Chứng khoán tuần qua: Thị trường rung lắc mạnh, một cổ phiếu nhà băng được “gom” đột biến

Nguyên Trang | 06:09 20/04/2025

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh trong tuần qua, với 2/3 phiên giảm giá; Cổ phiếu SHB thanh khoản đột biến, “bốc đầu” tăng trần; Nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu VIC?; Doanh nghiệp dệt may lớn tại TP. HCM “tái sinh”, cổ phiếu bốc đầu kịch trần, …

Chứng khoán tuần qua: Thị trường rung lắc mạnh, một cổ phiếu nhà băng được “gom” đột biến

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh

Thị trường chứng khoán rung lắc mạnh trong tuần qua, với 2/3 phiên giảm giá, chỉ số chính VN-Index “bốc hơi” hơn 3 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE luôn duy trì ở mức cao, với 4/5 phiên tổng giá trị giao dịch đạt trên 20.000 tỷ đồng/phiên.

Kết phiên 18/04, chỉ số chính VN-Index tăng 1,87 điểm, lên 1.219,12 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 3,52 điểm, lên 213,1 điểm. Chỉ số UPCoM-Index tăng 0,77 điểm, lên 91,3 điểm.

Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, dù sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng kết phiên luôn trong trạng thái giằng co, thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường tiến gần các vùng kháng cự ngắn hạn. Tuy nhiên, sắc xanh chiếm ưu thế và dòng tiền vẫn duy trì ở mức tích cực là tín hiệu cho thấy kỳ vọng vào đà hồi phục vẫn hiện hữu.

Xem thêm tại đây

Cổ phiếu SHB thanh khoản đột biến, “bốc đầu” tăng trần

Thanh khoản cổ phiếu SHB của ngân hàng SHB tiếp tục được duy trì ở mức cao. Tuần qua, đã có hơn 350 triệu cổ phiếu SHB được các nhà đầu tư sang tay, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.200 tỷ đồng.

co-phieu-shb.png

Đặc biệt, ở phiên cuối tuần (19/04) dòng tiền chảy vào ồ ạt đẩy khối lượng giao dịch trên SHB lên đến hơn 156 triệu đơn vị, giá trị giao dịch xấp xỉ 2.000 tỷ đồng – xác lập mức kỷ lục trong lịch sử niêm yết của ngân hàng này. Giá cổ phiếu SHB cũng giao dịch tích cực, tăng kịch trần "trắng" bên bán lên mức 12.850 đồng/cp, cao nhất trong vòng gần 3 năm.

Thực tế, việc một cổ phiếu khớp lệnh khủng trên 100 triệu đơn vị xuất hiện không nhiều trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là lần thứ 3 SHB xác lập được điều này.

Xem thêm tại đây

Cổ phiếu FPT bất ngờ giảm sàn, FPT Telecom ngược dòng tăng mạnh

Thị trường chứng khoán phiên 16/4 bất ngờ chứng kiến giao dịch trái chiều của bộ đôi cổ phiếu FPT và FPT Telecom (mã FOX). Cổ phiếu FPT chịu áp lực bán mạnh đến giảm sàn "trắng bên mua", còn FOX ngược chiều tăng mạnh 4%. FPT đang tiến gần về vùng đáy một năm trong khi FOX còn kém khoảng 14% so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi giữa tháng 6 năm ngoái.

3(1).jpg

Đáng chú ý, trong cơ cấu cổ đông của FPT Telecom, Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn nhất nắm hơn 50% vốn. FPT là cổ đông lớn thứ 2 với tỷ lệ sở hữu 45,66% nhưng đang hạch toán FPT Telecom là công ty con theo thuyết minh trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2024.

Cổ phiếu FPT giảm sâu sau khi tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2025 ngày 15/4 vừa qua. Tại Đại hội, cổ đông FPT đã thông qua kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 21% so với thực hiện 2024.

Xem thêm tại đây

Doanh nghiệp dệt may lớn tại TP. HCM “tái sinh”, cổ phiếu bốc đầu kịch trần

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) là một trong số ít những cổ phiếu tăng kịch trần trong phiên 17/4. Thị giá GIL tăng bốc đầu, "trắng bên bán" qua đó đóng cửa tại mốc 14.550 đồng/cp, cao nhất trong vòng 2 tuần qua.

4.png

Dù tăng hết biên độ, GIL vẫn thấp hơn 30% giá trị so với hồi đầu năm, vốn hóa đạt xấp xỉ 1.480 tỷ đồng.

Diễn biến hồi phục của cổ phiếu dệt may này đến sau khi doanh nghiệp đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2025, hé lộ những thông tin tích cực. Theo đó, Gilimex đặt mục tiêu doanh thu 1.200 tỷ đồng, tăng 69% và kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 150 tỷ đồng, tăng 82% so với thực hiện năm 2024.

Đáng chú ý, HĐQT cũng thông qua việc chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương với số tiền thực hiện ước tính khoảng 101,6 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2025 dự kiến cũng là 10%.

Xem thêm tại đây

SK đã tìm được đối tác mua cổ phiếu VIC?

Theo báo cáo thường niên năm 2024, Tập đoàn SK (chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc) đang phân loại khoản đầu tư vào cổ phiếu Vingroup vào khoản mục tài sản nắm giữ chờ bán.

Động thái này nằm trong kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư quốc tế của SK.

5(1).jpg

Trước đó vào tháng 1/2025, SK Investment Vina II - quỹ thành viên của SK Group đã bán gần 51 triệu cổ phiếu VIC, qua đó giảm sở hữu xuống còn 180,61 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,72%. Các giao dịch của SK sẽ không còn thuộc diện công bố thông tin do không còn là cổ đông lớn tại Vingroup.

Do vậy, giao dịch này được nhận định là SK thoái vốn. Mặc dù vậy, giá cổ phiếu VIC vẫn tăng cho thấy SK đã tìm được nhà đầu tư mua thoả thuận cổ phiếu VIC, đồng thời thể hiện niềm tin của nhà đầu tư trong nước vào tiềm năng của Vingroup.

Xem thêm tại đây

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chứng khoán tuần qua: Thị trường rung lắc mạnh, một cổ phiếu nhà băng được “gom” đột biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO