Vẫn còn khó khăn về pháp lý
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam đánh giá, trên bình diện của một nền kinh tế, việc nhà nước thắt chặt tín dụng và lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng đến tất cả ngành nghề, bao gồm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng,…. Trên thực tế, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó, vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm.
Theo ông Khương, thị trường bất động sản muốn phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp. Trong năm 2023, về tính thanh khoản của thị trường, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khả năng thị trường bất động sản năm 2023 diễn biến theo hướng xấu nhiều hơn tốt. Nếu có những chính sách đặc thù hỗ trợ, thị trường bất động sản mới có diễn biến tích cực hơn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam bày tỏ, thực tế hiện nay, pháp lý vẫn là vấn đề vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản khi triển khai các dự án.
"Những vướng mắc về pháp lý khi triển khai các dự án bất động sản chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thiếu thống nhất. Tuy nhiên, để gỡ điểm vướng này cần phải chờ đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 được thông qua, đồng thời một số luật liên quan cũng được bổ sung, hoàn thiện", ông Đính nhận định.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng thị trường bất động sản năm 2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2022, do khó khăn nên nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản đang phải tinh giản bộ máy, giảm lao động, giảm lương… để duy trì, tồn tại.
"Năm 2023, nếu những khó khăn, thách thức về vướng mắc pháp lý, siết vốn, trái phiếu… tiếp diễn như thời gian qua sẽ tạo thời cơ cho các nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh thâu tóm các dự án tốt. Không loại trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia mua bán, sáp nhập dự án tốt, thương hiệu doanh nghiệp uy tín", ông Châu nhận định.
Giải quyết khó khăn về nguồn vốn
Dự báo về thị trường bất động sản năm 2023, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường vẫn tiếp tục xấu, nhưng có hy vọng vào quý II và III/2023.
Theo ông Quang, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nguồn vốn. Do vậy, phải giải quyết được câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Đối với doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hoặc một số doanh nghiệp có tài sản đảm bảo, có thể vào hỗ trợ xử lý, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người mua trái phiếu, đồng thời ổn định thị trường.
Ông Trần Khánh Quang chia sẻ thêm đối với ngân hàng, hiện mở room tín dụng cũng khó, nếu có mở thì cũng khó rót tiền tới doanh nghiệp bất động sản, bởi doanh nghiệp bất động sản không thuộc đối tượng ưu tiên. Bản thân các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản xuất khác hiện đang gặp nhiều khó khăn về vốn.
Để phục hồi kinh tế và phát triển thị trường bất động sản năm 2023, TS. Sử Ngọc Khương chia sẻ, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, gồm giải ngân vốn đầu tư công, "bơm" tiền vào nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ, kích cầu… cho cộng đồng doanh nghiệp.
"Việc giải ngân các dự án đầu tư công chậm trễ là thiệt thòi cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản trong việc kết nối vùng, đô thị vệ tinh. Để phát triển các đại đô thị rất cần các dự án hạ tầng kết nối kinh tế vùng", TS. Sử Ngọc Khương nhận định.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, khả năng phục hồi thị trường bất động sản bắt đầu từ năm 2023 là có cơ sở. Các nước trên thế giới bắt đầu không tăng lãi suất, áp lực tỷ giá và lãi suất cũng bớt đi, hay những vụ việc đang diễn ra đến thời điểm đó đã được xử lý xong. Đặc biệt là câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lúc đó sẽ rõ ràng hơn nhiều và sẽ lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư.
"Thị trường bất động sản sẽ có nhiều tín hiệu tích cực dựa trên những triển vọng kinh tế Việt Nam trong 2023. Kinh tế sẽ phục hồi nhanh, các động lực tăng trưởng phục hồi mạnh hơn, trong đó phải kể đến sự phục hồi của du lịch nội địa, lạm phát cơ bản được kiểm soát, tỷ giá lãi suất tăng nhưng trong tiên lượng và tầm kiểm soát", ông Lực nhận định.