Đây là chia sẻ của TS. Lê Duy Bình, Giám đốc công ty Economica Việt Nam về Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) với MaketTimes.
MarketTimes: Đến nay Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế đã đi được hơn nửa năm, ông đánh giá như thế nào về tiến độ Chương trình?
TS. Lê Duy Bình: Chương trình hồi phục được chia thành 4-5 gói cấu phần, hiện nay đã triển khai một số cấu phần như miễn giảm thuế VAT, hỗ trợ lệ phí. Để triển khai được Chính phủ đã có sự chuẩn bị trước khá tốt và sự nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính, có thể gia hạn cho doanh nghiệp chậm nộp thuế, giãn hoãn nộp thuế.
Theo Chính phủ, tổng thể gói hỗ trợ này 350.000 tỷ đồng, nhưng có một số cấu phần lớn như gói cấp bù lãi suất chỉ một số ngân hàng tham gia. Mức độ giải ngân vốn ở tỷ lệ rất thấp so với tổng số gói của Chương trình.
Riêng về thuế VAT, mặc dù cấu phần này đã được triển khai, thời gian đầu gặp khá nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ nên hoạt động này được triển khai mạnh mẽ, việc giảm VAT từ 10% xuống 8% đã giải quyết được một phần khó khăn cho doanh nghiệp.
Các gói cấu phần khác như hỗ trợ chi phí cho người lao động thuê nhà, chính sách tín dụng… đang được giải ngân từng bước.
Bên cạnh đó, gói 134.000 tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư cho giao thông là 103.000 tỷ đồng gần như chưa thực hiện được do theo Luật Đầu tư công, hiện giờ mới công bố 1 số dự án có thể tham gia vào gói hỗ trợ này. Quá trình chuẩn bị mất rất nhiều thời gian. Do đó, tính đến nay việc đóng góp trực tiếp của gói này cho GDP 7,7% quý 2/2022 gần như không có.
MarketTimes: Sau khi đại dịch rút đi còn nhiều vấn đề ngổn ngang, rất nhiều việc phải làm, trong đó triển khai gói hỗ trợ của Chương trình nhằm hồi phục kinh tế. Thưa ông, đâu là những khó khăn?
TS. Lê Duy Bình: Trong 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 116.900 doanh nghiệp, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm là 83.570 doanh nghiệp, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 50.909 doanh nghiệp, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 24.073 doanh nghiệp.
Với số doanh nghiệp thành lập, quay trở lại thị trường và rút lui khỏi thị trường như thế thì Chính phủ vẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, những gói đầu tư công, hạ tầng trọng điểm cần thiết phải thực hiện được. Bởi nếu thực hiện được nó sẽ tạo nên một không gian mới cho phát triển kinh tế cũng như chuẩn bị cho sản xuất của Việt Nam trong tương lai.
Nhưng vấn đề lớn nhất, khó khăn nhất của gói hỗ trợ này là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, đó là những thực thể như năng lực bộ ngành trong việc lựa chọn dự án, phân bổ vốn cho dự án đó, chuẩn bị dự án…
Năng lực hấp thụ nữa đó là liên quan đến giải ngân, ở đây là vai trò của ban quản lý dự án, chủ đầu tư và khả năng của nhà thầu. Ban quản lý dự án đó như thế nào, ban quản lý dự án khó khăn về con người, thời gian và đặc biệt là nhà thầu thi công. Hơn nữa, khó khăn về chi phí như hiện nay, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án của họ… ảnh hưởng tổng thể năng lực hấp thụ.
Tiếp đến là năng lực của nhà cung cấp các nguyên vật liệu cho thực hiện các dự án đầu tư công. Trên thực tế, các dự án đầu tư công, phần lớn sử dụng rất nhiều nguyên nhiên vật liệu trên thị trường sẽ tác động trực tiếp, tạo ra khó khăn cho các công trình. Hiện nhiều công trình ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ giải ngân, thực hiện và đặc biệt ảnh hưởng đến phục hồi tăng trưởng.
MarketTimes: Chương trình phục hồi sau đại dịch mới bắt đầu triển khai, triển vọng giải ngân gói này chỉ trong 2 năm liệu có hoàn thành như mục tiêu?
TS. Lê Duy Bình: Hiện giờ công tác chuẩn bị cho dự án sử dụng vốn đầu tư công đang được tiếp tục chuẩn bị và đang được thực hiện tốt ở một số bộ ngành. Việc triển khai sẽ được đẩy mạnh hơn trong năm 2023. Theo đó, một số bộ ngành sẽ thực hiện một số dự án bằng gói phục hồi này. Như vậy, kỳ vọng chúng ta vẫn tin tưởng có thể sẽ hoàn thành được Chương trình trong 2 năm.
Như tôi đã nói, chúng ta vẫn kỳ vọng giải ngân được, nhưng điều đó phải phụ thuộc và dự án tốt và các dự án được công bố sớm. Ở gói cấu phần 134.000 tỷ đồng dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nếu như dự án không tốt thì chúng ta cũng không nên giải ngân. Tốt ở đây là đúng mục đích của chương trình này, đó là hỗ trợ cho tăng trưởng bền vững, mang tính chất dài hạn hơn trong tương lai, tạo ra không gian tăng trưởng mới, dư địa phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh về logistic, giảm bớt chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, rút ngắn được khoảng cách thị trường từ người sản xuất đến người tiêu dùng và có thể tạo ra mô hình kinh doanh mới.
Nếu như vội vã và bằng mọi cách giải ngân những dự án này từ nguồn gói chương trình hỗ trợ, không những không phát huy hiệu quả kinh tế từ dự án đó mà thậm chí còn mang lại ghánh nặng cho nền kinh tế trong tương lai. Những vấn đề như thế này dễ là nguồn cơn dẫn đến những sai phạm của nhiều cấp lãnh đạo.
Như vậy, chúng ta cần dự án tốt, cần tiết kiệm tiền thuế của dân và không nhất thiết phải giải ngân nguồn vốn này trong vòng 2 năm.
MarketTimes: Xin trân trọng cảm ơn ông!