ADB chỉ ra thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022

Minh Trang | 14:52 06/04/2022

Mặc dù có nhiều yếu tố tích cực nhưng đi cùng đó là những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới.

ADB chỉ ra thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022
ADB dự báo kinh tế Việt Nam vẫn đạt GDP 6,5% trong năm 2022.

Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào sáng 6/4, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB đã đưa ra một số nhận định về tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Việt Nam trong năm nay và năm sau.

Theo ông Cường, trước sự chuyển hướng của các nước trong đó có Việt Nam cũng như việc tăng cường phủ vaccine đã giúp điều chỉnh nền kinh tế rất nhanh.

Với bức tranh tương đối sáng sủa và tích cực, ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 tương đối khả quan đạt 6,5%.

Đây cũng là dự báo của ADB giữ nguyên từ năm ngoái.

Nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2022, theo ông Cường có 3 yếu tố chính làm nên sự phục hồi:

Thứ nhất, ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Trong 3 tháng đầu năm có khoảng 35.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Sự trở lại dòng lao động cũng như sự quay trở lại của doanh nghiệp hỗ trợ cho sự phục hồi của công nghiệp chế biến chế tạo.

Thứ hai, thương mại và đầu tư: Ngay từ đầu năm, thương mại vẫn tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức rất cao. Thương mại và đầu tư gắn rất chặt với quá trình mở cửa của kinh tế Việt Nam. Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% –10% trong năm nay.

Thứ ba, ngành dịch vụ sẽ vẫn có đà tăng trưởng tốt trong năm 2022 và năm 2023. Đặc biệt, sẽ chuyển hướng tích cực trong mở cửa du lịch từ 15/3 sẽ tăng trưởng tốt hơn. Bên cạnh đó, gói chính sách chính sách kích thích tài chính tiền tệ mới được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phục hồi của năm nay và năm sau.

Lạm phát quý 1/2022 có dấu hiệu tăng, tuy nhiên lạm phát cả năm 2022 theo ADB vẫn ở mức kiểm soát 3,8% còn sang năm 2023 sẽ khoảng trên 4%. Đây cũng là xu thế chung của các nước khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, chuyên gia kinh tế trưởng ADB đưa ra những thách mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới. 

Việc triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) gặp một số thách thức về mặt chính sách. Nhất là khi thực hiện các dự án hạ tầng có thể vướng bởi thủ tục đầu tư công phức tạp, đặc biệt là trong công tác thu hồi đất đai, tái định cư và mua sắm đấu thầu.

Một mối quan ngại khác là chương trình hỗ trợ lãi suất có thể gặp rủi ro do các khoản vay được trợ cấp bị sử dụng sai mục đích, bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, như cổ phiếu hoặc bất động sản. Điều này đã xảy ra với một chương trình tương tự vào năm 2009.

Việc giảm 2% thuế VAT có thể tạo ra các tác động chuyển tiếp đáng kể và trên diện rộng nếu được thực hiện thành công. Tuy nhiên, các tiêu chí đáp ứng điều kiện và thủ tục rất phức tạp có thể hạn chế khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp đối với chính sách giảm thuế VAT.

Ngoài ra còn rủi ro về địa chính trị như căng thẳng Nga – Ukraine tác động rất mạnh đến quá trình tăng trưởng của thế giới, nhóm các nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh đều là bạn hàng lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, với chính sách zero-COVID của Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động mạnh đến chuỗi cung ứng vì vậy ảnh hưởng đến Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
ADB chỉ ra thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO