Báo động tình trạng nhà thầu lớn “sợ” dự án đầu tư công

Lê Sáng thực hiện | 01:12 20/09/2022

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, một vấn đề rất đáng báo động và có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến công tác giải ngân vốn đầu tư công là tình trạng nhà thầu “sợ” các dự án đầu tư công.

Báo động tình trạng nhà thầu lớn “sợ” dự án đầu tư công
Theo VACC, đang có tình trạng một số nhà thầu uy tín, có năng lực đang "ngại" tham gia các dự án đầu tư công.

Tại Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2022 vừa qua, một trong những vấn đề nóng và nhận được sự quan tâm của các đại biểu là phản ánh của các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng về tình trạng đơn giá, định mức của các hạng mục thi công tại những dự án đầu tư công hiện đang quá thấp và lạc hậu so với mức bình quân chung của thị trường.

Về nội dung trên, chia sẻ với MarketTimes, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng thực trạng đặt ra hiện nay là hết sức quan ngại, bức thiết và cần phải sớm có những giải pháp tháo gỡ.

vna_potal_phien_toan_the_dien_dan_kinh_te_-_xa_hoi_viet_nam_2022_stand.jpg
Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Ảnh: TTXVN

MarketTimes: Ở góc độ VACC, ông có thể nói rõ hơn về những bất cập liên quan đến vấn đề đơn giá của nhà thầu tại các công trình có vốn đầu tư công hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Dưới giác độ các nhà thầu xây dựng, tôi cho rằng bên cạnh rất nhiều khó khăn đang gặp phải như nguồn vốn, những khó khăn trong công tác thanh quyết toán thì vấn đề đơn giá và định mức áp dụng tại các dự án đầu tư công còn quá lạc hậu và bất cập đang khiến cho một số doanh nghiệp nhà thầu lớn và có uy tín “sợ” tham gia các dự án đầu tư công vốn rất quan trọng này.

Có thể lấy ví dụ như việc đơn giá nhân công theo quy định hiện nay đang thấp hơn quá xa sơ với thực tế.

Cụ thể theo quy định tại Bảng 4.2 Thông tư số 13/2021/TT-BXD chi phí nhân công chỉ từ 172.000 - 336.000 đồng/ca, tuy nhiên thực tế nhân công nhà thầu đi thuê tối thiểu là 350.000 – 500.000 đồng/ca.

Thời gian qua, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 kéo theo sự thiếu hụt và đứt gẫy nguồn nhân công nên việc tuyển dụng lao động hết sức khó khăn, bao gồm cả thợ vận hành, nhân công kỹ thuật và lao động phổ thông.

Trong khi đó, rất nhiều địa phương, đơn giá nhân công gần như không thay đổi từ năm 2019 đến nay, đồng nghĩa với việc Nhà thầu không được điều chỉnh chi phí nhân công theo công thức điều chỉnh giá của hợp đồng.

Với đơn giá nhân công chỉ từ 172.000 - 336.000 đồng/ca thì không thể thuê được nhân công. Những hạng mục thi công cầu trên cao, nguy hiểm phải trả nhân công gấp nhiều lần đơn giá quy định.

Bên cạnh đó, do đặc thù vùng miền, điển hình như ở khu vực phía Nam, tại một số dự án trọng điểm cần công nhân có tay nghề cao, các nhà thầu còn phải đưa nhân công từ miền Bắc, miền Trung vào làm vì chi phí thuê nhân lực ở khu vực trong đó rất cao nhưng cũng rất khó tuyển.

Bên cạnh vấn đề đơn giá nhân công, một số định mức mới, định mức điều chỉnh, định mức công trình giao thông đường bộ, định mức sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới chưa được tính đúng, tính đủ.

Chẳng hạn như định mức trong đắp Subbase và Base hao phí chỉ 1,34m³ vật liệu được 1,0 m³ thành phẩm là quá thấp hoặc định mức trong công tác cẩu lắp dầm bằng phương pháp đấu cẩu đơn giá theo định mức chỉ khoảng 4.500.000 đồng/dầm, tuy nhiên nhà thầu thực tế phải thuê với giá khoảng 10.000.000 đồng/dầm.

Ngoài ra, theo phản ánh từ các đơn vị thành viên VACC thì còn có nhiều định mức, đơn giá ban hành vẫn chưa sát với thực tế, còn lạc hậu, đặc biệt là các đơn giá có áp dụng thuế môi trường thì giá bán thực tế rất cao so với giá công bố tại địa phương hoặc là có chênh lệch rất cao giữa giá có thuế với giá chưa thuế.

Cụ thể như địa bàn Đà Nẵng, Sở Xây dựng công bố giá mua đất đồi san lấp tại mỏ đất là: 31.600 đ/m3 (giá sau thuế từ năm 2019 đến nay), trong khi thực tế giá bán tại mỏ đất san lấp K85 dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đ/m3, chênh lệch gần 100% so với giá công bố, giá bán đất đắp nền đường K95, K98 còn đắt hơn (gần 100.000 đ/m3) hay đơn giá ván khuôn dầm sàn áp dụng tính dự toán từ (110.000 đến 130.000) đồng/m2, thực tế hiện nay từ (180.000đ-200.000)đồng/m2, chênh lệch hơn 60%.

Nhìn chung, hiện nay tình trạng khó khăn về thủ tục thanh quyết toán cộng với định mức đơn giá quá lạc hậu đã khiến một số doanh nghiệp nhà thầu, nhất là những nhà thầu có uy tín, năng lực, có thị trường, có uy tín có tâm lý e ngại tham gia các dự án đầu tư công mà ưu tiên hơn tham gia các dự án FDI, tư nhân.

MarketTimes: Có thể thấy, những bất cập liên quan đến đơn giá tại các dự án đầu tư công đang đặt ra là rất “trùng điệp”. Vậy theo ông, đâu sẽ là “nút thắt” quan trọng nhất cần được tháo để có thể gỡ được hàng loạt vướng mắc nói trên?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Theo tôi, những vướng mắc, tồn tại dù nhiều nhưng cũng chỉ xuất phát từ 2 từ “thể chế”. Do đó, nếu để nói nút thắt quan trọng nhất cần gỡ thì đó chính là thể chế.

Chẳng hạn như trong các vấn đề vướng mắc vừa nhắc đến như khó khăn liên quan đến đơn giá, định mức các doanh nghiệp nhà thầu rất mong sớm có thể chế mở đường để có những quy định rõ ràng nhằm tạo cơ chế được tính đúng, tính đủ để iên tâm tập trung vào công việc thi công.

Ngoài ra, chỉ khi có thể chế mở đường thì tình trạng những vướng mắc của các doanh nghiệp nhà thầu mới có thể được tháo gỡ một cách triệt để, không còn cảnh “trên nóng dưới lạnh” khi những lãnh đạo cấp cao rất quyết liệt chỉ đạo để “tháo” những điểm nghẽn nhưng các cấp cơ sở có thể do vướng những quy định liên quan lại chưa thể “gỡ”.

Điều đáng mừng là vừa qua thì Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại văn bản số 301/TTg-PL đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Khi hoàn thiện thể chế, pháp luật tốt sẽ tạo ra cơ chế tốt để cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Những kiến nghị, đề xuất chi tiết liên quan đến ngành xây dựng nói chung cũng như hoạt động của các doanh nghiệp nhà thầu, đặc biệt là vấn đề đơn giá, định mức tại các dự án đầu tư công VACC đã và đang có những kiến nghị bằng nhiều hình thức tới các cơ quan chức năng.

MarketTimes: Vậy dưới góc độ Chủ tịch VACC, theo ông, đâu sẽ là kỳ vọng lớn nhất của các doanh nghiệp nhà thầu trong việc tháo gỡ những vướng mắc như đã nêu?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Chúng ta đều biết việc sửa đổi các quy định, thể chế pháp luật là việc cần xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình, không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp nhà thầu rất hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm của Quốc hội cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và các bộ ngành thì những vướng mắc liên quan đến hoạt động thầu xây dựng nói chung cũng như vấn đề đơn giá thi công các gói thầu đầu tư công nói riêng sẽ sớm được tháo gỡ.

Đó cũng là mong mỏi lớn nhất của các doanh nghiệp nhà thầu để có thể tham gia tích cực nhất nhằm đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho cho công tác đầu tư công nói riêng cũng như sự phát triển chung của kinh tế nước nhà hậu đại dịch COVID-19 nói riêng.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Báo động tình trạng nhà thầu lớn “sợ” dự án đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO