Chuyên gia ADB: Đầu tư công là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới

Dương Trang | 12:20 23/09/2022

Chuyên gia ADB cho rằng, một số động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam như xuất khẩu có giảm thì cần đến động lực từ giải ngân vốn đầu tư công. Đây sẽ là động lực quan trọng tăng trưởng trong quý tới.

Chuyên gia ADB: Đầu tư công là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới
Giải ngân vốn đầu tư công là động lực tăng trưởng của Việt Nam. (Ảnh: Int)

Bên lề cuộc họp báo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa tổ chức, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt đã đưa ra một số đánh giá về chính sách tiền tệ và nhận định về mục tiêu tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2022.

Theo ông Cường, chính sách tiền tệ của Việt Nam từ đầu năm đến nay có thể đánh giá rất linh hoạt, sự linh hoạt thế hiện trên nhiều phương diện, một mặt để kiềm chế lạm phát, một mặt để phục vụ tăng trưởng.

Điều hành tỷ giá của Việt Nam tương đối ổn định so với các nước khác trong khu vực, mức độ mất giá của đồng Việt Nam chỉ 2%. Tất nhiên điều gì cũng có hai mặt. Khi mà đồng Việt Nam mất giá nhẹ, tức đồng Việt Nam cũng tăng giá so với nhiều loại tiền khác. Nhìn chung, sự điều hành chính sách rất linh hoạt, nó đã hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng và vẫn kiềm chế tốt lạm phát.

Tuy nhiên có một điểm cần lưu tâm, chính sách tiền tệ không thể đứng một mình được mà cần phải thực hiện kết hợp cùng với chính sách tài khóa.

Ông Cường khẳng định, trong thời gian trước mắt việc kiểm soát trần tín dụng vẫn có những tác dụng nhất định. Trần tín dụng 14% theo ADB là Ngân hàng Nhà nước đã tính toán dựa trên những chỉ tiêu, mục tiêu ví như kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng kinh tế từ 6 đến 6,5%. Từ những mức chỉ tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra mức trần tín dụng là 14%.

Từ giờ đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có những sự điều chỉnh linh hoạt nhất định đối với một số ngân hàng khi mà có nhiều chỉ tiêu như an toàn vốn, chỉ tiêu về tỷ lệ cho vay ngắn hạn/dài hạn ở mức độ an toàn thì Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể nới chỉ tiêu tín dụng cho một số ngân hàngthương mại. Biện pháp chính sách tín dụng linh hoạt này trong ngắn hạn là tương đối hiệu quả, còn về dài hạn Ngân hàng Nhà nước cũng nên có lộ trình để không còn dùng trần tín dụng để quản lý tiền tệ, sử dụng biện pháp khác mang tính hiệu quả hơn, cơ bản hơn.

Vẫn liên quan tới trần tín dụng, ông Cường cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 9% tín dụng đã được sử dụng, như vậy từ nay đến cuối năm, dòng tiền sẽ khá hạn chế. 

Đối với định hướng kiểm soát lạm phát, trong năm 2022, Chính phủ sẽ vẫn kiểm soát được lạm phát đúng như mục tiêu đã đề ra, dưới 4%. Chính sách đồng bộ của Việt Nam, chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát tốt giá cả xăng dầu cũng như tự lực được về lương thực, tất cả các yếu tố này giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát.

Đánh giá về tăng trưởng năm 2023, ông Cường phân tích, dư địa để kiểm soát lạm phát dần dần cũng sẽ hạn chế hơn, thu hẹp lại. Nếu như bất ổn địa chính trị kéo dài và Trung Quốc bắt đầu nới lỏng kiểm soát COVID-19, Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng trở lại, thì khi đó sức ép giá xăng dầu sẽ xuất hiện.

“Cho đến thời điểm này, dự báo của ADB và nhiều tổ chức khác đều cho rằng kinh tế thế giới sẽ giảm tốc và có thể rơi vào suy thoái. Khi đó áp lực lên giá dầu có thể giảm. Bất ổn địa chính trị tuy nhiên vẫn là biến số rất khó đo lường”, ông Cường nói.

Nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tạo nền tảng để Việt Nam có thể ứng phó với những biến động từ nay đến cuối năm, ổn định của kinh tế vĩ mô này còn hay không còn phụ thuộc vào dư địa của Việt Nam. Việt Nam còn dư địa về tiền tệ, tài khóa nhưng có thể không còn nhiều dư địa về thời gian.

Theo ông Cường, một số động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam như xuất khẩu có giảm thì cần đến động lực từ giải ngân đầu tư công, đây sẽ là động lực quan trọng trong quý tới.

Nhưng để giữ được chính sách tài khoá một cách hiệu quả thì vấn đề giải ngân vốn đầu tư công vẫn là then chốt. Cho đến nay đây vẫn là vấn đề mang tính hệ thống của Việt Nam, tức là việc giải ngân rất chậm, hạn chế. Trong dự báo tăng trưởng 7- 8% có tính đến tác động của các dự án đầu tư công hay không? Bởi vì theo như ADB dự báo thì có tính đến khi nó phát huy tác dụng. Hoặc nếu kinh tế năm 2022 tăng trưởng 7-8%, trong khi giải ngân đầu tư công rất chậm, sẽ đánh giá được tác dụng của đầu tư công có tác động thật sự hay không?

“Từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023, Việt Nam cần vô cùng nỗ lực trong giải ngân đầu tư công bởi đây là những biện pháp hỗ trợ cho Việt Nam duy trì tăng trưởng trong năm 2022 và 2023”, ông Cường nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuyên gia ADB: Đầu tư công là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO