Trả lời báo chí mới đây, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, mặc dù Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn một số điểm nghẽn, nhất là giải ngân vốn đầu tư công.
Vẫn còn điểm nghẽn
Theo ông Andrew Jeffries, ADB đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam sau đại dịch. Việc triển khai thành công chiến lược vaccine và những biện pháp hữu hiệu trong việc phòng chống COVID-19 đã tạo ra động lực lớn giúp phục hồi các hoạt động kinh tế.
Du lịch trong nước phát triển rất mạnh trong khi du lịch quốc tế đã bắt đầu thu hút khách du lịch trở lại. Tất cả những điều đó đều hỗ trợ cho ngành dịch vụ.
“Vì vậy chúng tôi đã duy trì dự báo tăng trưởng 6,5% cho kinh tế Việt Nam trong năm nay giống như mức dự báo mà chúng tôi đã đưa ra hồi đầu năm vào tháng 4. Chúng tôi cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ còn đạt được mức tăng trưởng cao hơn vào năm sau”, ông Andrew Jeffriesnói.
Sở dĩ ADB giữ nguyên dự báo GDP năm 2022 đạt 6,5% là vì Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với một số rủi ro từ các yếu tố bên ngoài như giá nhiên liệu và hàng hóa tăng cao, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại từ các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Mỹ, EU và Trung Quốc có thể gây ra sự sụt giảm về xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, môi trường kinh tế vĩ mô rất lành mạnh và bền vững cũng như sức hấp dẫn và việc Việt Nam vẫn được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tất cả sẽ là nhân tố giúp cho Việt Nam phục hồi và tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng kinh tế cao như thời gian trước khi đại dịch xảy ra.
Liên quan đến vấn đề giải ngân chậm, ông Andrew Jeffriescho rằng, việc giải ngân đầu tư công được kích hoạt trực tiếp do các hoạt động cơ bản liên quan đến chính các dự án này.
“Việc đầu tiên là cần nắm rõ số lượng các dự án đã sẵn sàng cho việc xây dựng và sử dụng để chính phủ có thể lấy tiền từ ngân sách cho việc đầu tư công”, ông Andrew Jeffries cho hay.
Bên cạnh đó, ông Andrew Jeffries cũng nhìn nhận rằng, nếu các dự án chưa sẵn sàng cho việc xây dựng và sử dụng thì chưa thể tiến hành giải ngân được. Vì vậy, việc đầu tiên cần phải giải quyết là xem xét tất cả các yếu tố ngăn cản việc triển khai dự án.
Theo ông Andrew Jeffries, một trong các yếu tố đó là khó khăn trong việc thu hồi đất đai. Đây là vấn đề nan giải đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, hơn nữa đối với một quốc gia đang phát triển rất nhanh như Việt Nam với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc thu hồi đất đai là quá trình đầy thách thức và đôi khi mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Các dự án chỉ có thể được khởi công khi hoàn tất quá trình này. Chính phủ đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai để hy vọng giải quyết một số vấn đề liên quan đến thu hồi đất.
Một vấn đề khác trong việc tiến hành xây dựng các dự án là giải ngân vốn, nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế, đấu thầu và thuê nhà thầu đều phải diễn ra và được hoàn thiện và do đó, Việt Nam nên thực hiện các việc cùng một lúc thay vì tuần tự. Điều này sẽ giúp tăng tốc độ giải ngân.
Và cuối cùng, khi các dự án đang được xây dựng, đặc biệt là những dự án lớn sẽ mất nhiều năm để xây dựng, không thể tránh khỏi những thay đổi xảy ra và có thể cần phải thay đổi thiết kế hoặc tăng chi phí nhất định tăng.
Do đó, quá trình phê duyệt và điều chỉnh cho những thay đổi đó cần phải rất rõ ràng và cần được cân nhắc thấu đáo và cho phép cơ quan liên quan đến dự án có nhiều quyền ra quyết định hơn nếu việc gia tăng chi phí vẫn nằm trong mức dự phòng và không vượt quá mức ngân sách cho phép. Đây cũng là một cách khác để giúp tăng giải ngân công.
Hỗ trợ doanh nghiệp cần kiểm soát lạm phát
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng của Chính phủ, ông Andrew Jeffries cho rằng, Việt Nam cần đề ra các biện pháp nhằm cân bằng kinh tế, kích thích nền kinh tế, cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp hơn và nhiều khoản vay hơn cho các doanh nghiệp để họ có thể mở rộng hoặc phát triển. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng có thể gây tăng lạm phát.
Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới đều phải chịu áp lực lạm phát do các yếu tố bên ngoài chứ không phải do các yếu tố trong nước gây ra. Điều đó đặt các nhà chức trách vào tình thế khó khăn khi vẫn cần phải kiểm soát lạm phát song hành với việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ vẫn cần phục hồi sau đại dịch.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đang được triển khai đã hoãn thuế, giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp. Điều này đã hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đang triển khai một số chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp hoặc giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đưa ra các gói hỗ trợ về cho thuê nhà ở giúp lao động tỉnh xa quay trở lại làm việc.
Tất cả những gõi hỗ trợ này nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ. Yếu tố quan trọng là Việt Nam cần có các biện pháp nhằm thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình này.
“Nhưng về khía cạnh quản lý lạm phát, tôi cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt. Tôi đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì đã duy trì lạm phát ở mức ổn định, đồng thời không tăng lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cần phục hồi”, ông Andrew Jeffries.