Chủ động nguồn vốn, nắm bắt cơ hội thị trường BĐS năm 2024

Thu Thủy | 13:13 20/01/2024

Theo các chuyên gia, với những chính sách đã và đang triển khai, thị trường BĐS sẽ phục hồi, phát triển bền vững trong năm 2024. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn vốn để nắm bắt cơ hội thị trường.

Chủ động nguồn vốn, nắm bắt cơ hội thị trường BĐS năm 2024
Những điểm mới trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) tác động tích cực đến thị trường.

Vừa qua, tại TP.HCM, Báo Xây dựng, Hiệp hội BĐS Việt Nam, Cộng đồng Review BĐS và các đơn vị liên quan đã tổ chức Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” để tìm ra giải pháp khôi phục thị trường BĐS trong năm 2024.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực hơn vào cuối năm 2023, nhưng nhìn tổng thể năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với thị trường BĐS. Vì vậy, trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững tại Nghị quyết số 33/NĐ-CP của Chính phủ; Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023; Công điện số 1376/CĐ-TTg ngày 17/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp lý cho thị trường BĐS.

Đặc biệt, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho thị trường BĐS như: chỉ đạo triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp; tiếp tục đẩy mạnh phát triển NƠXH, phấn đấu năm 2024 hoàn thành 130.000 căn NƠXH,…

Ngoài ra, để thị trường BĐS tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp BĐS cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: Về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…);

Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.

dienanbds2024.jpg

Ông Mai Viết Vĩnh, CEO Mai Việt Land nhận định: “Vùng đáy của thị trường bất động sản rơi vào năm 2023, đến 2024 thị trường đang trên đà phục hồi nhưng không mạnh”.

Đối với hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản… Đối với hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý, đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ. Về giá thành sản phẩm BĐS, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Theo các chuyên gia BĐS, dự báo trong giai đoạn 2024 - 2025, các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư mới sẽ được giải quyết và thị trường bất động sản sẽ phục hồi khi Luật Đất đai 2023 được thực hiện đúng tiến độ và sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm 2024. Nhờ đó, nguồn cung trên thị trường gia tăng, tạo điều kiện cho ngành khôi phục hơn.

Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để thị trường BĐS khôi phục mạnh mẽ trong năm 2024, các Bộ, ban ngành cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án BĐS; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn và xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy các địa phương công bố những dự án NƠXH đủ điều kiện triển khai vay vốn thuộc chương trình tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chủ động nguồn vốn, nắm bắt cơ hội thị trường BĐS năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO