ.

Đại lý này cho biết, Neta bắt đầu làm vậy từ cuối năm 2022 để tranh thủ nhận trợ cấp xe điện trước khi hết hạn.

Doanh số của Neta đạt đỉnh vào năm 2022 với 152.000 xe, xếp thứ 8 trong số các hãng EV tại Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2023, doanh số giảm còn 87.948 xe (trong đó có 23.399 xe xuất khẩu), và quý I năm 2025 chỉ bán được 1.215 xe.

Tình hình tài chính của Neta sa sút từ cuối năm 2024. Công ty mẹ Zhejiang Hozon đã nộp đơn phá sản tại Trung Quốc hồi tháng trước.

Trong khi đó, Zeekr, hiện đang được Geely tư nhân hóa, cũng áp dụng chiêu trò với sự hỗ trợ của Xiamen C&D.

Vào tháng 12/2024, Xiamen C&D đã đứng tên bảo hiểm cho xe Zeekr thông qua hai công ty con, từ đó giúp Zeekr ghi nhận doanh số trước cuối năm, theo lời 4 đại lý, 2 khách hàng và hóa đơn.

Một số xe sau đó được bán cho khách hàng ở các thành phố khác như Bắc Kinh và Trùng Khánh.

Một khách hàng giấu tên ở miền nam Trung Quốc cho biết: “Nhân viên bán hàng Zeekr nói rằng xe sẽ rẻ hơn 3.000 tệ (khoảng 420 USD) so với giá niêm yết và còn được tặng phiếu sạc điện trị giá 10.000 tệ”.

China Securities Journal cũng cho biết phần lớn khách hàng họ phỏng vấn phát hiện xe được bảo hiểm bởi Xiamen C&D hoặc công ty liên kết.

Reuters không thể xác định chính xác bao nhiêu xe Zeekr tại Hạ Môn tháng 12 đã được ghi nhận sớm.

Dữ liệu từ Hiệp hội Đại lý Ô tô Trung Quốc cho thấy, trong 2.737 xe Zeekr được ghi nhận bán tại Hạ Môn tháng 12, có 2.508 xe bán cho doanh nghiệp, còn lại 257 xe bán cho cá nhân.

Tuy nhiên, văn phòng đăng ký xe Hạ Môn chỉ ghi nhận 271 xe được cấp biển số trong tháng đó – trong khi thông thường khách hàng sẽ đăng ký ngay sau khi nhận xe.

Đại lý của Neta chia sẻ, nhiều xe “0 km” mà ông nhận từ công ty vẫn còn tồn kho chưa bán được.

“Công ty chỉ nhắn một điều: Cứ làm đi, ai cũng làm như vậy cả!”

Theo: Reuters

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chấn động thị trường xe điện Trung Quốc: Nghi vấn loạt hãng ô tô 'xào nấu' số liệu, bán được 50.000 xe nhưng khai khống doanh số lên hơn 100.000 xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO